“Bè trưởng viola của 8 dàn nhạc thế giới” dự tuyển vào SSO

“Bè trưởng viola của 8 dàn nhạc thế giới” dự tuyển vào SSO
Đã từng làm bè trưởng viola của 8 dàn nhạc trên thế giới từ Âu sang Á, vậy mà đứng trước các giám khảo quốc tế của buổi tuyển chọn nghệ sỹ cho Dàn nhạc Sun Symphony Orchestra (SSO), nghệ sỹ viola Nguyệt Thu cũng vẫn cứ hồi hộp như ngày còn là cô học trò nhỏ đi thi. Chị chia sẻ niềm vui và cả những hy vọng đẹp khi trực tiếp dự tuyển hôm 19/10 vừa qua.

Chị, khi đã thành danh ở nhiều dàn nhạc quốc tế nhưng lại quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp. Lý do nào thôi thúc chị trở về?

Tôi về, để những ngày cuối đời, bố tôi thấy việc ông đưa tôi ra nước ngoài là đúng. Một nghệ sĩ dù thành danh ở nước ngoài thế nào thì mình vẫn thấy đó không phải đất của mình. Tôi hay ai cũng vậy thôi, khi được cử đi học với trách nhiệm và sứ mệnh, một lúc nào đó phải quay về để cống hiến những gì mà mình học, đã trải nghiệm ở trường quốc tế cho đất nước của mình.

Chị đánh giá như thế nào về sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển Việt Nam đặt trong sự so sánh với các quốc gia châu Á?

Hiện nay, rất nhiều dàn nhạc châu Âu cũng đã phải cắt giảm biên chế. Một phần cũng do ảnh hưởng của kinh tế. Trước đây, khi đi du học, so sánh học sinh Việt Nam với nước ngoài ở thế hệ của tôi thôi, tôi cũng đã thấy chúng ta không chênh lệch trình độ là mấy. Chính vì thế, tôi rất mong chúng ta có cơ hội nào đó để giữ được cái vị trí, tiềm năng mà chúng ta đã từng có.

“Bè trưởng viola của 8 dàn nhạc thế giới” dự tuyển vào SSO ảnh 1

“Bè trưởng viola của 8 dàn nhạc thế giới” dự tuyển vào SSO ảnh 2 Các nghệ sĩ trẻ tập trước giờ tuyển chọn Sun Symphony Orchestra 
Không tham gia vào biên chế của một dàn nhạc nào thì chị cũng đã thành công rồi. Vậy lý do gì thôi thúc chị tham dự buổi dự tuyển hôm nay?

Đây là ngày tôi đã chờ đợi 28 năm rồi, từ khi ra nước ngoài học tập. Hôm nay ôm đàn đi thi mà tôi vẫn hồi hộp như lúc mình đi thi ở những dàn nhạc nước ngoài, và vẫn hi vọng đây là dịp cho mình chia sẻ kinh nghiệm, là cơ hội cho các em trẻ hơn mình cống hiến tài năng.

Khi đến đây và gặp nhiều thế hệ cùng tham gia dự tuyển, cảm xúc của chị ra sao?

Tôi thực sự rất vui. Cuộc tuyển chọn này không phải đấu trường nữa mà là một sân chơi, một cơ hội để các em sinh viên cũng như thế hệ âm nhạc cổ điển trẻ có cơ hội được cọ xát. Cơ hội SSO đang tạo ra hôm nay cũng giống như cơ hội mà tôi đã được đặt vào tay hơn 20 năm trước. Tôi mong rằng, các bạn trẻ sẽ biết cách nắm lấy cơ hội này để tỏa sáng.

Hôm nay đi thi, tôi nhìn thấy mình của hơn 20 năm trước. Xúc động lắm. Ba năm rồi, bắt đầu một cuộc sống mới khi quay về Việt Nam, tôi chưa có chút thời gian rảnh nào để nhớ về quãng thời gian sống ở nước ngoài. Nhưng hôm nay, mỗi một đoạn nhạc đều gợi nhớ về kỷ niệm của từng dàn nhạc nổi tiếng mà tôi đã tham gia.

Ngày xưa đứng trước giám khảo, cùng với các bạn nước ngoài, tôi thi bằng niềm tự hào dân tộc, tự hào mình đến từ một đất nước còn khó khăn, vậy mà vẫn có thể vượt qua cả các thí sinh đến từ những quốc gia âm nhạc hùng mạnh nhất. Còn hôm nay đi thi, thấy mình cũng đã không còn được sung sức như những ngày ấy, nhưng cảm xúc với âm nhạc thì chưa bao giờ vơi cạn.

