“Bí mật núi Brokeback” trên đường gặt hái Oscars

“Bí mật núi Brokeback” trên đường gặt hái Oscars
TPCN - Ennis Del Mar là một chàng trai ít lời, thuộc lớp người tay trắng, bị xã hội vầy vò đến như tê liệt.
“Bí mật núi Brokeback” trên đường gặt hái Oscars ảnh 1
Một cảnh trong phim "Bí mật núi Brokeback"

Anh làm thuê hết trang trại này đến trang trại khác, hết khu chăn nuôi này đến khu chăn nuôi khác trên các đồng cỏ miền Tây Hoa Kỳ.

Năm 1961, anh được thuê chăn một đàn cừu với một chàng trai khác tên là Jack Twist, vốn là một chuyên gia trong các hội đánh dấu súc vật. Hai người cho cừu lên ăn cỏ trên núi Brokeback giữa xung quanh phong cảnh mỹ lệ trữ tình. Ennis lặng lẽ bao nhiêu thì Jack bột phát bấy nhiêu.

Trong những ngày tháng cùng trông đàn cừu với Jack, Ennis thổn thức không nguôi về tuổi thơ buồn tủi của mình: Mồ côi quá sớm, anh bị bỏ mặc cho số phận lênh đênh.

Trên núi cao vắng lặng, qua các đêm càng ngày càng lạnh, anh dần dần thân thiết với Jack. Một đêm, giữa bốn bề băng giá đến thấu xương, anh nhớ lời rủ của Jack, đã đến lều trú đêm của bạn.

Hoàn toàn bất ngờ, và không sao nhận thức được hành động của mình, hai chàng trai làm tình với nhau một cách điên cuồng và càng háo hức hơn vì chính họ cũng lấy làm lạ.

Hôm sau, Ennis nói rằng: “Đó là chuyện vớ vẩn chỉ xảy ra một lần”. “Phải”, Jack đáp lại. Song hết mùa lên núi, khi chia tay, Ennis lẩn vào chỗ kín, cay đắng khóc một mình.

Từ bấy, mỗi người theo con đường riêng, tuy đều cố gắng sống đúng như thói đời đòi hỏi: lấy vợ, sinh con đẻ cái, ổn định công việc. Ennis vẫn sống nghèo khổ với việc đổi mồ hôi lấy miếng ăn cho mình và vợ con.

“Bí mật núi Brokeback” trên đường gặt hái Oscars ảnh 2
Ang Lee (phải), Diana Ossana (giữa, đồng tác giả kịch bản) và James Schamus, nhà sản xuất trung thành của Ang Lee, trong Lễ nhận Quả cầu vàng 2006

Jack qua hết hội đánh đấu súc vật này đến hội đánh đấu súc vật khác, đây là môi trường mà đồng tính luyến ái là một tật xấu bị trừng phạt bằng cái chết. Thế nhưng, tình yêu không tàn lụi trong lòng mỗi người.

Tình cờ gặp lại bốn năm sau, họ hôn nhau đắm đuối như những người tình thực sự. Cuộc ngoại tình kỳ lạ vậy là  chính thức bắt đầu. Có điều, mỗi năm họ lấy cớ “đi câu giải trí” để rút khỏi cuộc sống tầm thường hàng ngày, lên núi Brokeback hưởng hai kỳ nghỉ cuối tuần hạnh phúc mỹ mãn.

Chuyện vụng trộm ấy kéo dài gần hai mươi năm. Rồi Ennis nhận được tin Jack đã lìa đời. Thế là hết: “Tôi không là gì cả, tôi không là ai cả”, anh thì thầm.

Từ tình yêu điên rồ, đột ngột, mãnh liệt và không tự giác, chỉ còn lại nỗi đau ám ảnh của thời đã mất. Đoạn kết của phim thật nhói lòng. Ở tuổi trên bốn mươi, Ennis sờ vào chiếc áo sơ mi của bạn tình đã mất.

Ánh sáng mầu xám, thời gian mông lung, bối cảnh xoàng xĩnh. Qua cửa sổ, anh nhìn chăm chăm đồng cỏ. Song nào thấy gì đâu, nếu không chỉ là gió bụi.

