Bán nước vỉa hè để in sách

Bán nước vỉa hè để in sách
TP - Cách đây hơn ba mươi năm, chàng trai Lasman Rao trốn khỏi nhà ở Talegaon Dashashar, bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ. Anh trốn đi chỉ đơn giản vì không chịu nổi cảnh nghèo túng và tù hãm của gia đình và chòm xóm.
Bán nước vỉa hè để in sách ảnh 1
Nhà văn Lasman Rao vẫn sẽ mãi bán nước ở vỉa hè

Quyết chí ra đi đổi đời, trong túi vỏn vẹn 40 rupi, tức là chưa đầy 1 euro. Anh lận đận lên đường, cuối cùng dừng chân ở khu Birla Mandir, thành phố New Delhi, xin được một chân rửa bát thuê trong nhiều nhà hàng để sống qua ngày.

Chàng trai vừa ở quê ra tỉnh say mê đọc sách và xem các phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Gulshan Nada, và thật bất ngờ, anh vỡ lẽ rằng mình có thể viết văn, thậm chí có thể viết hay như  bậc văn hào được toàn dân Ấn Độ kính trọng.

Song anh chợt nhận ra mình chưa đủ vốn sống, vì mới học xong lớp mười phổ thông, chưa hoàn thiện học vấn đủ và cần. Thế là ban ngày làm lụng cật lực, ban đêm anh lao vào tự học. Rồi anh tốt nghiệp lớp mười một, tiếp đến là lớp mười hai, sau đó, xin theo chuyên khoa văn chương và hoàn thành chương trình đại học.

Kiếm một việc làm như ý không dễ. Trong khi đó, không khí đường phố càng ngày càng thân thiết với anh. Năm 1997, anh chở đất về, tự xây một nền cao vài mét vuông, cất một túp lều xinh xắn trên hè phố, và bắt đầu bán paan (trầu Ấn Độ), beedi (thuốc lá điếu bình dân) và nước chè.

Thu nhập đủ sống qua ngày, dù khá khiếm tốn. Quán nước tuềnh toàng nhưng lúc nào cũng đông khách, vì người chủ quán hiểu biết sâu rộng, chuyện trò có duyên và  ý vị thâm trầm.

Anh chú ý theo dõi, thỉnh thoảng tham gia hay gợi ý, những mẩu chuyện tưởng như rời rạc hay những tâm sự đôi khi bâng quơ của khách. Từ đó, ý tưởng văn chương nảy sinh và tác phẩm định hình từng bước một. Khi cuốn sách tương lai đã khá rõ trong đầu, anh bắt đầu viết về đêm, thường khi trời đã rất khuya. Cuốn tiểu thuyết đầu tay hoàn thành năm 1999. Anh phấn khởi đưa bản thảo tới một nhà xuất bản.

Bị từ chối ấn hành, anh đến nhà xuất bản thứ hai, rồi thứ ba…và nhà thứ mười vẫn không ai nhận lời. Không nao núng, anh mua giấy, bỏ ra 7.000 rupi (khoảng 110 euro), thuê in sách. Anh ấn định giá mỗi quyển là 7 rupi. Sách in xong, anh bỏ vài cuốn vào giỏ xe rồi đạp chiếc xe tòng tọc lần lượt đến các trường học phổ thông và đại học ở New Delhi, gặp gỡ chủ yếu là các thầy giáo, mỗi thầy giáo anh gửi một quyển. Anh giới thiệu qua nội dung tác phẩm, đề nghị thầy cô tranh thủ đọc, nếu đồng ý mua, anh sẽ tới nhận tiền. Đa phần thầy cô mua cuốn sách đó.

Cho đến nay, các nhà xuất bản vẫn chưa mặn mà với các tác phẩm của Lasman Rao, nên anh vẫn tự ấn hành sách, dù mấy năm nay hệ thống truyền thông đại chúng giới thiệu anh khá rầm rộ. Nhưng anh vững tin rằng năm bảy năm nữa, bạn đọc khắp đất nước rộng lớn này sẽ biết đến và yêu thích cây bút thứ thiệt Lasman Rao, một con người quyết tâm sống lương thiện bằng tâm huyết và lao động của mình, một giọng văn gan ruột của những người thấp cổ bé họng không chỉ ở xứ sở đã sinh ra cho nhân loại nhà thơ Tagore vĩ đại.

Cuốn thứ hai, anh cũng tự in và tự phát hành như vậy. Hai cuốn lần hồi cũng tiêu thụ hết. Đến tiểu thuyết thứ ba, anh tin mình vẫn thắng, nên chi hẳn 45.000 rupi (khoảng 725 euro), in lần đầu 2.000 bản. Lần này, anh chỉ đem tới một số khách hàng thân thiết. Mấy ngày sau, nhiều khách mới gọi điện tới nhà Lasman Rao xin mua, anh hối hả đạp xe đưa sách đến cho họ. Chỉ bảy tháng, toàn bộ số cuốn thứ ba đã có chủ.

Niềm vui cứ thế được nhân lên. Trước đây, vợ anh thường ca cẩm: “Có bằng đại học, sao anh không xin một việc trong một cơ quan chính phủ, mà cứ bán trầu thuốc với nước chè, rồi viết lách vất vả. Nghèo vẫn hoàn nghèo…”.

Giờ đây tiền viết sách đã kha khá, trung bình 10.000 rupi ( khoảng 160 euro/tháng), chị hả hê ngắm trộm chồng vừa đĩnh đạc đun sôi nước, pha trà, thân mật rót mời, vừa cung kính lắng nghe hoặc tỉ tê với khách. Chị hiểu rằng anh không thể sống khác được. Khách trở thành người nhà. Anh vô tình chia sẻ bao buồn vui của họ, tự nguyện làm thư ký ghi nhật ký cho họ, tưởng như ghi chính bao nỗi niềm của mình.

Từ Bình Tâm
Tổng hợp

MỚI - NÓNG