Bao giờ? Mỹ thuật Việt?

Bao giờ? Mỹ thuật Việt?
TP - Quả bom vừa nổ - cả một triển lãm toàn tranh giả- theo nhiều chuyên gia trong giới mỹ thuật khẳng định, là sự sỉ nhục cho nền hội họa Việt Nam, là cú lừa ngoạn mục, một vụ án kinh tế lớn, có tổ chức và kéo dài từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra với lô tranh này lại không xứng với những nhận định ấy.

Đến nay, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đã an toàn mang số tranh nói trên về nhà và khẳng định vẫn tin vào những bức tranh mình đã mua. Ông Chung cho rằng để có thể thẩm định được thực sự, cần đưa tranh ra nước ngoài, chẳng hạn Hồng Kông hoặc Pháp. Trong khi, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã chính thức kết luận “15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện; 2 bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc)”. Trước đó, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cứng rắn nói tạm giữ toàn bộ 17 bức tranh để phục vụ điều tra; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý và sớm có kết luận vụ việc này. Tuy nhiên, đến phút cuối mọi người chưng hửng khi cũng bảo tàng này tuyên bố không đủ thẩm quyền để “tạm giữ”. Và, hội đồng do bảo tàng lập ra, dù toàn chuyên gia trong ngành nhưng lại không đủ tư cách pháp lý.

Bức tranh được gọi là “Trừu tượng, Tạ Tỵ, 1952”, như chính ông Chung nói, giá 60.000 USD - một số tiền rất lớn, và nay được kết luận là giả, nghĩa là thiệt hại rất lớn, mà nói chưa có văn bản pháp lý để giải quyết, thì thật khó hiểu với công luận. Nhiều người bức xúc: công an kinh tế, quản lý thị trường đâu, sao không can thiệp? Nhưng đúng là pháp luật của ta về lĩnh vực mỹ thuật chưa đủ. Và quan trọng hơn, “người bị hại” Vũ Xuân Chung lại vẫn án binh bất động.

Nhà điêu khắc Phan Gia Hương cho rằng qua sự việc trên, cần xây dựng, củng cố ngay một hành lang pháp lý để bảo vệ mỹ thuật Việt cùng các họa sĩ Việt khi vấp phải tình huống phát hiện tranh giả. “Sắp tới, tôi nghĩ nên có một hội đồng thẩm định tranh cấp nhà nước. Nạn tranh giả, tranh nhái, tranh mạo danh không chỉ là những “vụ án” kinh tế, văn hóa, làm đau đầu những người sáng tạo mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá trị nghệ thuật của quốc gia. Cần thẩm định lại tất cả tranh của các họa sĩ lớn mà tôi và bạn bè tôi cho rằng đã bị làm giả rất nhiều” - bà Hương đề nghị.

Ông Jean-Francois Hubert - chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong, người bán 17 bức tranh cho ông Vũ Xuân Chung giờ đã im tiếng, sau khi cố sức bào chữa bằng một bức ảnh nguỵ tạo. Tiến sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản đặt câu hỏi: Ông Vũ Xuân Chung, nếu thực sự là người bị lừa, liệu có đệ đơn kiện tại tòa án của Pháp, nơi ông đã mua bộ sưu tập trên từ Jean Francois Hubert?".

Tuy nhiên, nếu ông Vũ Xuân Chung, dù đã lấp lửng nói như trên, nhưng lại không “đệ đơn” thì liệu có ai hay tổ chức nào tại Việt Nam có thể kiện? Câu trả lời từ các chuyên gia luật là không, mặc dù ở Việt Nam có tổ chức Hội Mỹ thuật Việt Nam, và rõ ràng là uy tín của cả nền mỹ thuật, và giá trị chung của các tác phẩm mỹ thuật Việt đang bị xâm hại nhưng hiện chưa có cơ chế pháp lý cho trường hợp này. Hoạ sỹ Thành Chương thì nói, anh chưa quyết định sẽ kiện hay không.

TS Nguyễn Đình Đăng kể: Năm 2006, họa sĩ Yoshihiko Wada (66 tuổi) được tặng thưởng Giải thưởng Nghệ thuật của Bộ Văn hóa Nhật Bản nhờ các tác phẩm phản ánh cuộc sống đô thị ở Ý. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa Nhật Bản đã quyết định thu hồi giải thưởng này ngay sau khi ông Wada bị tố cáo là đã sao chép các tác phẩm của họa sĩ Alberto Sughi, người Ý, 77 tuổi. Đồng thời với việc tước giải thưởng của Wada, Bộ Văn hóa Nhật còn sa thải toàn bộ các ủy viên hội đồng giải thưởng, thay thế bằng các chuyên gia mới.

Đấy là câu chuyện ở xứ người. Rất đáng tham khảo. Nhưng bao giờ, mỹ thuật Việt?

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.