Gần hai mươi năm, anh và Jack phải che giấu mối tình đích thực của mình, để không trái với ước lệ xã hội. Tâm trạng này là phổ biến ở mọi nơi, mọi thời.

Con người không dám là chính mình, ấy là do cái vòng kim cô của xã hội. Đây là xã hội Mỹ những năm 60 và 70 thế kỷ trước, xã hội bị gặm nhấm bởi những vẻ ngoài dối trá và những cố chấp nguy hại.

Cho nên, chuyện phim của Bí mật núi Brokeback không dừng lại ở đồng tính luyến ái, một vấn đề nóng bỏng hiện nay khi mà ngay ở Hoa Kỳ, người ta không những không chấp nhận hôn nhân đồng tính như ở Hà Lan hay Vương quốc Anh mà còn căm ghét người đồng tính đến mức sẵn sàng giết chết họ.

Tình hình cũng đại loại như vậy tuy nhẹ nhõm hơn, ở nhiều quốc gia. Trong phim, sau khi yêu nhau, Jack đã nhiều lần bàn bạc và thuyết phục Ennis cùng bỏ trốn, xây dựng cuộc sống riêng cho hai người. Song Ennis không nghe và sau hết thì gạt bỏ hẳn ý đồ của Jack.

Sức mạnh ghê gớm của tình cảm yêu đương đã phải khuất phục quy ước xã hội, bất chấp tính phản khoa học và vô nhân đạo của những quy ước ấy.“Con người luôn sợ là chính mình.

Con người luôn nhớ tiếc không được sống cuộc đời đáng phải sống”. Cảm nhận có tính khám phá này mới là giá trị chủ yếu của bộ phim, hay đúng hơn là của truyện ngắn cùng tên mà nó chuyển thể.

Truyện ngắn ra đời năm 1999, lúc tác giả của nó, nữ văn sỹ Hoa Kỳ Annie Proulx, đã 64 tuổi. Được coi là một “nữ cao bồi” trong văn học Mỹ do quá am hiểu miền Tây, bà viết tác phẩm hoàn hảo nhất này một cách trần trụi, không quá thống thiết, không hoa hòe hoa sói, đặc biệt khác hẳn trông đợi của độc giả đối với loại truyện cao bồi hay phim chinh phục miền Tây. Nó là một phát súng thần bắn vào truyền thống Hoa Kỳ.

Khi được đọc cho nghe, đạo diễn Mỹ Ang Lee gốc Hoa (vốn trước là Lý An) bật khóc nức nở. Năm 2000, kịch bản chuyển thể do Larry McMurtry và Diana Ossana cùng viết hoàn thành. Ang Lee không cần trao đổi thêm với nhà văn Annie.

Ông hối hả tìm đọc cái tài liệu liên quan đến các thế hệ cao bồi (cow boy, người trông coi súc vật chăn thả trên đồng cỏ), đặc biệt là các cuộc trả  lời phỏng vấn của họ.

Ông cũng đến nhiều địa điểm ở miền Tây, đến núi Brokeback để tìm hiểu thực địa. Được nhà sản xuất thân thiết James Schamus ủng hộ nhiệt tình, ông chọn diễn viên và các cộng sự, rồi tiến hành thực hiện bộ phim ở miền tây Canada...

Ông phải đắn đo xử lý vô số trường hợp bất ngờ để cho bộ phim thống nhất và mới lạ. Ví dụ, các cảnh hồ nước với cây rừng vốn khá quen thuộc với khán giả Mỹ.

Ông cố ý thêm vào những nét nhạc hoặc đượm buồn ảo não hoặc phấn chấn hân hoan, nên khán giả bỗng như được thấy những cảnh tượng ấy lần đầu.

Được chiếu tranh giải ở Liên hoan phim quốc tế Venise 2005, Bí mật núi Brokeback chấn động mạnh dư luận, không chỉ trong Liên hoan, và đoạt Sư tử vàng một cách xứng đáng.

Nó còn giành được những giải thưởng quan trọng nhất của Điện ảnh Hoa Kỳ. Ví dụ, đầu năm nay, ngày 9 tháng Giêng, nó được Hiệp hội phê bình điện ảnh Mỹ và Canada suy tôn là bộ phim hay nhất năm, Ang Lee được Hiệp hội bầu chọn là đạo diễn xuất sắc nhất. Danh hiệu này cũng được Hội đạo diễn  Hoa Kỳ tặng cho Ang Lee.

