Bâng khuâng chiều Montreuil

Bâng khuâng chiều Montreuil
TP - Chiều 30/9/2007, Montreuil ghi thêm một sự kiện: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến thăm thành phố, đặt vòng hoa tại tượng đài Bác Hồ và trồng cây lưu niệm ở khu bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bâng khuâng chiều Montreuil ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với ông Fourniaux

Có chút chi đó bâng khuâng khi tôi lật lại cuốn sổ ghi việc đem theo. Chiều thứ Hai ngày 22/5/2000. Đang còn đậm những dòng ghi vội của buổi chiều về cuộc thăm của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới thành phố Montreuil này.

Bảy năm sau vẫn lại là ngài Thị trưởng Pierre Brard - Đảng viên cộng sản, nghị sĩ Quốc hội. Vẫn cái dáng khoan thai chính khách, nhất là động thái duyên dáng của ngài mỗi khi nhoài người để chú tâm lắng nghe ai đó của ngài Thị trưởng.

Bảy năm đã qua. Montreuil không phải là ốc đảo của chính trường Paris nhưng dường như vẫn bình yên qua những xáo động ngoại ô dạo nào. Rồi những ngày xáo trộn qua đi.

Tổng thống J. Chirac và nhiều chính khách Pháp khác đã ra đi nhưng những ý tưởng những cải cách về dân sinh dường như vẫn nguyên lành và tiếp tục sống động ở cái quận ngoại ô Paris dưới quyền cầm trịch của ngài Thị trưởng!

Vẫn vẹn nguyên và sinh sắc thêm như Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng không gian Hồ Chí Minh đứng chân ở Montreuil hơn mười năm lẻ. Nhớ thêm cuộc chiêu đãi Tổng Bí thư và đoàn đại biểu Việt Nam bàn ăn giăng khắp tầng ba tòa Thị chính ken dầy các bàn tiệc đứng.

Tôi cứ nghĩ nên chăng dùng cụm từ Chủ tịch Ủy ban hành chính với ông Thị trưởng Montreuil vì ở nước Pháp duy nhất chỉ có một Thị trưởng đây là đảng viên cộng sản!

Ngài Pierre Brard cầm ly vang đỏ Bordeaux, giọng hào hứng: “Xin mời Ngài Lê Khả Phiêu và các bạn Việt Nam tới thăm Bảo tàng sống của thành phố chúng tôi.

Các bạn sẽ gặp nhiều điều bất ngờ... Điều bất ngờ ấy là  những hiện vật trong căn phòng chật hẹp ở số 9 ngõ Conpoint đã được những người Cộng sản Montreuil di chuyển về Bảo tàng sống của thành phố  này!

Còn nguyên cánh cửa, cái lavabô được di dời về đây. Căn phòng chật của hẻm Conpoint khiêm tốn trong không gian hai tầng rộng thênh của Bảo tàng ken dầy các di vật các chứng tích minh họa sống động cho những hoạt động và phong trào công nhân của các đảng viên cộng sản thành Montreuil trước và sau thời điểm ra đời của Đảng Cộng sản Pháp.

Tuy ở một vị trí khuất nẻo - về sự khuất nẻo này một nhân viên Bảo tàng cho hay vì muốn tái hiện thời điểm cam go gian nan nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động trên đất Pháp.

Khéo cái là ở đây cung cách bài trí dựng xây không phải phảng phất mà là bản sao của gian phòng hẹp ở số 9 ngõ Conpoint. Số 9 Conpoint cũng như toàn bộ con phố ấy từ năm 2000 đó phải nhường chỗ cho việc quy hoạch thành Paris.

Và bây giờ nghe nói một khu nhà đồ sộ 10 tầng đó được mọc trên nền cũ của hẻm Conpoint ấy. Biết ơn lắm những người Pháp từng nặng lòng với người Việt mình đã phải khắc phục nhiều thủ tục hành chính và kinh phí để cho các thế hệ mai sau có một chứng tích sống về một người Việt Nam trên đất Pháp: Chủ tịch  Hồ Chí Minh!

Lang thang ra khoảng sân trước Bảo tàng, tôi bâng khuâng gặp lại một kỷ niệm. Nhớ trưa ấy, ngài Thị trưởng trân trọng mời Tổng Bí thư ra khoảng vườn này.

Thị trưởng tươi cười: “Ngạn ngữ Việt Nam có câu, ba cây chụm lại mới nên rừng. Xin mời ngài, người bạn lớn của Montreuil nói riêng và nước Pháp nói chung trồng ở đây một cây sồi!”.

Tôi cũng mang máng biết được giống sồi lúc ken dày lúc thưa thoáng rất hợp lý trong thành Paris và đậm đặc ở khoảng rừng độc đáo Bologne. Tại châu Âu, sồi na ná như thứ tứ thiết lim, gụ, sến, táu bên  mình cũng là biểu tượng cho sự trường tồn...

