Bệnh “hồn nhiên”

Bệnh “hồn nhiên”
TP - Trong một bộ phim VN có cảnh thế này: Cô vợ đang ngủ. Chợt có người bạn gái đến thất thanh báo: “Chồng chị bị công an bắt giải về đồn”. Thế là cô hốt hoảng chồm khỏi giường, chạy thẳng lên đồn với nguyên bộ quần áo ngủ...

Tại đồn công an,với bộ quần áo ngủ, cô xông xáo vào bày tỏ tình cảm với một nữ cảnh sát. Nữ cảnh sát nói cho cô biết những tình cảm cao thượng mà chị ta dành cho chồng sẽ được đền đáp xứng đáng, vì đó chỉ là màn kịch anh chồng giúp công an bắt tội phạm.

Than ôi! Một bộ quần áo ngủ giữa cơ quan công quyền thì làm sao có thể bàn đến những gì cao thượng cho nổi. Lẽ ra, dù trời có sập đi nữa, việc đầu tiên chị ta bước ra khỏi nhà phải là cách nghĩ rằng bộ quần áo trên người có đủ tiêu chuẩn văn hóa để ra nơi công cộng không? Đặc biệt là trụ sở công quyền?

Nhưng nỗi buồn nhất vẫn chưa nằm ở cô vợ – trình độ công nhân kia, mà ở nhà văn - tác giả kịch bản, cũng như đạo diễn, những người có trình độ văn hóa đại học.

Người phương Tây có câu “Quần áo làm ra con người”. Tất nhiên chúng ta nên hiểu theo nghĩa tích cực của từ này. Để dễ hiểu hơn người đời còn có một quan niệm khác: “Quần áo không làm nên thầy tu, nhưng chẳng có thầy tu nào không cần áo lễ”. Thầy tu mà không mặc áo lễ, thì  làm sao xác định được chức phận của mình.

Người Việt, ở nhà thường mặc bộ đồ ngủ, thường gọi là “bộ đồ” vừa mỏng, vừa rộng, vừa mát, cho tiện lợi ở xứ nhiệt đới. Và nhiều người đông đảo hơn là chị em, cứ thế mặc đi chợ, đi chơi, cho mát, cho tiện, đặc biệt hơn người ta còn mặc những bộ  đồ đó tới cả các cơ quan nước ngoài.

Không ít người đã bị mời về để thay quần áo, sau đó mới được tiếp đón. Một luật sư người Việt quốc tịch nước ngoài cho biết: Ở vài cơ quan lãnh sự, thay vì xét duyệt đơn nhập khẩu quá nhiều, các nhân viên bỏ qua việc xem xét hồ sơ, mà ra tận phòng khách gặp đương sự.

Họ nhìn đương sự từ chân lên đầu, và thấy người nào ăn mặc lôi thôi luộm thuộm thì gạt phắt khỏi danh sách những người cần làm thủ tục.

Sau 75, Liên Xô (cũ) nhận đào tạo nâng cao cán bộ Việt Nam. Vài cán bộ Việt Nam, mặc áo mút cổ lọ – loại áo bán ở các tỉnh phía Nam – sau đó choàng chiếc veston của bộ com-lê ra ngoài.

Khi vào lớp, giảng viên người Nga liền yêu cầu những người mặc như vậy phải về mặc chiếc áo sơ mi cổ bẻ bên trong chiếc áo khoác rồi mới cho  vào lớp. Nhân đây cũng nói thêm về cách mặc com-lê. “Complet”, tiếng Tây là trọn bộ bao gồm:

1. Áo khoác veston.

2. Quần cùng mầu áo.

Khi mặc trọn bộ cả quần lẫn áo, người ta gọi là com-lê (không được gọi là áo com-lê, mà phải gọi là áo vest), bên trong mặc áo sơ mi cổ cứng, đeo cà vạt. Cũng có thể mặc đờ-mi (demi), trên áo veston, dưới quần mầu khác, nhưng đấy là lối mặc bán chính thức.

Còn có thể bán chính thức hơn, áo veston mặc áo cổ tròn, quần bò, giầy thể thao, nhưng đấy là lối mặc theo kiểu sinh hoạt tự do – không chính thức. Còn mặc chính thức thì phải đồng bộ, đi giầy da, không được đi giầy thể thao.

Theo tôi, khi nói về chuyện này, cũng chẳng nên mắc chứng sĩ diện và tự ái làm gì. Có một anh bạn đã lớn tuổi nói với tôi, hồi anh ta mới sang Tây học, người quản lý các sinh viên còn chỉ bảo cho họ từng cách ăn mặc, cách đi vệ sinh.

Còn ở ta, do chưa chú trọng việc này, nên có không ít đoàn các bác, các cụ vào đến nơi quan trọng rồi, còn rủ nhau ra sát hàng rào, dàn hàng ngang, ngồi thụp xuống, thực hiện việc tiểu tiện tự nhiên.

Một lần, tôi gặp một cô phiên dịch, đang dẫn đoàn khách Tây, chối quá, vỗ tay la lên: “Tại sao các cụ lại làm thế?” thì nhận được ánh mắt ngạc nhiên hơn của các bà theo kiểu: “Tại sao cô lại hỏi thế?”.