“Bè trưởng viola của 8 dàn nhạc thế giới” dự tuyển vào SSO ảnh 3

Hơn 20 năm gắn bó với âm nhạc cổ điển, thời khắc nào chị thấy vinh dự và tự hào nhất?

Đó là khi tôi dự cuộc thi The best J. S. Bach's player tại Isle of Man (Anh) tháng 8/1997. Lúc đó tôi mới 23 tuổi, tiếng Anh rất kém, không có tiền, và cũng chưa ai xài thẻ từ như bây giờ. Địa điểm thi nằm trên một hòn đảo, muốn tới đó phải di chuyển khá xa mà tôi thì không có tiền để mua máy bay. Vậy là tôi lóc cóc đi tàu, rồi đi xe bus, xuống xe bus đợi tàu biển để ra đảo. Để tiết kiệm tiền khách sạn, tôi đến cận sát ngày thi.

Thời điểm đó, hai đêm liền tôi đã không ngủ vì phải đi từ sáng đến sáng sớm hôm sau mới tới địa điểm thi, và đến nơi là phải tập luyện để thi luôn.

Trước giờ biểu diễn, có một cậu bạn người nước ngoài nhìn tôi hỏi: “Hình như bạn không phải người Nga như ghi trong hồ sơ dự thi, bạn đến từ đâu?” Tôi đã trả lời: “Mình là người Việt Nam”. Bạn ấy nói: “Người Việt Nam cũng biết chơi đàn à?”.

Chỉ vì câu nói đó, tôi đã cố gắng hết sức để vào đến vòng cuối cùng và đạt giải nhì, nằm trong top 8/38 thí sinh dự thi. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời kỳ du học. Kể lại kỷ niệm này, tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, chính niềm tự hào dân tộc luôn khiến con người ta mạnh mẽ hơn, và dù thế nào, chúng ta luôn cần phải tự hào mình là ai, mình từ đâu đến.

Chị từng chia sẻ chị ước mơ thành lập một dàn nhạc có đẳng cấp để những cô bé, cậu bé đang học đàn chưa có cơ hội ra nước ngoài, hoặc những đứa trẻ từ rất nhỏ đã nuôi dưỡng giấc mơ nghệ sỹ có thể thành danh tại chính quê hương Việt Nam. SSO và cuộc tuyển chọn nghệ sỹ đầu tiên với những tiêu chuẩn quốc tế như hôm nay cho chị kỳ vọng gì về sự phát triển trong tương lai của dàn nhạc này?

Tôi không kỳ vọng mà rất tin tưởng SSO sẽ đem đến cho giới trẻ một sân chơi đẳng cấp để họ thực sự được đam mê và được cống hiến, để họ hiện thực hóa những ước vọng với âm nhạc cổ điển.

Ngày xưa, mỗi lần đứng trên sân khấu, được làm bè trưởng viola cho một dàn nhạc quốc tế, tôi từng ước giá như dàn nhạc này ở Việt Nam.

Giờ mừng quá, có một dàn nhạc như thế này, tôi tin SSO sẽ thành công. Dù là 10 năm hay một năm thì tất cả những người đứng ra thành lập dàn nhạc này đều là những người muốn cống hiến cho âm nhạc cổ điển, và họ không thể không thành công được. Với tôi, điều quan trọng không phải là chúng ta làm được bao lâu mà là chúng ta giúp cho mọi người được sống với đam mê, được là nghệ sĩ đúng nghĩa.

Trân trọng cảm ơn chị!

Nghệ sỹ viola Nguyệt Thu (SN 1973), trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố là NGƯT Nguyễn Văn Thưởng - người khai sinh bộ môn viola tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 6 tuổi, Nguyệt Thu bắt đầu chơi violin và 7 tuổi đỗ đầu vào hệ sơ cấp Nhạc viện Hà Nội. Năm 1989, Nguyệt Thu nhận học bổng du học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Nga Gnesin tại Moscow. Năm 1994, chị tốt nghiệp xuất sắc trung cấp âm nhạc và tiếp tục thi vào Nhạc viện Tchaikovsky với số điểm cao nhất, tốt nghiệp loại xuất sắc.

Chị đã từng làm bè trưởng Viola của 8 dàn nhạc trên thế giới như Hà Lan, Tây Ban Nha, Nga, Bồ Đào Nha, Singapore, Malaysia, Thuỵ Điển, Brazil, cũng từng giành những giải thưởng danh giá nhất như: Giải đặc biệt cuộc thi viola quốc tế The Hope năm 1995 tại Moscow; Giải đặc biệt cuộc thi The best J. S. Bach's player- Người chơi các tác phẩm của J. S. Bach hay nhất tại Isle of Man (Anh quốc) tháng 8/1997 và Giải nhì trong cuộc thi viola quốc tế tại Nga năm 1997. 

MỚI - NÓNG