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dáng cần mẫn vun đất vào gốc sồi trong ánh đèn của máy ghi hình chớp lia lịa. Đứng gần đó cùng phụ vun gốc với Tổng Bí thư là dáng cao ráo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng.

Bữa ấy nhớ lâu hơn vẻ cảm khái của ngài Thị trưởng khi ngài nhắc lại những năm sáu, bảy mươi tại các cuộc họp của Hội đồng thành phố Montreuil đã vang lên các Nghị quyết đòi Mỹ rút hết quân đội, thả tù chính trị ở miền Nam Việt Nam!

Năm năm trước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến đây và hạ thổ một cây phong. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng trồng một cây phong tại nơi này.

Cây của bảy năm, của năm năm trước đã tốt xanh, và chiều thu Paris này sau bảy năm, như là trùng hợp như là nối dài thêm sự trường tồn ấy là Thủ tướng Việt Nam đã từ tốn đặt vào khuôn viên Bảo tàng Bác Hồ thêm một thứ thụ mộc bền vững hơn cả giống sồi. Tôi nghe anh em lễ tân nói đó là một loại phong.

Cũng buổi trưa ấy ở sân Bảo tàng bảy năm trước, tôi được làm quen với một ông già tóc trắng xóa ăn bận chững chạc dáng trịnh trọng trao cho Tổng Bí thư ta một tập giấy dày. S. Fourniaux, nguyên phóng viên báo L’Humanité (Nhân đạo) có nhiều năm thường trú tại Việt Nam.

Thời Mỹ dội bom, S. Fourniaux gan lỳ bám trụ tại Thủ đô Hà Nội. Không hề chuội lẫn bẵng đi những sâu đậm một thuở, một thời, Fourniaux thủy chung, Fourniaux tỷ mẩn đã sưu tầm được một số bài báo (dạng bản thảo) viết về Việt Nam trong thời kỳ đó.

Hôm nay nhân Tổng Bí thư đến thăm, ông trước nhất muốn “khoe” với Tổng Bí thư sau nữa là cụ xin “cúng” vào Bảo tàng Bác Hồ của thành phố Montreuil, có thể nói đó là một tập trân bảo.

Tôi lật nhanh mấy trang bản thảo, bài thì viết tay, bản đánh máy ngạc nhiên lẫn sững sờ bởi thấy rất nhiều trang chi chít bút tích của Bác Hồ thêm điều này bớt điều nọ!

Cụ Fourniaux  tâm sự: “Rất nhiều việc nhiều vấn đề tôi phải hỏi ý kiến Bác... Nhất là những việc nhạy cảm...”. Tuổi tuy đã cao nhưng sức khỏe của ông còn cho phép gánh trọng trách là Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt!

Chiều nay cụ không có mặt ở Montreuil. Hồi sáng lúc đang đứng tiếp chuyện Trưởng ban Đối ngoại ĐCS Pháp Jacques Fath đến khách sạn trước khi có cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi vui mừng thoáng thấy nhà báo Fourniaux đáng kính đang đĩnh đạc sải những bước thư thả cùng với cái… can!

Khi gặp lại tôi mới hay chứng tê thấp thi thoảng lại hành cụ. Ơn giời, ở tuổi 86 mà cụ còn nhúc nhắc đây đó và vẫn với cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt, sớm nay cụ cùng mấy người bạn là nhà sử học  đến thăm Thủ tướng ta ngay tại khách sạn.

Ngó cung cách mau mắn lẫn hóm hỉnh của cụ khi trò chuyện với đám ký giả Việt, tôi thầm nghĩ dại, liệu được bao lần gặp cụ nữa?

Dưng mà nếu có hề hấn chi theo quy luật của Tạo Hóa thì có lẽ tấm lòng của cụ, công sức của cụ như chứng tích, như là tiêu bản  cho một thời mặn nồng.

Mà sự mặn nồng ấy, như cuộc tiếp sáng nay giữa Thủ tướng với những Dumond Aubrac, những Henri Martin… hình như thời cuộc nào, dẫu  bao dâu bể thế nào thì con người vẫn phải cần đến?

Cũng vào buổi trưa bảy năm trước, một người dáng nhỏ nhắn tóc hoa râm giọng lơ lớ: “Anh là nhà báo? Nhà báo Việt Nam?”. Cái bắt tay ban đầu cũng mạnh mẽ và cởi mở như câu chuyện của ông sau đó:

Ông vốn là con nuôi của một viên chức người Pháp tòng sự ở Đông Dương từ những năm ba mươi. Mẹ nuôi của ông là người Việt. Ông ở với bố mẹ nuôi từ năm 12 tuổi nhưng có tên Việt là Lê Văn Sửu.

