'Báu vật sống' Hơ-mon Đăk Wơt

'Báu vật sống' Hơ-mon Đăk Wơt
TP - Chúng tôi tìm về xã Hơ Moong- xã mới thành lập sau khi thuỷ điện Plei Krông khởi công. Làng Đăk Wơt, xã Hơ Moong (trước là làng cổ Hơ Moong) nằm về phía tả ngạn sông Krông Pô Kô.  Cả vùng Hơ Moong Đăk Wơt chỉ có già A Bek biết hát kể sử thi.
'Báu vật sống' Hơ-mon Đăk Wơt ảnh 1
Già A Bek (đầu tiên từ phải sang) cùng con trai A Thuk (thứ ba từ phải sang) và dân làng đang biểu diễn vũ điệu cồng chiêng  

Già A Bek kể, ngày ông còn nhỏ, trong làng có nhiều người biết Hơ-mon lắm. Trong đó A Laih là người hát hay nổi tiếng cả vùng Kon Tum này. Nhiều buôn làng xa xôi vẫn tìm về Hơ Moong để mời bằng được A Laih đến hát sử thi cho dân làng nghe.

A Bek say mê Hơ-mon từ nhỏ. Đêm đêm, giấc ngủ tuổi thơ của A Bek được ru bởi những câu chuyện huyền thoại với những âm sắc của Hơ-mon của bố, của ông nội và cả của…A Laih!

A Bek nói: “Mình nhớ mãi giọng Hơ-mon của A Laih, vì khi ông ấy hát như hiển hiện trước mắt người nghe tiếng nước reo, lửa cháy; tiếng sấm rền trong những cơn giông đầu mùa hạ, tiếng hổ gầm trong vách núi, cả tiếng chim hót trong trẻo và cả tiếng hơ-nhoong, hơngoảii, chơ-chấp (các làn điệu dân ca cổ- PV) của những cô gái Ba Na bên dòng suối…”.

Có lẽ vì thế mà 15 tuổi A Bek đã biết Hơ-mon cho mọi người trong nhà nghe, rồi trong làng nhiều người đến để nghe. Rồi A Bek được dân làng mời về nhà để hát từ đêm này sang đêm khác cho “no” cái lỗ tai.

Để cảm tạ A Bek, sau mỗi đêm Hơ-mon bà con thường biếu ông những gì có sẵn trong nhà như: măng chua (T’păng zố), chuột khô (K’ne kro), cơm ống (Po prôông), thuốc hút (Hất gơ rơ)...

Câu chuyện đầu tiên A Bek thuộc và kể cho dân làng nghe là “Rang Yang đi bán cồng chiêng” (Rang Yang tech Goong). Câu chuyện này A Bek Hơ-mon dài đến nỗi từ lúc con gà lên chuồng cho đến lúc con gà chui ra khỏi ổ để đi tìm con giun, con dế mà nội dung vẫn… còn dài lắm!

Khi Hơ-mon, A Bek nhắm mắt để cho câu chuyện cứ chạy ra từ miệng, thi thoảng ông hé mắt nhìn nếu bà con đã ngủ say thì thôi, còn người nghe ông lại tiếp tục. Già A Bek cho biết, hiện ông còn nhớ gần 20 câu chuyện sử thi.

'Báu vật sống' Hơ-mon Đăk Wơt ảnh 2

Già A Bek với những bằng khen được các cấp trao tặng

Trong trời chiều Tây Nguyên lộng gió, bên ché rượu cần sóng sánh, già A Bek lần lượt kể cho chúng tôi nghe các câu chuyện sử thi của ông. Đó là câu chuyện Nàng Bơ Sêh làm nhà mồ cho bà Trai Trăng, người tạo dựng ra đất trời và bà Keh Kol, người tạo dựng ra mặt trăng, mặt trời;

Chuyện đại bàng bắt chàng Giôông; chuyện Rang Hu đi xúc cá bị mắc đơm của Giôông; chuyện chiếc nhẫn của nàng Rang Hu rơi xuống sông; chuyện Giôông chăn trâu; chuyện hai anh em Giôông, Giỡ biến thành con trăn, con rùa;

Chuyện Giôông bắn nhầm heo của nàng Bơ She; chuyện ông Rơh bảo chàng Kơmăl phải đi kiếm vợ; rồi chuyện Giôông ngăn dòng Krông…

Anh A Thuk, con trai cả của già A Bek hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy, Kon Tum), người đang tiếp nối “con đường” của bố tâm sự:

“Những năm chiến tranh ác liệt, lo chạy loạn không ai còn nghĩ tới Hơ-mon. Sau giải phóng (1975) đời sống quá khó khăn nên Hơ-mon cũng gần như bị quên lãng. Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, người Ba Na (Rơ Ngao) đã có cái ăn, cái mặc, đời sống dần no đủ… người già ở Đăk Wơt lại nhớ đến Hơ-mon. Bố tôi lại được mời đi Hơ-mon trở lại, cụ vui cái bụng lắm và đi suốt đêm ngày không biết mệt”.

Già A Bek lại một lần nữa lo cho sử thi. Sự lo lắng của già A Bek đã được đền đáp. Cùng với chủ trương khôi phục và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của Đảng và Nhà nước, Hơ Moong Đăk Wơt còn được chính quyền cấp kinh phí để mở lớp dạy Hơ-mon cho lớp trẻ.

Già A Bek còn dùng tiền Nhà nước trả bồi dưỡng hát sử thi mua chiêng về dạy lũ trẻ trong làng, dần tạo ra đội cồng chiêng thuộc loại “nhất nhì” của tỉnh. Sự kiện Đoàn nghệ nhân của Kon Tum tham gia Lễ hội Smithsonian 2007 với chủ đề Mê Kông-Dòng sông kết nối các nền văn hóa, diễn ra tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ) vừa qua có sự đóng góp to lớn của già A Bek, con trai A Thuk và cả đứa cháu nội đích tôn A Thảo của ông.

Tấm bằng công nhận Nghệ nhân dân gian của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao cho ông mới đây, không chỉ là niềm tự hào của ông mà còn là của cả vùng Hơ Moong Đăk Wơt.

Hiện, cả vùng Hơ Moong Đăk Wơt chỉ già A Bek và già A Zim biết sử thi (nhưng A Zim yếu quá rồi không còn sức Hơ-mon được nữa), bởi thế A Bek chính là “báu vật sống” của vùng Hơ Moong Đăk Wơt.

Danh hiệu đó cũng  xứng đáng những gì mà già A Bek đóng góp sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá người Ba Na (Rơ Ngao) vùng cực bắc Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG