Băng qua Khe hổ nhảy

Băng qua Khe hổ nhảy
TP - Tuyến du lịch mạo hiểm xuyên quốc gia Khe hổ nhảy bắt đầu từ xã Bách Nam (huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), qua cột mốc biên giới 589 vào địa phận xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam) hấp dẫn bởi chính tên gọi kỳ bí.
Băng qua Khe hổ nhảy ảnh 1
Thuyền qua Khe hổ nhảy

Bị cái tên Khe hổ nhảy hấp dẫn mà tôi “quyết tâm xuất ngoại” qua cửa khẩu Sóc Giang đến huyện lỵ Nà Po (96 km) nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau đi chếch về phía Tây 45km đến xã Bách Nam dự lễ khai trương tuyến du lịch mạo hiểm xuyên quốc gia. Các quan khách đến dự lễ từ thành phố Bách Sắc, các huyện Trịnh Tây, Long Châu, Đại Tân, Đức Bảo... và đại diện của hơn 60 hãng du lịch lữ hành Trung Quốc.

Đến từ Việt Nam có đại biểu tỉnh Cao Bằng, các huyện Bảo Lạc, Hà Quảng, Thông Nông... Long trọng và đông vui, nhưng đông hơn cả là nhân dân các dân tộc huyện Nà Po với sắc phục rực rỡ của các dân tộc Choang, Hán, Dao, Di... Bừng sáng cả một khoảng trời.

Lễ khai mạc có đốt pháo, biểu diễn văn nghệ, múa lân và... nhiều cô gái đẹp. Nghe tiếng gọi của Phó chủ tịch huyện Nà Po Hoàng Lệ Hoa, tôi chợt tỉnh, theo chị đi xuống bến sông mà còn nuối tiếc mình chụp được ít ảnh quá!

Mặc vội chiếc áo phao, tôi bước xuống thuyền, nhìn ra xung quanh chỉ còn lại 3 chiếc cuối cùng. Triệu Long, Bí thư Huyện đoàn Nà Po vừa là bạn đồng hành vừa là người chèo thuyền chính, đẩy chiếc thuyền cao su ra giữa dòng. Chiếc thuyền nhỏ lững lờ trôi chầm chậm trên dòng sông phẳng lặng, tôi ngắm nhìn thoả thích những thảm thực vật rộng, dài; những rừng trúc biếc xanh hai bên bờ và xa xa những đỉnh núi choàng mây trắng vời vợi, đi qua những bản làng. Rồi tôi sốt ruột, chốc chốc lại hỏi: “Đến Khe hổ nhảy chưa?”. “Còn xa, còn xa...”. Triệu Long luôn lặp lại như điệp khúc.

Bỗng tôi giật mình vì tiếng hô của Triệu Long “Cầm chắc, cầm chắc” thì thuyền đã hụp xuống một hủm khá sâu, rồi lại trồi lên rất nhanh, ngọn sóng cao, tạt nước vào thuyền, tôi vội giơ chiếc máy ảnh và chiếc Micrô của phóng viên truyền hình Hiến Giang lên cao tránh sóng nước. Quần áo ướt sũng nhưng máy móc tác nghiệp  không việc gì. Chưa kịp định thần sau cú chao đảo thì Triệu Long đã bảo “ Khe hổ nhảy là đây, cẩn thận”.

Tôi nhìn về phía trước, dòng sông hẹp dần, hai bên vách đá dựng đứng cao vút. Nhìn những tảng đá lô nhô trên mặt sông mà lạnh cả người ! Thêm vài lần thuyền chao đảo, nghiêng ngả, nước tràn vào ngập gần nửa lòng thuyền, tôi lấy chiếc mũ đang đội trên đầu gắng sức múc nước ra cho thuyền bớt nặng, trong lòng mong đến bến đỗ càng nhanh càng tốt. “Trải nghiệm” như thế là đủ rồi! Triệu Long khéo léo điều khiển thuyền vượt mốc 589 vào đất Việt Nam khoảng 500 mét thì tấp vào bờ, lên bến đỗ. Đến rồi. Hú vía!

Băng qua Khe hổ nhảy ảnh 2
Thiếu nữ dân tộc Cao Bằng

Trên bờ, nhân dân xã Cô Ba và các vùng lân cận cùng khách du lịch Trung Quốc đi lại tấp nập, đông vui. Những bài hát then, những bài hát ca ngợi quê hương đất nước từ sân khấu dựng trên khoảng đất thoai thoải, ướt nhoét của đoàn ca múa dân gian Việt Bắc do nghệ sĩ ưu tú Nông Xuân Ái – Giám đốc dẫn đầu vọng vào vách đá, lan trên mặt sông. Lần đầu tiên nhân dân vùng giáp biên mới được thưởng thức một buổi lễ và biểu biểu diễn văn nghệ hay đến như vậy. Nghệ sĩ ưu tú Nông Xuân Ái bảo: “Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc đã đến Bảo Lạc nhiều lần, nhưng đến vùng núi Cô Ba này là lần đầu.

Được biết tuyến du lịch mạo hiểm xuyên quốc gia khe hổ nhảy đã được tỉnh Cao Bằng và huyện Nà Po bàn thảo, xây dựng từ đầu năm 2006. Phía Trung Quốc đã đầu tư 16 triệu nhân dân tệ xây dựng cơ sở hạ tầng cho tuyến du lịch dài 8,4 km. Bước đầu thuyền du lịch vào địa phận xã Cô Ba 0,6 km, tổng cộng cả tuyến dài 9 km. Những năm tới có thể kéo dài tuyến du lịch lên trên 10km.

Để làm được điều đó phía Việt Nam cần đầu tư cơ sở hạ tầng tốt hơn. Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Cao Bằng Hà Việt Ái tâm sự rất thật: “Cách làm du lịch của Nà Po gợi cho chúng ta nhiều bài học quí”. Rõ ràng công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch, phía Trung Quốc làm rất tốt, rất bài bản. Phía ta còn yếu về khâu này...

Trong câu chuyện “Ngoài lề” các bạn Trung Quốc bảo tôi: Để đặt tên cho tuyến du lịch, thường vụ huyện ủy Nà Po đã họp và tiến hành vài cuộc hội thảo nghiêm túc để cuối cùng định ra được ba chữ Khe hổ nhảy- một cái tên rất gợi và mời gọi. Hóa ra, cái tên Khe hổ nhảy mới có từ những bộ óc tưởng tượng rất... thực dụng, chứ không phải đã có từ xa xưa như mọi người tưởng. Khe hổ nhảy ở đâu? trên đất Trung Quốc hay đất Việt Nam? Thật khó xác định, cứ mơ, ảo, huyền thoại như thế đâm hay!

Cuối cùng thì tôi cũng tìm được phóng viên Phạm Hiến Giang trong đám đông để đưa Micrô cho Giang tác nghiệp, khuôn mặt Giang đẫm mồ hôi: “khi thuyền qua Khe hổ nhảy bị một cú chúc đầu, sóng nước hất chú lái thuyền rơi tõm xuống nước, em vội giơ máy quay lên quá đỉnh đầu, chợt tối mắt... thôi rồi...”. Ừ, thì cứ liều một phen, mạo hiểm, phiêu lưu một phen... không thì đời nhạt lắm.

Nà Po - Cao Bằng, ngày 28-30/9/2007

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.