Ngày 16/1/2006, nó được trao bốn Quả cầu vàng, cho bộ phim, đạo diễn, kịch bản và bài hát trong phim. Cho giải thưởng được trông đợi nhất, Oscar, Bí mật núi Brokeback được để cử tám mục, trong đó có Oscar cho phim, đạo diễn và diễn viên nam chính.

Không chỉ ở Hoa Kỳ, giới chuyên môn và công chúng điện ảnh đều đinh ninh nó sẽ đoạt Oscar quan trọng nhất là Oscar phim hay nhất năm nay...

Về doanh thu, dường như người ta không chú ý mấy đến khía cạnh này. Chỉ biết sau hai tuần phát hành tại 69 rạp ở Mỹ, nó đã  lọt vào nhóm 10 phim ăn khách nhất.

Nếu theo tỷ lệ doanh thu/ rạp chiếu, nó lãi gấp đôi King Kong và gấp 18 lần Hary Potter và chiếc cốc lửa. Hiện giờ, nó mới được chiếu tại 400 rạp ở Hoa Kỳ.

Đáng ngạc nhiên là nó đã bị từ chối ở một số rạp ở đây. Thậm chí, có rạp đã treo biển lịch chiếu, nhưng đến giờ chót, bộ phim bị rút đi. Lý do chính là ở những địa phương này như bang miền Tây Utah, vẫn còn những thế lực phản đối đồng tính luyến ái và tẩy chay những tác phẩm nghệ thuật kiểu này.

Thực ra, Bí mật núi Brokeback không phải phim đồng tính luyến ái, mà là phim về thân phận những kẻ nghèo hèn, thân phận những lớp người dưới đáy xã hội. Nó tố cáo sự lì lợm của một xã hội bảo thủ, không chịu thay đổi để mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân lao động vốn đông đảo nhất trong mọi cộng đồng...

Sinh năm 1954 ở Đài Loan, Lý An rất mê điện ảnh và mơ ước được làm phim ở Hollywood. Do phải đi nhà thờ thường xuyên từ bé, ông mau chóng nhận ra một ách nô dịch tinh thần.

Đó là muốn tồn tại, người ta phải tránh là mình. Cho nên, khi còn ở đài Loan, ông cảm thấy bức bối và luôn luôn phải tự gò bó. Từ đầu những năm 1970, ông được sang học đạo diễn ở Mỹ.

Học xong, năm 1978, ông ở lại đây, đổi tên là Ang Lee, lập gia đình, thường trú ở New York. Tại Mỹ, ông không nguôi được cảm giác mình là một người  xa lạ.

Ông được biết đến với những phim Phù rể (1993), Thịt muối tẩm đường (1994), Lý và tình (1995), Bão lạnh (1997). Ngọa hổ tàng long (2000) khiến ông nổi tiếng toàn cầu.

Bộ phim thứ mười, Bí mật núi Brokeback, là thành công ngoạn mục nhất của ông... Đáng quý là Ang Lee, tuy sống và làm việc xa quê hương, vẫn giữ lại được rất nhiều chất á đông, chất Trung Quốc, chất nghệ thuật cổ điển.

Ông không chạy theo các mốt thời thượng, mà bao giờ cũng ý nhị, giữ gìn, “nói ít hiểu nhiều”. Một đạo diễn khác sẽ rất dễ đưa nhiều tình dục và bạo lực vào Bí mật núi Brokeback.

Còn Ang Lee, ông không đưa ra những cảnh ái ân trần trụi và chỉ gợi ý để người xem nắm được. Chính bản lĩnh nghệ thuật ấy làm cho sức lay động của phim càng thêm dữ dội đến nỗi không ít khán giả và nhà phê bình coi đây là một trong những bộ phim hiếm hoi gây ra nhiều cộng hưởng đa dạng, dồn dập đến vậy trong tâm trí người xem.

Trần Khải Ca với triết luận sử thi, Trương Nghệ Mưu với hồn quê muôn đời, Ang Lee Lý An với thân phận dân thường, ấy là ba cột trụ của Lâu đài điện ảnh Trung Hoa vậy.

MỚI - NÓNG