Bí ẩn Cam Ranh

Bí ẩn Cam Ranh
TP - Không phải ngẫu nhiên mà cách đây tròn 60 năm, tại vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với viên Cao ủy Pháp tại Đông Dương là Đô đốc Đácgiăngliơ trên chiến hạm Xuýpphơren của hải quân Pháp...
Bí ẩn Cam Ranh ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh và tướng Xanhtơny trên chiến hạm của Hải quân Pháp năm 1946

Cam Ranh cũng là địa phương duy nhất của miền Nam được Bác Hồ đến thăm trên cương vị Chủ tịch nước.

Vùng đất nêu trên từ lâu đã được các nhà chính trị, quân sự và kinh tế nhiều nước trên thế giới quan tâm bởi vị trí chiến lược đặc biệt của nó. Có lẽ bởi thế, mà Cam Ranh từng bị Chính quyền Sài Gòn “bán” cho Mỹ 99 năm. Rồi một thời đến lượt lực lượng Hải quân Liên Xô (cũ) bảo vệ…

Bây giờ, bằng nguồn lực của chính mình, liệu Cam Ranh có thể “cất cánh” như mong đợi của những người yêu mến vùng đất này?

Cuộc gặp lịch sử và “nụ hôn của hòa bình với chiến tranh”

Có một cuộc gặp hầu như chưa được tiết lộ vì nhiều lý do. Cuối tháng 8/2006 vừa qua, lần đầu tiên tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức một cuộc Hội thảo khoa học quy mô; và các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ nhiều chi tiết thú vị xung quanh cuộc gặp này.

Ngày 18-10-1946, trên đường trở về nước bằng chiến hạm Đuymông Đuyếcvin sau chuyến thăm Pháp hơn 4 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé qua Cam Ranh theo lời mời của Đô đốc Đácgiăngliơ (Cao ủy Pháp tại Đông Dương) và tướng Luitxơ Môlie (người kế nhiệm Xanhtơny, đại diện của Chính phủ Pháp tại Hà Nội). Cuộc gặp diễn ra trên chiến hạm Xuphơren của Hải quân Pháp.

Cần lưu ý rằng đây là lần thứ ba Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ. Hai lần trước, (vào các ngày 24/4/1946 tại vịnh Hạ Long và 18/5/1946 tại Hà Nội) vốn là một thầy tu nhưng lại lọc lõi chính trị, Đácgiăngliơ đã tìm mọi cách ngăn cản phái đoàn Chính phủ ta đi Paris trực tiếp đàm phán với Chính phủ Pháp vì lo bị “vượt mặt”, hòng thực hiện mưu đồ “Nam Kỳ tự trị” để chia cắt nước ta.

Sau khi Tạm ước 14/9 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Chính phủ Pháp, với tư cách là Toàn quyền Đông Dương, Đácgiăngliơ buộc phải thi hành. Ông ta đã chủ động đề nghị cuộc gặp diễn ra tại Cam Ranh, nhằm vừa chấp hành lệnh từ Paris, vừa toan tính những âm mưu mới…

Về phía Việt Nam, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, người duy nhất tháp tùng và chứng kiến cuộc gặp lịch sử trên là bác sĩ Trần Hữu Tước (một trong bốn trí thức Việt kiều theo Bác Hồ về phục vụ đất nước, sau chuyến thăm Pháp của Người).

Sau nghi lễ đón nguyên thủ quốc gia, duyệt đội danh dự, trước sự chứng kiến của các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hội kiến với Đô đốc Đácgiăngliơ và tướng Luitxơ Môlie về cách thức thực hiện Tạm ước 14/9. Hai bên đã thỏa thuận được một số điểm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Đácgiăngliơ đòi quân đội Việt Nam ở miền Nam phải rút về miền Bắc. Đácgiăngliơ đã đồng ý về việc bổ nhiệm một đại diện của Chính phủ Việt Nam để phối hợp thực hiện ngừng bắn.

Cuối cùng, hai bên còn bàn về vấn đề thuế quan… Cuộc họp kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Theo báo chí Pháp ngày đó đánh giá thì cuộc hội kiến này “kết thúc trong tinh thần vui vẻ”.

Sau này, bác sĩ Trần Hữu Tước đã kể lại một chi tiết đáng nhớ: Sau cuộc hội đàm, khi bắt tay từ biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng ôm hôn Cao ủy Đácgiăngliơ, khiến ông ta lúng túng vì bị bất ngờ đến mấy giây, rồi cũng ôm hôn lại. Các phóng viên có mặt chứng kiến giây phút ấy cũng hết sức ngạc nhiên. Họ kêu lên rồi chen nhau chụp ảnh và lấy sổ tay ra ghi chép…

Mấy ngày sau, một tờ tạp chí xuất bản ở Sài Gòn đã đăng một bài báo miêu tả tỉ mỉ hành động Chủ tịch ôm hôn viên Cao ủy, rồi bình luận: “Không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhớ đến câu thơ của Racine: Ta ôm hôn người để càng bóp ngạt người?”.

