Bán nhạc Hàn Quốc, gặp rắc rối

Nhạc Hàn luôn hot tại Việt Nam. Trong ảnh: Wonder Girls - ban nhạc Hàn Quốc
Nhạc Hàn luôn hot tại Việt Nam. Trong ảnh: Wonder Girls - ban nhạc Hàn Quốc
TP - Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa chính thức gửi văn bản đến 7 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam bao gồm Viettel, Vinaphone, Mobifone, S-Fone, Beline, Vietnam Mobile và EVN khiếu nại về việc các bài hát nhạc Hàn Quốc mà các nhà mạng đang sử dụng để cung cấp dịch vụ nhạc chuông chờ cho khách hàng chưa được sự đồng ý, cho phép của các tác giả hoặc tổ chức đại diện hợp pháp của họ.

> Fan cuồng người Việt của 'sao' Hàn

Nhạc Hàn luôn hot tại Việt Nam. Trong ảnh: Wonder Girls - ban nhạc Hàn Quốc
Nhạc Hàn luôn hot tại Việt Nam. Trong ảnh: Wonder Girls - ban nhạc Hàn Quốc.
 

Sau khi nhận được văn bản của VCPMC, các nhà mạng thông báo rằng họ chỉ hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung để kinh doanh nhạc chuông chờ chứ không đi mua trực tiếp, do vậy đã ngay lập tức yêu cầu các nhà cung cấp nhạc Hàn Quốc liên hệ làm việc với VCPMC để giải quyết sự việc.

Khi làm việc với VCPMC, các nhà cung cấp nhạc Hàn Quốc cho biết tất cả những bài hát đó họ đã mua từ Công Ty TNHH MTV NEOWIZ INTERNET VIỆT NAM - có trụ sở tại số 37 Tôn Đức Thắng - Phường Bến Nghé - Q. 1 TPHCM và trong hợp đồng hợp tác mua bán công ty này cam kết họ có toàn quyền bán các bài hát đó cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhạc chuông chờ tại Việt Nam.

Trước khi gửi văn bản khiếu nại đến 7 nhà mạng, VCPMC đã liên hệ với KOMCA – tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Hàn Quốc và được xác nhận rằng Công Ty TNHH MTV NEOWIZ INTERNET VIỆT NAM không có quyền bán quyền tác giả của các bài hát nhạc Hàn Quốc cho bất kỳ đơn vị sử dụng nào tại lãnh thổ Việt Nam.

KOMCA khẳng định VCPMC là đơn vị duy nhất có quyền thực hiện việc cấp phép và thu tiền sử dụng đối với các bài hát nhạc Hàn Quốc tại Việt Nam và trong trường hợp cần thiết VCPMC có quyền khởi kiện Neowiz Việt Nam.

Nhận được thông tin đó, các nhà cung cấp nhạc Hàn Quốc mới tá hỏa, họ lo lắng không biết liệu khiếu kiện này có khiến cho việc kinh doanh của họ gián đoạn, VCPMC có truy thu tiền bản quyền trong thời gian vừa qua không, và số tiền họ đã trả nhầm cho NEOWIZ Việt Nam sẽ được xử lý như thế nào.

“Thật khổ quá, chúng tôi có biết đâu, thấy NEOWIZ Việt Nam cam kết là có toàn quyền bán thì chúng tôi mua… Không biết nên gọi đây là sự nhầm lẫn tai hại do thiếu thông tin hay bị lừa nữa” - đại diện một nhà cung cấp nhạc Hàn Quốc chia sẻ.

Cho đến nay mới có 5 trên 11 nhà cung cấp nhạc Hàn Quốc là nạn nhân của vụ việc liên hệ với VCPMC xin hướng dẫn cách giải quyết để được tiếp tục kinh doanh dịch vụ của mình. Còn lại 6 nhà cung cấp khác chưa thấy có bất kỳ phản hồi nào với VCPMC.

NEOWIZ Việt Nam cũng đã chính thức cử đại diện làm việc với VCPMC, thừa nhận sai và cam kết hợp tác nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ đã chót ký kết với NEOWIZ Việt Nam trong thời gian qua. Tới đây NEOWIZ Việt Nam sẽ chỉ bán phần quyền liên quan thuộc sở hữu của mình trong các bài hát nhạc Hàn Quốc mà thôi.

Khi người sử dụng vẫn còn lơ mơ với khái niệm về các quyền và nhóm quyền trong một sản phẩm âm nhạc thì những chuyện nhầm lẫn như thế này là điều dễ hiểu và vì thế sẽ vẫn còn không ít những chuyện dở khóc dở cười.

Một sản phẩm âm nhạc (bản ghi) theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ gồm 2 nhóm quyền lớn là (1) Quyền tác giả - Trong đó có nhiều loại quyền cụ thể như: quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền sao chép tác phẩm, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng…(2) Quyền liên quan đến quyền tác giả - Trong đó có quyền của người biểu diễn (ca sĩ, nhạc công...) và quyền của nhà sản xuất bản ghi.

Hai nhóm quyền này không bao giờ xung đột với nhau, và theo công ước Berne thì việc thực hiện quyền liên quan không được đụng chạm đến quyền tác giả và không được ảnh hưởng đến quyền tác giả dưới bất kỳ cách thức nào.

Cũng theo nguyên tắc trên thì NEOWIZ Việt Nam chỉ sở hữu các quyền liên quan đến quyền tác giả và chỉ được bán quyền liên quan đó cho người sử dụng, còn quyền tác giả phải do tác giả hoặc tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả nơi họ ủy thác thực hiện.

Nhiều tác giả Hàn Quốc khiếu nại

Nhạc Hàn Quốc hiện khá được ưu chuộng tại Việt Nam, đặc biệt là đối với giới trẻ. Thời gian qua VCPMC đã tiếp nhận rất nhiều đơn thư khiếu nại của các tác giả Hàn Quốc và tổ chức KOMCA về việc tác phẩm của họ bị sử dụng trái phép, bị đặt lời mới, đặt lời Việt mà không có sự đồng ý của họ.

Năm 2007, VCPMC đã được KOMCA ủy quyền khởi kiện Công ty VTC online khi Cty này sử dụng các bài hát nhạc Hàn Quốc đưa vào sản phẩm Game Audition nhưng không xin phép và trả tiền sử dụng tác phẩm cho tác giả hoặc tổ chức đại diện hợp pháp của họ.

Gần đây nhất vào cuối năm 2010 VCPMC cũng đã xử lý vụ đạo nhạc bài hát Haru Haru của tác giả Hàn Quốc được ca sĩ Dương565 đặt lời mới, phát hành album mà không hề xin phép tác giả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...