Bệnh giấy tờ

Bệnh giấy tờ
TP- Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, giấy tờ trở thành công cụ đắc lực phục vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước, trường học, các nhà xuất bản và mỗi cá nhân... Song nạn “giấy tờ” cũng là một vấn đề của xã hội như:

Hạch sách giấy tờ: Đây là bệnh cố hữu trong một số cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Mỗi khi người dân có việc đến “gõ cửa” là họ được một dịp “hành”, hôm nay “quan” yêu cầu giấy này, mai “quan” nói thiếu giấy khác khiến người dân không ít phen chóng mặt, tắc thở lo đi “chạy giấy”.

Từ bệnh này sinh ra các bệnh khác, do vậy mà không biết từ bao giờ ngôn ngữ “chạy” xuất hiện và sử dụng rộng rãi phổ biến. Bước vào trụ sở của một số cơ quan nhà nước là khẩu hiệu “một cửa”, đổi mới phương pháp làm việc, tiếp dân... nhưng “một cửa”, phương pháp mới không thấy mà do dân đi chưa đúng “cửa” nên tất yếu phải vòng vèo, làm việc chưa thoáng do chưa có “phong bao”, quen biết...

Một số “quan” tỏ vẻ niềm nở xem xem tập tài liệu, hồ sơ theo khẩu hiệu trên tường, kiểu “đầy tớ, công bộc của dân” rồi vẫn bài “cải lương cổ” giấy tờ chưa đúng mẫu quy định, thiếu cái này cái nọ là “bài ca không quên”. Xin “con dấu” đã vất vả chứ chưa nói gì đến xin việc, xin sổ đỏ, sổ hồng... người dân chỉ biết cơ quan hành chính đồng nghĩa “hành là chính”.

Công văn, thông báo: Cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin, giấy tờ công văn dần sẽ bị thay thế nhưng một số cơ quan công sở hiện nay sử dụng công văn, thông báo vô tội vạ.

Họ sợ “lời nói gió bay” mà cứ phải công văn thông báo cho “bút sa, gà chết”. Họ cho rằng có công văn thông báo thì cấp dưới mới nghiêm chỉnh chấp hành, họ sợ cấp dưới quên việc nên dù việc nhỏ đến việc lớn cũng phải công văn!

Ở cơ quan L: Từ việc tang ma, xem văn nghệ, thay đổi thời gian, địa điểm họp hành... người ta thông báo trên loa truyền thanh rồi lại gửi kèm thông báo xuống tận nơi. Thử làm phép cộng một tuần, tháng, năm... Nhà nước tốn bao nhiêu giấy mực, tiền của cho công văn, thông báo.

Quy định, chỉ thị: Cùng với công văn, thông báo, hiện trong cơ quan các cấp nào từ lớn đến nhỏ, từ trung ương đến địa phương thi nhau thảo quy định, chỉ thị. Những quy định có lợi cho dân thì ít chỉ thấy nhiều phiền toái, rắc rối...

Cấp trên gửi cấp dưới, cấp dưới lại tiếp tục cụ thể một bước nữa dẫn đến các quy định, chỉ thị chồng chéo lên nhau mà việc thực hiện không đem lại kết quả tích cực, trách nhiệm chung chung, không rõ ràng, dẫn tới “cha chung không ai khóc” rồi người ta lại nghĩ chuyện “hội thảo” thôi thì năm sau sửa đổi, bổ sung tiếp.

Cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo “tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Việc tiết kiệm, chống lãng phí là trách nhiệm của toàn xã hội, “việc gì có lợi cho dân thì nên làm, việc gì có hại cho dân hết sức tránh”, chống những bệnh hình thức, máy móc, cầu kỳ lãng phí không cần thiết.

Nguyễn Xuân Hiếu
(Hòm thư: 3CB-37 Long Thành, Đồng Nai)

MỚI - NÓNG