Giáo sư - Tiến sỹ Phạm Đức Dương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phương Đông:

Bệnh đói không gian và bệnh sĩ đang “tác oai, tác quái”

Bệnh đói không gian và bệnh sĩ đang “tác oai, tác quái”
TP - Người Việt mắc chứng bệnh gọi là bệnh đói không gian. Không gian chật chội làm nảy sinh tâm lý cơi nới, nhảy dù; Bệnh thành tích chính là bệnh sĩ.

Học thì không được thế nhưng cứ nống kết quả lên, nhất định không chịu thua kém thiên hạ.

Người Việt không có cảm quan rừng và biển, họ là cư dân của đồng bằng châu thổ. Cái mạnh cũng xuất phát từ đó và cái yếu cũng từ đó mà ra. 

Khi xuống đồng bằng làm ruộng, họ phải tụm năm tụm ba vào một cái làng để dành đất canh tác. Nhưng đất không đẻ mà người thì đẻ ra. Vì thế không gian sống của họ thu hẹp dần.

Người Việt mắc một chứng bệnh gọi là bệnh đói không gian. Không gian chật chội làm nảy sinh tâm lý cơi nới, nhảy dù. Tâm lý đó được đưa vào thành phố mà tiêu biểu là Hà Nội, tạo thành một quần thể kiến trúc rất bị “cắt dán” hỗn độn.

Có một thời kiến trúc của Hà Nội là kiến trúc chêm chen. Một ví dụ điển hình là thư viện của Viện Khoa học xã hội trước đây là thư viện trường Viễn Đông Bác Cổ, kiến trúc theo kiểu Pháp có hành lang, ghế đá rộng rãi thoáng mát, để người đọc sách có chỗ trao đổi, đàm luận. Nhưng các nhà quản lý thấy như thế thì rộng quá, nên “chêm” hẳn một ngôi nhà 5 tầng vào đấy.

Theo tôi đói không gian trở thành một căn bệnh kinh niên và ăn sâu đến nỗi  làm thay đổi cả chữ viết. Chữ viết La tinh đã được tiêu chuẩn hoá: chữ h viết lên hai hàng rưỡi, chữ g viết xuống hai hàng rưỡi, nhưng người ta thấy như thế thì “thừa đất” nên cắt đi chỉ còn hai hàng. Cho nên cải tiến thành cải lùi, bây giờ lại muốn quay lại kiểu chữ ngày xưa.

Bệnh đói không gian cộng với sức ép dân số dẫn đến tâm lý, chen lấn xô đẩy. Ở sân bay, khi nghe thông báo sắp có chuyến vào TPHCM, mọi người trong nhà chờ đều bật dậy, ai cũng muốn chen lên phía trước mặc dù vé đã có số. 

Khi tôi sang Paris, thủ đô nước Pháp trình bày về bệnh đói không gian của người Việt thì mấy ông Việt kiều cười mà rằng: Ở sân bay Paris người Việt cũng chen lấn như thế. Chừng nào vẫn còn tâm lý chen lấn xô đẩy, thì giao thông ở Hà Nội vẫn còn ách tắc.

Đường phố Hà Nội dù giờ cao điểm vẫn luôn có tình trạng dàn hàng ngang mà tiến, ai cũng lên phía trước, có khi lao cả xe máy lên vỉa hè. Tâm lý chen lấn, xô đẩy cản trở rất lớn tới cuộc sống hiện đại. Sự chen lấn ấy còn thể hiện trong đời sống chính trị.

Lối quây quần tụm năm tụm ba trong một làng đẻ ra nếp sinh hoạt trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường, ngồi lê đôi mách. Ngồi lê đôi mách là một tác phong đã ăn rất sâu vào người Việt. Cho nên ba người đàn bà Việt Nam ngồi lại với nhau thành cái chợ.

Khi tôi sang Paris chẳng hạn, muốn tìm hiểu một nhân vật nổi tiếng nào đó, hỏi người Pháp chưa chắc đã biết nhưng cứ hỏi một số ông Việt kiều thì có thể biết hết, vì ông có cái tác phong ấy.

Ban đầu tôi cứ nghĩ làng là một loại tự trị khép kín được bao bọc bởi lũy tre.  Phía sau lũy tre đó lùng nhùng những mối quan hệ xã hội rất phức tạp. Ở đấy có nhiều thân phận khác nhau. Một ông già thuộc hàng khai quốc công thần như Nguyễn Trãi cáo quan về làng, rồi ông chánh tổng, cựu chánh tổng cũng ở đấy, mà ông đương kim chánh tổng cũng ở đấy, ông lí trưởng, ông bá hộ, người cùng đinh, ngụ cư cũng ở đấy... Điều đó tạo nên một sinh hoạt cộng đồng làng xóm và sinh ra một cái bệnh gọi là bệnh sĩ.

Sĩ cũng có mặt tích cực như tạo cho người một bản lĩnh, không chịu nhục về nhân cách nhưng vị quá tự trọng, tự tôn nên đẻ ra nhiều chuyện như oái ăm. Như đọc  tiểu thuyết “Việc làng”  của Ngô Tất Tố  có một thằng mõ tên là Mới chặt miếng đầu ra mười mấy phần. Một phần cho cụ tiên chỉ. Cụ tiên chỉ đã già, răng móm mém, nhưng cụ vẫn thích cái đầu gà vì mình là tiên chỉ, phải ăn trên ngồi trốc.

Còn anh ngụ cư thì được cái chân gà nhưng vẫn nhai rất phấn khởi, ngon lành vì chỉ có những lúc như thế này anh ta mới được ngồi cùng các cụ, ăn chung một con gà. Thực tế đó đẻ ra tâm lý: Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp và “con gà tức nhau tiếng gáy”. Và vì muốn hơn nhau tiếng gáy mà đã đẻ ra bao thứ ứng xử phiền toái. Đám cưới, đám ma phải làm thế nào cho hơn người khác. Đến mồ mả cũng không chịu “thua chị kém em”...

Nói chung, bệnh đói không gian, bệnh sĩ đang “tác oai tác quái” trong xã hội hiện nay. Bệnh thành tích chính là bệnh sĩ. Học thì không được thế nhưng cứ nống kết quả lên, nhất định không chịu thua kém thiên hạ. Người ta sống bằng hư danh hơn là sống bằng thực tế. Bệnh sĩ còn là “cha đẻ” của bệnh giấu dốt, bệnh “làm láo báo cáo hay”...

MỚI - NÓNG