Chúng ta mới chỉ chú trọng văn hóa “đầu vào” như ăn, uống, như hút... nhưng chưa chú trọng văn hóa “đầu ra” như bạ đâu nhổ đấy, xì mũi đấy, tiểu tiện đấy, thậm chí cả đại tiện nữa.

Việc không ý thức đến quần áo khi ra nơi công cộng, không chỉ thể hiện văn hóa, mà cả lòng ích kỷ. Nhiều lần tôi lên tầu hỏa, đều gặp cảnh nhiều cô sinh viên hẳn hoi, mặc quần áo ngủ từ nhà ra ga và lên tầu. Chắc các cô nghĩ rằng, đi tầu đêm, lên tầu để ngủ nên chẳng cần mặc quần áo đẹp làm gì cho phí.

Người phương Tây quan niệm, càng thân càng phải tôn trọng, giữ gìn, càng nên ăn mặc trọng thị để tiếp đón. Ở ta thì ngược lại, càng thân càng mặc đồ ngủ, áo lót, quần cộc để tiếp khách. Đúng là  một cung cách “ăn xó mó niêu”.

Nhân đây cũng xin bàn đến nạn đeo khẩu trang, thắt khăn các kiểu của phụ nữ, kể cả đàn ông hiện nay. Về lý do vệ sinh, hay ô nhiễm môi trường, tôi không dám lạm bàn. Chỉ xin bàn vào hai điểm có tính văn hóa toàn cầu sau đây:

- Thứ nhất: Trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt từ cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21, thế giới xuất hiện ồ ạt phong trào đô thị hóa. Song song với nó, nông dân ở các vùng quê ồ ạt kéo tới các thành phố để kiếm công ăn việc làm, nảy sinh tình trạng “nông thôn hóa thành thị”.

Ở quê, các chị em đi cấy, đi cày thường đội nón rộng vành, chít khăn chỉ để hở đôi mắt, quần xà cạp, để tránh nắng, tránh cho làn da khỏi bị đen sạm. Giờ đây, số chị em đó kéo lên thành thị, tưởng đó là sáng kiến bảo vệ sắc đẹp.

Người ta nói: Phụ nữ là bông hoa để tô điểm cho thành phố. Vậy mà phố xá hiện nay, có quá nhiều bông hoa để bảo vệ sắc đẹp đã vấn các loại khăn, các hình thù, biến các đường phố không khác gì đường ruộng, và biến nhiều giai nhân thành “công nhân vệ sinh miễn cưỡng”.

- Thứ hai: Cuộc cách mạng phụ nữ được bắt đầu chính thức vào thời điểm tháo mạng che mặt, trang điểm môi son má phấn. Vậy mà giờ đây nhiều chị em lại quấn khăn che mặt, như thế liệu có phải cách trở về cái thời yếm thế của tôi đòi?

Khi con người kiêu hãnh để lộ khuôn mặt của mình, thì người ta cũng phải chịu trách nhiệm về khuôn mặt đó: vinh danh, ô danh hay  ém nhẹm danh?

Khi con người che đậy khuôn mặt nửa kín nửa hở của mình, thì người ta cũng sẽ hành xử như những người không chịu trách nhiệm hoàn toàn về khuôn mặt của mình.

Tôi có anh bạn, có người yêu học rất cao, từng bôn ba hải ngoại. Một hôm thấy cô chít khăn che mặt, anh ta ngạc nhiên lắm, trêu “trông em như công nhân vệ sinh vào ca” (chính anh chị em công nhân vệ sinh chỉ mong hết ca để tháo băng che miệng).

Cô người yêu phớt lờ, vì trong tâm đã nhất quyết che mặt để giữ sắc đẹp: “Công nhân vệ sinh thì đã làm sao?”. Lần khác, anh bạn lại bảo: “Hình như em mới đi cướp nhà băng về, che kín mặt thế kia, chắc là để không bị nhận diện?”.

Cô nàng sững mình một chút rồi bảo: “Cướp nhà băng thì đã sao?”. Than ôi, một thời gian sau đó, cô ta không cướp nhà băng, mà “cướp” đứt trái tim của anh người yêu chuồn thục mạng, không để lại tí tăm hơi nào...

Ca dao, tục ngữ về thói hư tật xấu

  R:

- Ra đường quần áo xênh xang
Về nhà hỏi vợ: Cám rang đâu mày?
Cám rang tôi để (ở) cối xay.
Chó mà ăn hết thì mày với tao!

S:

- Siêng ăn nhác làm

T:

- Thấy người sang bắt quàng làm họ
- Trâu buộc thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần!
- Trống làng ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng.

V:

- Voi đua thì chó cũng đua
Voi đi rước cờ chó cũng chạy theo
- Vai mang túi bạc kè kè
Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm

X:

- Xấu mặt chặt dạ

Y:

- Yêu nhau cau sáu bổ ba
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.
- Yêu nhau củ ấu cũng tròn
Ghét nhau thì quả bồ hòn cũng vuông.
-Yêu nhau thì ném bã trầu
Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.
-Yêu nên tốt, ghét nên xấu

MỚI - NÓNG