Bánh đã hết

Minh họa: ĐỖ ĐỨC
Minh họa: ĐỖ ĐỨC
TP - Dửng dưng nhìn hộp thịt nguội và bánh mì bày sẵn trên bàn, chị Xoan ngồi chờ bát mì tôm vừa úp nước nóng được chừng một phút. Bỗng nghe tiếng kêu của đàn sếu bay qua, chị vớ lấy con dao chạy ra sân...

“Vậy rồi nó xách một con dao... một con dao quắm hẳn hoi chú à!”, lão Khúng - Khách ở quê ra (truyện của Nguyễn Minh Châu) lên thành phố kể chuyện con trai ở quê cầm dao giải quyết chuyện đôi co mấy con dê giẫm nát một sào nếp.

Còn bây giờ, Vân ngồi trước mặt tôi kể chuyện chị Xoan ở làng quê Việt Nam sang Bỉ làm thuê cho em gái thế nào: “Thấy đàn sếu bay qua, chị ấy nhớ hôm trước chúng bĩnh mấy bãi trắng xoá lên đầu xe Audi của chồng em, dùng khăn cọ cả tiếng không sạch. Thế là, lăm lăm con dao trong tay, lần này chị cạo sạch phân chim chỉ trong một phút”.

Nhìn chiếc xe mới mua nham nhở xước, em rể Tây giậm chân cố kìm cơn giận. Vân kéo chị gái vào một góc “Không hiểu chị ăn gì mà ngu thế”. 

Quả có nặng lời, giờ cô ân hận nghĩ lại khi chị gái đã trở về Việt Nam sau nửa năm bị tra tấn bởi lối sống khác lạ. Cũng khổ sở kiểu lão Khúng từ quê ra Hà Nội thấy nhà cửa như hộp sắt tây đậy kín mít, ở chất chồng lên nhau, mặt người ló ra như bồ câu đang gù trong chuồng.

Mà tội chị Xoan đã hết đâu. Tốn bao tiền bảo lãnh, phải viện luật sư mới được cấp visa sang Bỉ lau dọn vệ sinh trong cửa hàng của em gái. Sang rồi ngày nào cũng thở ngắn than dài, ăn uống không hợp, trò chuyện chẳng nên câu. Buồn. Tiện di động của nhân viên Tây để trên bàn, chị bấm số gọi về Việt Nam buôn cho thỏa. Nhân viên Tây thấy cước phí có số lạ, còn ai vào đây. 

Bà chủ bấm bụng thanh toán 500 Euro, xấu hổ với nhân viên “Miệng nó bảo không sao đâu, nhưng chắc bụng đang cười mình. Đã mua sẵn thẻ để gọi điện ở nhà mà chị ấy vẫn buôn giữa giờ làm. Tưởng nhớ con quá gọi vụng, nào ngờ toàn gọi cho giai”. Chị Xoan kêu chán, đòi về lần thứ ba thì Vân cho hồi hương. Nản.

“Cô ấy không còn là Rachel bạn tôi ngày xưa nữa”- Lin người Đài Loan than thở với tôi. Lại chuyện khách đến chơi nhà. Rachel cũng người Đài Loan lấy chồng Mỹ, nhân chồng công cán Ý nên Rachel mang con sang châu Âu tiện thể tìm bạn lấy chồng ở Bỉ. “Đến nhà tớ mà ở, khỏi tốn tiền khách sạn”, Lin mời. 

Cả tuần Rachel ở nhà Lin chỉ quanh quẩn phục vụ con trai 4 tuổi và rên rỉ “con có làm sao không, để mẹ xúc cho ăn nhé”. Sàn bếp bẩn Rachel không lau, ăn xong bát đĩa không xếp vào máy rửa, thỉnh thoảng còn chạy thốc vào phòng làm việc của chồng Lin khi Lin vắng nhà “Hết sữa rồi, con tôi cần uống sữa đúng giờ”.

“Thế còn lịch sự, em đây mới xấu hổ với chồng vì bạn”, Thư tâm sự. Chơi từ thuở học trò ở Việt Nam, rồi bạn lấy chồng Rumani, Thư lấy chồng Bỉ. Nay chồng bạn có dịp công tác Bỉ nửa tháng, gặp được nhau thì mừng quá, Thư mời “Mang cả con đến nhà tớ ở cho vui” “Nhưng chồng tớ ngủ khách sạn một mình chắc buồn, anh ấy đến cùng được không?”.

Anh chàng người Rumani dọn đến nhà bạn của vợ ở ngay, công tác phí trọn gói nên có thêm tiền bỏ túi. Được thể, thấy vợ chồng Thư bán hàng ăn nhanh, nhà luôn sẵn xúc xích và xa lát, sau bữa sáng no nê anh chàng Đông Âu lôi ra một hộp nhựa “Cho tôi xin vài lát bánh mì, xa lát và thịt nguội mang theo ăn trưa cho tiện”.

Trước khi chia tay, Thư thấy bạn gái rụt rè đưa cho mình phong bì dán kín “Tháng sau cậu về Việt Nam chuyển giúp 1.500 Euro này cho bố mẹ tớ nhé”. 

Đã tưởng bạn lịch sự muốn chia sẻ sinh hoạt phí suốt nửa tháng. Thư cay đắng dặn tôi “Không mời theo kiểu cứ đến ở cho vui được đâu. Người ta đến ở nhà mình mà tiết kiệm được tiền gửi về cho bố mẹ cơ đấy”. 

Khách muốn đến chơi nhà kiểu này làm tôi nhớ hình ảnh người Hà Lan (vốn có tiếng keo kiệt) nhún vai, cười mỉm và khe khẽ hát De koek is op - Bánh đã hết, cũng có nghĩa “Tôi không còn quan tâm nữa”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.