Bất tử hóa tình yêu bằng vạn bông hồng

Marilyn Monroe bước ra từ tòa án ở Beverly Hills vào tháng 10/1954, sau khi hoàn tất thủ tục ly dị Joe DiMaggio
Marilyn Monroe bước ra từ tòa án ở Beverly Hills vào tháng 10/1954, sau khi hoàn tất thủ tục ly dị Joe DiMaggio
Ngay khi trở thành vợ Joe DiMaggio, Marilyn Monroe đã đưa ra một lời đề nghị lạ lùng: nếu bà chết trước, ông sẽ phải đặt hoa lên mộ bà mỗi tuần. DiMaggio về sau đã giữ lời hứa, dù từ lâu bà không còn là bạn đời của ông.

Trong cuốn tiểu sử Cuộc đời bí mật của Marilyn Monroe, tác giả J Randy Taraborrelli kể lại rằng, khi thấy Monroe và DiMaggio cưới với nhau vào năm 1954, đồng đội của DiMaggio ở đội bóng chày New York Yankees là Jerry Coleman bình luận: “Người đàn bà vĩ đại nhất thế giới và người đàn ông vĩ đại nhất thế giới, thật là một cặp hoàn hảo”. Nhưng, sự kết hợp đó cuối cùng hóa ra chẳng hề hoàn hảo mà đầy khiếm khuyết. Chỉ có điều, dư âm của cuộc tình thì thật tuyệt.

Đặc biệt tình nghĩa

Sau khi ly hôn DiMaggio vào năm 1954, Monroe đến sống với nam ca sĩ Frank Sinatra một thời gian, rồi kết hôn lần 3 với nhà văn, biên kịch nổi tiếng Arthur Miller. Cuộc hôn nhân kéo dài từ năm 1956 đến năm 1961, cũng đầy thất vọng và dằn vặt. Nó kết thúc khi 2 người quay sang ghét bỏ nhau.

Không lâu sau khi Monroe tan vỡ với Miller, DiMaggio trở lại, thành người cứu vớt đời bà. Họ lại là bạn bè, nhưng khi DiMaggio tái cầu hôn, Monroe từ chối. Monroe hiểu rằng vì tính sở hữu của ông và sự phóng khoáng không muốn bị kìm kẹp của bà khác nhau quá xa, mối tình giữa họ không bao giờ có kết thúc hạnh phúc nếu lại là vợ chồng.

Có tin đồn ngay trước khi qua đời một cách bí ẩn vào năm 1962 ở tuổi 36, Monroe đang suy tính nghiêm túc chuyện tái hôn với DiMaggio. Giai đoạn này, 2 người trở nên thân thiết tới mức có những lúc ở bên nhau chỉ để cùng đọc thơ.

Khi ấy, không phải minh tinh không để mắt đến những người đàn ông khác. Năm 1962, Monroe đem lòng yêu say đắm Tổng thống John F. Kennedy và thường xuyên gọi điện đến Nhà Trắng. Bà muốn kết hôn, nhưng bị người đàn ông quyền lực này ruồng rẫy.

Người ở bên bà đến tận lúc cuối cùng, rốt cuộc vẫn là DiMaggio, ông chồng từng tung cú đấm tím vai. “Cuối cùng” ở đây không phải khi Monroe trút hơi thở cuối cùng (bà chết cô độc), mà là sau khi bà qua đời. Lúc phát hiện ra cái chết của Monroe, người ta không biết gọi ai vì bà không có người thân nào, vì thế họ gọi DiMaggio. Ông chính là người đã tổ chức tang lễ cho bà.

Yêu đến phút chót

DiMaggio đã cấm hầu như toàn bộ những ai liên quan đến Monroe, gồm các đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch, diễn viên Hollywood và cả công chúng, đến dự đám tang. Ông chỉ cho phép hoa viếng của riêng mình được xuất hiện trong đám tang, trong đó có một trái tim khổng lồ kết từ hoa hồng.

Khi các đồng nghiệp của Monroe phàn nàn, ông nói ráo hoảnh: “Nếu không vì các người thì nàng vẫn còn đây”. Từ đầu đến cuối, DiMaggio vẫn căm ghét Hollywood, dù đó một phần quan trọng trong cuộc đời của người ông yêu nhất.

Một phóng viên tờ New York Times có mặt tại đám tang năm 1962 kể lại rằng DiMaggio đã quỳ xuống bên quan tài Monroe và nói: “Anh yêu em, anh yêu em”. Ông lặp lại câu này nhiều lần, thốt đi những lời yêu thương nồng nàn từ một con tim tan vỡ. Tới tận lúc đó DiMaggio vẫn tin rằng cuộc hôn nhân tan nát là do ông.

Tự sâu thẳm bên trong, ông thấy tội lỗi. Và ông chuộc lỗi bằng cách thực hiện yêu cầu mà bà đã đặt ra với ông khi kết hôn. Trong 2 thập kỷ sau khi Monroe qua đời, DiMaggio liên tục gửi hoa hồng tới mộ bà.

Cửa hàng hoa được DiMaggio chọn là Parisian Florist ở Hollywood, nơi phục vụ rất nhiều khách hàng tài tử minh tinh. Ông đã đặt hoa ngay sau khi tang lễ kết thúc: “6 bông hồng tươi cuống dài, 3 lần một tuần, mãi mãi”. Thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu là những ngày ông chọn để hoa được mang tới mộ.

DiMaggio trả tiền theo từng năm. Cũng thật tình nghĩa, chủ cửa hàng Parisian Florist, đã không hề tăng giá trong suốt 2 thập kỷ. Sau này, DiMaggio đã giảm số lần tặng xuống còn 2 lần mỗi tuần, đổi sang thứ Ba và thứ Sáu.

Lần cuối cùng hoa hồng được gửi đến mộ Monroe là ngày 31/8/1982. Tổng cộng hơn 18.000 bông hoa hồng đã được gửi đi. DiMaggio không bao giờ giải thích cho cửa hàng hoa vì sao ông ngừng hợp đồng. Nhưng cũng chẳng cần lời giải thích nào cả, bởi ông đã luôn yêu Monroe theo một cách khác biệt hẳn so với những người đàn ông còn lại.

Có tin nói trước khi nhắm mắt xuôi tay, DiMaggio đã khẽ thốt lên: “Cuối cùng ta cũng có thể gặp nàng, Marilyn”.

Năm 1954, một đám đông phóng viên đã chầu trực bên ngoài tòa án ở Beverly Hills chỉ để chụp cảnh Marilyn Monroe đơn độc khi bước ra cùng luật sư. Một cuộc ly hôn giữa bà và DiMaggio vắng mặt người chồng.

Khoảnh khắc đó được lưu giữ, không chỉ để phục vụ một câu chuyện lá cải câu khách thời ấy, mà để đến tận hơn 60 năm sau, chúng ta vẫn có thể nhìn lại và thấy nỗi đau không thể che giấu trên gương mặt Monroe. Đó là nỗi đau của một phụ nữ trẻ, biết bà đang làm điều đúng đắn cho bản thân, nhưng vẫn không thể ngăn được nỗi buồn

 

Theo Mi Ly

Theo Thể thao & Văn hóa
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.