Ông Sửu cho hay là đã tìm về quê mẹ nuôi ở một làng gần Văn Điển, huyện Thanh Trì.

Ông Sửu đang chuyện trò cởi mở thì một ông Tây khác cao to, trắng trẻo có mái tóc nuôi khá đẹp buộc một túm đằng sau cứ đứng cạnh nhìn chúng tôi cười cười.

Ông Sửu túm lấy người nọ nhanh nhẹn giới thiệu “có một người đang rất muốn về Việt Nam. Về chứ không phải đến...”. Tôi nhìn kỹ vị này trên khuôn mặt vẫn hao hao những nét Á Đông?

Ông phát âm tiếng Việt mới khó khăn làm sao nhưng rồi tôi cũng biết được đó là ông Jean, một cái tên đặc bình dân xứ Pháp.

Ông Jean cho tôi biết quê mẹ ông ở Bắc Ninh. Bố là viên chức ở  Bắc Ninh. Ông Jean muốn về quê ngoại lắm mà chưa có điều kiện, nói đúng hơn là chưa có tiền về.

Ông Jean  cũng cởi mở là ông đang làm việc tại một lò võ Việt nổi tiếng ở Paris có tên là Việt Võ Đạo. Đây là lò võ của cộng đồng người Việt ở Paris cũng có nhiều võ sinh là người Pháp hoặc gốc Việt.

Lò võ của ông đặc biệt vì nó thuần Việt hoàn toàn! Mục đích lò võ là rèn luyện sức khoẻ lẫn tinh thần nên võ sinh theo học rất đông.

Hằng trăm võ sinh đủ mọi lứa tuổi đang rèn giũa để nâng cao và tôn vinh hồn cốt của Việt Võ Đạo đúng như phẩm chất của người Việt: mềm dẻo nhưng mạnh mẽ, cương quyết...

Nghe chuyện của họ, chợt bâng khuâng thêm năm nào ở Sa Pa. Chuyện viên kỹ sư chuyên ngành về khí tượng học người Pháp.

Cũng đã ngoại ngũ tuần, viên kỹ sư ấy bám theo một chiếc xe ôm từ Lào Cai và tôi gặp ông không phải trong khách sạn Sa Pa mà tít ở chân đèo dẫn vào Thác Bạc.

Nghĩ là ông đi du lịch lên đây như bao du khách  Âu khác, hoá không phải. Ông nói  du lịch chỉ là cái cớ. Ông đã đến Sa Pa lần này là lần thứ hai. Ông đi tìm mẹ.

Mẹ ông là người Mông quê ở Lao Cai nhưng lên Sa Pa làm người hầu cho nhà ông khi đó bố ông là kỹ sư mới sang Đông Dương làm ở một trạm khí tượng Sa Pa. Bố ông lấy cô gái Mông ấy rồi sinh ra ông.

Bố ông còn sống nhưng đã quá già yếu nhưng vẫn tin là người vợ Mông thuở tao khang bị thất lạc vào thời điểm đầu năm năm mươi “loạn lạc” ấy thể nào cũng còn sống!

Bà không thể rời Sa Pa hoặc Lao Cai, không biết cơn cớ gì khiến ông cụ cứ đinh ninh thế?! Nếu còn thì năm nay - thời điểm tôi gặp viên kỹ sư ấy - bà mẹ ông đúng sáu mươi chín tuổi tên là Lan, Sùng Thị Lan.

Ông bảo đã hỏi rất nhiều người, đã vào cả UBND tỉnh,  UBND thị xã Lao Cai rồi UBND thị trấn Sa Pa. Hỏi cả công an. Hỏi nhiều người già, Kinh cũng như Mông... nhưng tất thảy đều tuyệt vô âm tín!

Bám trong trí nhớ hơi lâu là hình ảnh viên kỹ sư nối nghiệp bố nhưng lạc mẹ ấy chậm rãi bẻ từng mẩu bánh mỳ chắc mua ở Lao Cai đã lâu hơi cứng quèo nhai trệu trạo rồi chiêu ngụm nhỏ  từ cái chai La Vie ông mang theo.

Mái tóc ông đã lốm đốm. Ông nói hồi bố ông chạy khỏi Sa Pa còn trẻ hơn ông nhiều! Cầu cho đừng thêm sợi bạc nào thêm trên mái tóc kia trong những lần tìm mẹ kế tiếp... Lần thứ hai đâu phải là lần cuối?

Cây sồi trồng bảy năm trước đã ra dáng vậm vạp báo hiệu mai này những tàn những tán để buông những khoảng rợp mát lành.

Paris đêm 30/9 

MỚI - NÓNG