Một nhà nghiên cứu đã bình luận thêm: Đó là nụ hôn của hòa bình với chiến tranh! Bởi chỉ hơn một tháng sau đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”.

Thiên nhiên ưu đãi, lịch sử thử thách

“Hiếm có nơi nào mà thiên nhiên lại nhiều ưu đãi với những bán đảo và đảo, tạo nên những vũng và vịnh nổi tiếng cả thế giới như Cam Ranh; nhưng cũng hiếm có vùng đất nào mà lịch sử lại đặt ra nhiều thử thách máu lửa và trớ trêu như với con người Cam Ranh” – Thượng tá Trần Ngọc Khánh, Phó giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa đã nói vậy, khi lần đầu tiên chúng tôi dừng chân ở vùng đất này.

Tôi biết Khánh từ khi anh còn là Trưởng Công an thị xã Cam Ranh. Trước đó nữa, anh nguyên là Trưởng một phòng của Công an tỉnh Khánh Hòa, đơn vị đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

Khánh là một cán bộ trẻ, năng động, rất am hiểu văn hóa và phong tục của các dân tộc ít người ở Khánh Hòa. Địa bàn hoạt động quen thuộc của anh trước đây là huyện vùng cao Khánh Sơn và Cam Ranh...

Từ giữa thế kỷ 17, vùng đất Cam Ranh đã được chúa Nguyễn Phúc Tần quan tâm khai phá. Đầu thế kỷ 20, Cam Ranh ngày nay vẫn còn là một phần đất của huyện Vĩnh Xương thuộc Khánh Hòa. Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, vùng Cam Ranh thuộc quận Cam Lâm, có thời gian thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Cho mãi tới tháng 10/1965, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu mới có sắc lệnh thành lập thị xã Cam Ranh bao gồm một phần đất của quận Du Long (Ninh Thuận) và một phần đất của quận Cam Lâm (Khánh Hòa).

Sau ngày miền Nam được giải phóng và đất nước thống nhất, Cam Ranh là một huyện (gồm cả Khánh Sơn và một phần của Diên Khánh), sau đó lại được tách riêng và ngày nay Cam Ranh là tên một thị xã - đơn vị hành chính thuộc tỉnh Khánh Hòa, gồm thị trấn Ba Ngòi và 16 xã đều bắt đầu bằng chữ “Cam”.

Theo thống kê mới nhất thì hiện nay Cam Ranh có 9 phường, 18 xã; diện tích tự nhiên là 690 km2; dân số trên 217.000 người.

Sách Lịch sử Đảng bộ huyện Cam Ranh (1930-1975) cho biết: Do nền tảng là đá hoa cương, qua bào mòn của sóng gió đại dương nên đoạn bờ biển Khánh Hòa bị xâm thực thành những eo núi, doi biển hình thành nhiều vũng, vịnh...

Đặc biệt, vịnh Cam Ranh được đánh giá là một trong 3 hải cảng tự nhiên tốt nhất thế giới, có đủ 3 yếu tố cơ bản: Chiều rộng, độ sâu và được che chắn tốt, lại nằm trong vùng rất ít bão.

Vịnh được tạo nên do một nhánh của dãy Hoàng Ngưu, núi Đồng Bò (cao 927 m), chạy từ mũi Cù Huyn theo hướng Bắc - Nam vào đến Mũi Điện dài trên 30 km, với nhấp nhô đồi núi cát trắng, tạo thành bán đảo Cam Ranh.

Một nhánh của dãy núi Chúa từ phía Nam chạy ra theo hướng Nam – Bắc tới mũi Chà Đà, tạo thành bán đảo Mũi Hời. Giữa hai bán đảo như hai dãy trường thành thiên nhiên che chắn sóng gió đại dương, lại thêm đảo Bình Ba gồm 2 hòn núi nối liền nhau án ngữ giữa biển, tạo thành 2 cửa vịnh: Cửa Lớn rộng 3.500 m và Cửa Nhỏ rộng 250 m.

Trên bán đảo Cam Ranh, ở sườn phía Bắc núi Phụng Hoàng có hồ nước ngọt rất lớn, chứa khoảng 16.000 m3 nước sạch, không bao giờ cạn (thời quân Mỹ chiếm đóng, chúng đặt tên là hồ Níchxơn).

Đấy là chưa kể đến nguồn nước ngọt từ mạch nước Cồn Tiên và Hồ Le đều nằm trên độ cao hơn 30 m sẵn sàng cung cấp nước ngọt cho những tàu neo đậu trong vịnh... Đó là những lợi thế hàng hải độc nhất vô nhị không chỉ ở nước ta. 

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.