Bất đồng ngôn ngữ

Bất đồng ngôn ngữ
TP - Ở một quốc gia đa ngôn ngữ như Bỉ, tôi không quá bất ngờ khi trong giấy đăng ký nhập học lớp Ôm, khối mẫu giáo (2 tuổi rưỡi bắt đầu vào học miễn phí) của bé Tô có mục khai “ngôn ngữ”. Bố của bé hãnh diện ghi “Tiếng Việt và tiếng Hà Lan”. Oai chưa! Tiếng Việt trước tiên, dĩ nhiên, vì bé ở nhà với mẹ suốt ngày, hiểu tiếng mẹ đẻ hơn tiếng bố đẻ.

> Tình nguyện viên Nhật Bản ở Việt Nam
> Campuchia hư ảo

Với một đứa trẻ hơi chậm nói như Tô, các cô giáo khá vất vả, nhưng họ cũng quen với chuyện này bởi ở trường đôi khi xuất hiện cả những đứa trẻ chuyển từ Wallonie sang (vùng nói tiếng Pháp của Bỉ), hoặc nhập cư từ châu Phi, châu Á với đủ loại ngôn ngữ. Tuần đầu tiên đi học, Tô khóc nhiều, không chịu ăn, đến bữa trưa được gặp chị gái Kate (lớp bốn, khối tiểu học) thì ríu rít “zus ơi”, “zus à”.

Các cô giáo không hiểu bé tìm ai, gọi ai, bèn hỏi chồng tôi. Anh cười “Cháu pha tiếng Việt và tiếng Hà Lan đấy. Cháu gọi chị- zus kèm tiếng ơi à của người Việt. Tôi thấy người Việt không gọi tên trống không mà thường kèm theo từ ơi, à, nghe rất tình cảm!”.

Chuyện bất đồng ngôn ngữ trong một gia đình gây dựng từ cuộc hôn nhân khác chủng tộc thường song hành cảm giác khó chịu và dễ chịu. Con cái trong giai đoạn đầu dễ bị loạn ngôn nếu bố mẹ muốn con song ngữ, nhưng rồi cũng ổn thỏa bởi bản chất của trẻ em là tiếp thu nhanh.

Ngay như giao tiếp giữa vợ chồng tôi chủ yếu bằng tiếng Anh, đều không phải tiếng mẹ đẻ của mình nên có những lúc rơi vào tình thế dở khóc dở cười. Một hôm, chồng tôi đột ngột gọi điện về “Em ơi, nấu thêm suất cơm nhé. Anh đưa bạn Ba Lan về nhà chơi tối nay”. Tôi giãy nảy “Cái gì? Sao lại mang cảnh sát về nhà?!”.

Chồng tôi gào lên “Polish guy, thằng Ba Lan, không phải cảnh sát, ngốc ạ!”. Tôi thở phào nhưng ấm ức để bụng.

Mấy hôm sau, thấy chồng nằm dài trên sofa, tôi hỏi “Anh ơi, câu Đừng đùa với tôi bằng tiếng Hà Lan nói thế nào?”. “Niet spelen met mijn voeten- Đừng chơi với hai chân của tôi”. Tôi bĩu môi “Phí từ quá. Tiếng Việt của em mà dùng đến hai chân là có ngay câu hay khác rồi- Đừng quẩn chân tôi!”

Nhưng hãy tưởng tượng mẹ tôi, một giáo viên dạy Sử về hưu không biết tiếng Anh, đã giao tiếp thế nào khi sang Bỉ thăm con hai tháng hè? Bất đồng ngôn ngữ không làm mẹ ngại nói, ngại tìm hiểu. Và quan trọng hơn, gặp ai mẹ cũng hồ hởi chào hỏi bằng tiếng Việt.

Có những lúc tôi mải trông con, để mẹ chồng và mẹ đẻ vô tư đi bên nhau trong vườn hoa, hai người vẫn nói chuyện rôm rả, ví dụ mẹ chồng giới thiệu “Đây là cây hoa lavender- hoa oải hương ”, mẹ tôi gật gù “Vâng, bên này hành hẹ mới trồng đã tốt thật bà nhỉ”. Mẹ chồng đến nhà tôi chơi, chào và hỏi bà thông gia khỏe không, mẹ tôi đáp “Mai em về rồi”...

Nhưng hóa ra Peeters, họa sĩ trường quay và cũng là hàng xóm của tôi lại thích thú quan sát mẹ tôi nhất. Khi mẹ về nước mấy tháng rồi, anh mới kể “Tôi sang nhà hỏi mượn cái máy xay rau quả nhưng cô đi siêu thị, chỉ mẹ cô ở nhà. Tôi giải thích mãi bà cũng chỉ cười, tôi lôi giấy bút ra vẽ cái máy tròn tròn, bà vẫn không hiểu, nhưng bà vào nhà lấy một cái bánh tròn xoe ra cho con trai tôi ăn”.

Ôi Peeters, trong đầu mẹ tôi làm gì có hình ảnh máy xay rau quả, có vẽ tả thực cũng không nghĩ ra đâu, anh vẽ dao thớt thì mẹ hiểu ngay.

Rồi Peeters bồi hồi “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh bà cụ khiêng củi bằng vai. Một bà cụ nhỏ gầy như vậy mà đặt lên vai hai túi củi to nặng đi phăm phăm”.

Khi ở đây mẹ tôi đã tiếc rẻ nhìn đống củi chúng tôi mua về chuẩn bị cho mùa đông giá lạnh nhưng chưa có thời gian xếp vào kho, cứ vứt tạm bên đường trong mưa gió, chờ khi nào sửa được cái máy kéo thì dùng máy cho đỡ mệt.

Mẹ kêu ngồi chơi mãi cũng chán, ra khuân củi vận động chân tay, khỏe người. Nhưng khuân bằng tay được ít, mẹ muốn gánh. Ở đây làm gì có đòn gánh, thúng mủng.

Thế là mẹ tìm một cái cán chổi thật chắc, xếp từng thanh củi vào hai chiếc túi bạt, túi dứa quai to dày rồi lồng cán chồi vào gánh, nhịp nhàng leo từng bậc cầu thang đá lên kho, đoạn đường khoảng 30 m!

Vừa trông con vừa nhìn ra cửa, tôi đã thấy mẹ gánh như thế. Tôi chỉ xúc động chứ không lạ lẫm, Peeters thì khác: “Thật tài tình. Tôi không hiểu ngôn ngữ của mẹ cô nhưng cách lao động của bà đã nói lên tất cả!”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.