Bảo vật lưu lạc và tiền

Long sàng của vua Thành Thái và xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh
Long sàng của vua Thành Thái và xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh
TP - Việt Nam đã phải vận động ngoại giao để Pháp nhường quyền mua chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ của vua Thành Thái) - cổ vật được mang ra đấu giá tại Paris vừa qua. 

Trước đó, một Việt kiều Pháp đã trúng đấu giá chiếc long sàng của vua Thành Thái với giá hơn 3 tỷ đồng. May quá, người đó là cháu ngoại của nhà vua. Như vậy, cả hai bảo vật trên đều có khả năng hồi hương về Huế nếu người cháu ngoại của vua Thành Thái muốn hiến tặng (long sàng), và nếu phía Việt Nam có đủ tiền (mua chiếc xe). 


Năm 2010, bức tranh “Chiều tà” (Ngày tàn) của vua Hàm Nghi đã lên sàn đấu giá ở Paris. Vua Hàm Nghi vẽ tác phẩm sơn dầu này năm 1915 tại Algeria, trong thời gian bị thực dân Pháp lưu đày. 

Bức tranh thể hiện một phần tinh thần của những người yêu nước thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội VN cuối thế kỷ 19 còn lại đến nay, rất đáng chú ý và đáng mua. Phái đoàn Việt Nam đã theo đến 8.600 euro thì bỏ cuộc vì tiền chỉ có thế, sau đó tranh được bán cho một cá nhân giấu tên với giá… 8.800 euro. 200 euro chênh lệch, mà đành vuột mất “Chiều tà”.

Sau đó, tháng 4/ 2011, một bảo vật hoàng cung khác được nhà đấu giá Sophie Himbaut ở Aubagne (Pháp) đấu giá, và người mua không đến từ Việt Nam. Đó là Mô hình đình bia lăng Khải Định làm bằng đá cẩm thạch đỏ, do triều Nguyễn chế tác và đưa sang Pháp tham dự cuộc triển lãm hội chợ thuộc địa năm 1931…

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, hiện còn rất nhiều báu vật hoàng cung đang ở khắp nơi trên thế giới và được rao bán vô tội vạ. Chẳng hạn, Cành vàng lá ngọc của vương triều Nguyễn đang được một tư nhân rao bán ở Mỹ với giá 30.000 USD, Đệ nhị kim khánh bằng vàng, đời Bảo Đại, đang được rao bán ở Mỹ với giá 4.000 USD; Kim bội, đời Thành Thái, đang được rao bán ở Mỹ với giá 2.000 USD; Nghiên mực bằng cẩm thạch, đời Thiệu Trị, đang được nhà đấu giá Sotheby’s rao bán ở Pháp.

Trở lại với chiếc xe kéo của Thái hậu Từ Minh. Đang có một lời kêu gọi từ phía Trung tâm bảo tồn cố đô Huế phát đi (ít ra là trên vài tờ nhật báo có uy tín về văn hóa) nhằm vận động nhà hảo tâm và sự đóng góp của mọi người dân để có thể mua lại được những hiện vật có giá trị của Việt Nam đang nằm ở khắp năm châu.

Hẳn nhiên, đây là lời kêu gọi cần thiết, và nó không thua gì những cuộc chung tay góp sức khác. Nhưng sao nó cất lên muộn màng và đơn lẻ đến vậy? 

MỚI - NÓNG