Bí mật cuối đời của danh họa Lưu Công Nhân

Anh Lưu Quốc Bình và khách thăm triển lãm Lưu Công Nhân chụp ảnh bên bức sơn dầu Bình dân học vụ. Ảnh: Jundat.
Anh Lưu Quốc Bình và khách thăm triển lãm Lưu Công Nhân chụp ảnh bên bức sơn dầu Bình dân học vụ. Ảnh: Jundat.
TP - Nét - triển lãm cá nhân quy mô đầu tiên ở Hà Nội  của danh họa Lưu Công Nhân từ sau 1975 vừa khai mạc tại trung tâm VCCA (72A Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho công chúng một cái nhìn khái quát về tài năng của tác giả. Đây cũng là dịp ôn lại ký ức về một nghệ sĩ có bản lĩnh nghệ thuật và có thể nói phần nào “sang vì vợ”.

“Bóng cụ lớn quá…”

Điều thú vị là 99% tranh trong triển lãm được lấy từ bộ sưu tập của ông Nguyễn Phúc Hưởng tại TPHCM. Chỉ có 4 bức đến từ bốn nhà sưu tập khác. Một trong số đó là họa sĩ Đào Hải Phong với bức in cao su mà Lưu Công Nhân tặng bố anh là họa sĩ Đào Đức nhân dịp chia tay khi ra trường. Hai ông học cùng khóa. Trên bức tặng bạn, nét ký của tác giả còn ngay hàng sổ thẳng mà Đào Hải Phong gọi là “ký lĩnh lương” chứ không phóng tay như sau này.

Năm 1993, khi Đào Hải Phong triển lãm ở Ngô Quyền, Lưu Công Nhân đến thăm. “Ông mặc áo len thuê người đan đúng chữ ký mình sau lưng. Tay chơi lắm. Nghênh ngang lắm. Ông rất tự tin, lại có chất khinh bạc. Là vì ông có điều kiện để coi thường vấn đề tiền bạc”. Ông bày cho đàn cháu cách xác định khách có mua tranh mình hay không: “Mày ngồi đây theo dõi nếu khách đi ra cửa mà còn ngoái lại nhìn thì mày mới có cơ hội bán tranh. Còn lướt một vòng rồi đi thẳng thì mày yên tâm đó chỉ là khách chờ cơm thôi!”.

Anh Lưu Quốc Bình, con trai họa sĩ tỏ ra xúc động khi được nhìn lại các tác phẩm của cha, nhất là bức sơn dầu khổ lớn Bình dân học vụ. Về kích thước bức này, giám tuyển Lê Thiết Cương nói: “Đố ai tìm ra bức nào vẽ năm 1955 mà lớn hơn?!”. Anh Bình cho biết, lúc vẽ bức này Lưu Công Nhân mới ở Điện Biên Phủ về và trực tiếp tham gia dạy bình dân học vụ theo kêu gọi của Hồ Chủ tịch.

Họa sĩ Mai Long - bạn cùng học với Lưu Công Nhân kể, riêng Bình dân học vụ, tác giả vẽ nhiều bản cùng nhân vật, bố cục nhưng kích cỡ khác nhau. Bản màu nước hiện gia đình giữ. Theo lời kể của anh Bình, ông Nguyễn Phúc Hưởng vốn là doanh nhân thoạt đầu không có hiểu biết về hội họa nhưng kể từ khi gặp họa sĩ vào 1992 ông đâm ra mê mẩn và dành rất nhiều tiền để mua tới 400 bức tranh trong khoảng 10 năm.

Hiện gia đình họa sĩ còn lưu giữ khoảng 300 tác phẩm mà anh Bình khẳng định là tiêu biểu qua các thời kỳ của ông. Trong 60 năm lao động, Lưu Công Nhân cho ra gần 2.000 bức. Không hẳn vì ông chăm hơn người khác mà vì ông có điều kiện để vẽ. Vợ ông từ khi đi làm nghiên cứu sinh ở Hung đến sau này thành quản lý cấp cao của ngành dược, sau mỗi chuyến công du lại mang đồ vẽ từ nước ngoài về cho chồng vẽ.

Anh Bình kể: “Mấy anh em tôi không theo nghề, có học nhưng bỏ. Cái bóng của cụ lớn quá. Cụ là người làm việc rất nghiêm túc. Trước khi mất, vẫn ngồi xe lăn để vẽ. Không những say mê mà còn lao động nghệ thuật một cách khoa học”. Đơn cử, Lưu Công Nhân ít khi vẽ ký họa như là bản nháp mà cũng là nơi để ông thể hiện phong cách - theo họa sĩ Lê Thiết Cương. Họa sĩ Mai Long kể, Lưu Công Nhân rất muốn quay phim ghi hình lại các bước sáng tác của mình nhưng không có điều kiện.

