Bản quyền âm nhạc dân gian thuộc về ai?

Bản quyền âm nhạc dân gian thuộc về ai?
TP - Đó là một trong những câu hỏi trọng tâm được đặt ra trong cuộc hội thảo khoa học: Bàn về quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc, thu hút 16 bản tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhạc sỹ trong và ngoài nước.
Bản quyền âm nhạc dân gian thuộc về ai? ảnh 1
 Múa Bài Bông trong nghệ thuật ca trù mới được phục dựng và biểu diễn. Bản quyền sử dụng nó thuộc về ai?

Cuộc hội thảo do Viện Âm nhạc Việt Nam kết hợp với Tổ chức Liên hoan âm nhạc đương đại Oslo Ultima, Na Uy tổ chức ngày 18/12.

Mục đích của hội thảo là tìm những biện pháp gợi mở cho việc xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc- trước xu thế hội nhập. Đặc biệt là bàn tới những vấn đề tương tự trong các loại hình âm nhạc dân gian, dân tộc.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân đặt câu hỏi: Việc trích dẫn một phần làn điệu hay toàn bộ bài dân ca, dân nhạc truyền thống; việc sử dụng lại và biến đổi một phần hoặc toàn bộ nét dân ca, dân nhạc truyền thống như một phần chất liệu của tác phẩm mới sẽ được xem xét thế nào dưới góc độ Luật Bản quyền?

Cùng một băn khoăn, GS Tô Ngọc Thanh đưa ví dụ về hiện tượng trên như: Cải biên chèo cổ để thành chèo hiện đại (ông gọi là kịch nói pha chèo) hay sử dụng hình thức vốn có của âm nhạc dân gian rồi đặt lời mới theo kiểu “bình cũ, rượu mới”. Về cơ bản, cách làm này đã vi phạm nguyên tắc giữ bản quyền trong các tác phẩm âm nhạc dân gian.

Cùng mạch, ông Đặng Hoành Loan kể về một chuyến điền dã cùng một giáo sư âm nhạc của Nhật vài năm về trước. Trong cuộc điền dã ấy, ông được đặt câu hỏi: Khi thu thanh, ghi hình nghệ nhân, chúng ta có phải trả tiền tác quyền hay không? Và cách thức trả tác quyền là như thế nào?

Đơn giản, theo quan niệm của người Nhật, những nghệ nhân, báu vật sống phải được hưởng những lợi ích trong việc gìn giữ vốn cổ của họ, đặc biệt khi họ được khai thác với nhiều mục đích văn hóa khác nhau. Hàng loạt vấn đề liên quan đến bản quyền âm nhạc dân gian được các nước trên thế giới lưu tâm từ lâu, trong khi nước ta vẫn bỏ ngỏ.

Những vấn đề ấy đều được khơi gợi trong hội thảo. Vấp một vấn đề nan giải khác. Đó là sở hữu trí tuệ đối với âm nhạc dân gian thuộc về ai? Trả tiền bản quyền cho ai và tổ chức nào đứng ra bảo vệ những quyền ấy cho âm nhạc dân gian?

GS Tô Ngọc Thanh thử đưa giải pháp: Quan họ có 49 làng, khi sử dụng âm nhạc quan họ của làng nào thì trả tiền tác quyền cho làng ấy. Xem ra, còn phải lúng túng dài dài, mới có thể tìm câu trả lời cho vấn đề không phải là mới trên.

Trên thực tế, các nhà khoa học trong hội thảo lần này đều thừa nhận rằng, việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc ở Việt Nam vẫn chỉ là bước khởi đầu.

Cho nên, bên cạnh những tham luận đáng chú ý về âm nhạc dân gian còn có một số tham luận về bản quyền âm nhạc Việt Nam nói chung- trước xu thế hội nhập, thực trạng quyền tác giả ở Việt Nam hay các quyền tác giả trên thế giới… Được biết, Hội thảo lần này chỉ là một phần nhỏ trong dự án hỗ trợ các hoạt động văn hóa nghệ thuật của Na Uy dành cho Việt Nam.

MỚI - NÓNG