Chỉ vẽ cái mình thích

Lưu Công Nhân mất gần 10 năm theo đuổi phong cách trừu tượng rồi bỏ. Anh Bình cho hay, những bức trừu tượng đều bị ông xóa sạch. Quan điểm của ông là trừu tượng không hợp với tạng người Việt Nam và cả người châu Á. Anh Bình cho biết thêm: “Những năm 1970 ở Hà Nội, tiếp cận hội họa thế giới rất khó, không có sách báo. Lúc đó vẽ khỏa thân hay trừu tượng hầu như không được ủng hộ mà có thể còn nguy hiểm”.

Thế nhưng nude vẫn là mảng quan trọng trong sự nghiệp của Lưu Công Nhân. Vì sao ông có thể vẽ nude thoải mái trong hoàn cảnh bấy giờ, Lê Thiết Cương lý giải: “Trong số họa sĩ cùng thời, Lưu Công Nhân không có nhu cầu bán tranh, không có nhu cầu triển lãm, không bị câu thúc về họa phẩm. Ông cũng không giữ bất cứ chức vụ gì, không đi làm gì cho ai hay cơ quan đoàn thể nào…”.

Mai Long đánh giá cao mảng sơn dầu và thuốc nước của Lưu Công Nhân. Triển lãm Nét hội tụ được 3/4 bức sơn dầu tiêu biểu của tác giả (một bức nữa đang ở Bảo tàng Mỹ thuật), theo Lê Thiết Cương. Riêng mảng màu nước, Mai Long cho rằng chỉ mới nói lên một phần thành tựu của Lưu Công Nhân.

Điều này cũng dễ hiểu vì đây không hẳn là triển lãm tổng thể mà là chỉ là chọn lọc từ một bộ sưu tập mà thôi. Anh Bình hé lộ lý do các tác phẩm gia đình đang lưu giữ không được xuất hiện: “Sinh thời cụ rất muốn có bảo tàng cá nhân của gia đình. Nhưng lúc gần cuối đời cụ lại bỏ ý định đó đi. Cụ không cho làm bảo tàng cá nhân, dặn gia đình không triển lãm, không in sách. Cụ có thái độ rất lạ lùng, không muốn ai nhắc đến mình nữa. Ví dụ lúc còn sống cụ còn suy nghĩ về cái danh, nhưng thời điểm đó cụ cảm thấy nó phù du”.

Có thể nói đây là thông tin bất ngờ với người yêu hội họa. Nó làm ngay người bạn thân Mai Long cũng phải ngạc nhiên: “Ông dặn gì con cháu tôi không biết. Nhưng theo quan sát của tôi, ông rất phóng khoáng trong chuyện đó. Ông rất thích công bố tác phẩm khi còn sống. Đó cũng là tâm lý của nghệ sĩ nói chung. Tính ông chan hòa. Ngày sống ở Hà Nội gần như tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau, có tác phẩm gì mới, thông tin cho nhau đến chơi, xem, nói chuyện nên rất hiểu nhau…”.

Lê Thiết Cương còn gặp Lưu Công Nhân ở Đà Lạt 10 tháng trước khi ông mất ngày 21/7/2007 cũng không thấy ông bày tỏ ý muốn tương tự anh Bình kể. Ngược lại, ông muốn Lê Thiết Cương tổ chức triển lãm cho mình vào năm sau. Nhưng vì ông qua đời nên 10 năm sau, triển lãm mới thành hiện thực.

Tại tư gia của họa sĩ ở Đà Lạt, Lê Thiết Cương bắt gặp một bức sơn dầu của Lưu Công Nhân còn to hơn cả Bình dân học vụ. Nhưng mới đây đến thăm bộ sưu tập của nhà Đức Minh tại TPHCM, anh đã thấy bức tranh nằm đó... Vì sao Lưu Công Nhân bỗng dưng đưa ra quyết định lạ lùng về số phận những tác phẩm quan trọng của mình, chắc chỉ những người kề cận với ông lúc lâm chung mới rõ. 

“Sinh thời cụ rất muốn có bảo tàng cá nhân của gia đình. Nhưng lúc gần cuối đời cụ lại bỏ ý định đó đi. Cụ không cho làm bảo tàng cá nhân, dặn gia đình không triển lãm, không in sách. Cụ có thái độ rất lạ lùng, không muốn ai nhắc đến mình nữa. Ví dụ lúc còn sống, cụ còn suy nghĩ về cái danh, nhưng thời điểm đó, cụ cảm thấy nó phù du”.

Anh Lưu Quốc Bình

Ngoài thuận lợi đặc biệt về hoàn cảnh, còn phải kể bản lĩnh và lựa chọn của nghệ sĩ. Họa sĩ Mai Long nói: “Tôi tâm đắc quan điểm của Lưu Công Nhân: mình phải vẽ điều mình thích, mình cảm nhận, rung động. Chứ không vẽ theo định hướng nếu không phù hợp với mình. Ngay đề tài kháng chiến, ông không vẽ chiến trường mà vẽ chú bé đeo súng gỗ. Độc lập sáng tạo, không bị gò bó vào khuôn khổ - cái đó rất đẹp với nghệ sĩ. Bản lĩnh nữa. Trong một xã hội rất nhiều cái không “mở” hẳn, ông đã tư duy được như thế. Ông rất nhất quán chứ không phải sau này mới trưởng thành”.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.