Bí mật trường nam sinh lừng danh Sài Gòn

Bí mật trường nam sinh lừng danh Sài Gòn
TP - Mùa hè năm Petrus là cuốn sách thú vị và cảm động về thời đi học của các nam sinh lớp đệ tứ (tương đương lớp 9 ngày nay) trường Petrus Ký ở Sài Gòn những năm 1960. Tác giả Lê Văn Nghĩa, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Cười, từng học ở ngôi trường lừng danh này.

> Lê Văn Nghĩa - Azit Nexin Việt Nam
> “Chuyện chán phèo” không chán

Nhà văn Lê Văn Nghĩa đang diễn một trò ảo thuật nhỏ trong buổi giao lưu với học sinh trường Hà Nội Amsterdam tháng 11/2013. Ảnh: N.M.Hà
Nhà văn Lê Văn Nghĩa đang diễn một trò ảo thuật nhỏ trong buổi giao lưu với học sinh trường Hà Nội Amsterdam tháng 11/2013. Ảnh: N.M.Hà.

Lê Văn Nghĩa coi thời gian học ở Petrus Ký (1965-1972) là quãng đời đẹp nhất của mình mà ông gọi là “năm Petrus”. Vì thế mà ông đặt tên tác phẩm dày nhất và không phải văn trào phúng của mình là Mùa hè năm Petrus. Bất chấp việc đặt tên “riêng tư”, hơi khó hiểu có thể phần nào khiến độc giả khó tiếp cận tác phẩm lúc ban đầu.

Bởi ông quá mê trường ông học. Mà không mê sao được, vì đây là ngôi trường hàng đầu Nam kỳ lục tỉnh, đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho đất nước. Cuốn sách sẽ cung cấp những bằng chứng cụ thể về nét hấp dẫn của ngôi trường. Đó là các thầy cô giáo giỏi, tâm lý, hết lòng với học trò.

Việc đào tạo không chỉ chuyên sâu văn hóa mà còn chú trọng các môn nghệ thuật, hoạt động ngoại khóa. Mỗi lớp bầu ra một trưởng ban báo chí để lo làm báo. Nếu là báo cấp trường có thể đem bán cho trường khác. Lại có cả trưởng ban xã hội chuyên lo đi quyên góp từ thiện.

Các học sinh ra tranh cử ban đại diện cũng lên kế hoạch đi thuyết phục “cử tri” y các ông nghị xịn. Các nhân vật dù đang học lớp 9 nhưng xem ra độ già dặn và chín chắn phải ngang với học sinh trung học ngày nay nếu không nói là hơn.

Học sinh Petrus Ký cực kỳ có ý thức dân tộc. Họ thành lập ban nhạc toàn các cây đàn dân tộc thi thố với các ban nhạc hippi chơi lại nhạc Mỹ thời bấy giờ và đã giành được sự tán thưởng của khán giả trong một kỳ đại nhạc hội. Tình hình chung là giới trẻ thời đó cũng chơi nhạc Mỹ, xem phim Mỹ chẳng khác giờ là bao.

Bí mật trường nam sinh lừng danh Sài Gòn ảnh 2

Một động lực khiến các nam sinh thời bấy giờ phải học tốt bởi nếu trượt tốt nghiệp sẽ phải đi lính. Bản thân tác giả cũng sớm rời mái trường đi hoạt động cách mạng. Tuy nhiên đó là chuyện về sau. Mùa hè năm Petrus dành trọn vẹn để nói về thời học sinh vẫn vô tư với những câu chuyện hết sức “đời thường”.

Tác giả không né tránh những góc tế nhị của tuổi mới lớn, tạo nên những trang viết thật, sinh động. Đặc biệt là thời nam nữ học riêng trường, thì câu chuyện của các nam sinh về thế giới nữ sinh càng thêm háo hức với màu sắc huyền bí.

 Đọc sách thấy không khí trường ốc ấm áp tình bạn bè, thầy ra thầy trò ra trò và người thầy được kính trọng- một Sài Gòn thật êm đềm, khác với điều mình vẫn hình dung về Sài Gòn lúc nào cũng sôi sục, tranh đấu 

Nhà văn Lê Minh Khuê

Đan xen là các thân phận học trò. Nổi bật là mấy nhân vật: Thạch, Dũng, Mai… Thạch chịu chơi, hết lòng vì bạn. Dũng giỏi Văn, phụ ba ở nhà in báo nên có dịp giao du với nhiều văn sĩ. Đích thân nhà văn Sơn Nam đã đến tận trường để thanh minh cho Dũng vì cô giáo không tin nổi những câu chuyện Dũng kể về ông trong giờ thuyết trình. Mai nhà nghèo, có năng khiếu diễn kịch, trong một phút yếu lòng đã ăn trộm sách ở hiệu sách…

Lê Văn Nghĩa kể: “Khi đi học, tôi mơ trở thành diễn viên kịch nói thậm chí nhà ảo thuật. Khi lớn tuổi bỗng dưng đi vào con đường văn, báo”.

Chưa rõ nhân vật nào trong truyện mang nhiều bóng dáng của tác giả hơn. Ông cho hay tất cả các nhân vật trong truyện đều là hư cấu, trừ tên thật của các thầy cô. Tác giả xem đó như lời tri ân muộn màng khi ở tuổi 60 bỗng nhận ra những giá trị được thừa hưởng từ thầy cô và mái trường. Truyện còn thấp thoáng bóng dáng thời trẻ của các nhân vật không hư cấu như Lưu Hữu Phước, Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Chánh Tín, Chế Linh…

Để viết được một cuốn tổng tập về học trò Petrus Ký, Lê Văn Nghĩa đã tập hợp nhiều tư liệu từ bạn bè trong và ngoài trường. Ông mang ý thức của người chép sử khi luôn cố gắng miêu tả chân thực, chi tiết về đời sống học trò nói riêng và đời sống Sài Gòn nói chung. Các nhà ngôn ngữ sẽ tìm thấy nhiều cách dùng từ của Sài Gòn những năm 1960 được Mùa hè năm Petrus lưu giữ nguyên vẹn.

Nhà văn của trường Petrus Ký, dù là một nhà văn hạng bét, phải thổi được cái hồn Petrus Ký đó cho mọi người, để ai đi ngang ngôi trường này cũng phải ngước nhìn, để mọi học sinh, khi đã già đều tự hào với con cháu rằng ta đã là học sinh ngôi trường ấy… Ít nhất đó là cái hồn, phần bí mật, chìm ẩn mà nhà văn của trường Petrus Ký phải viết trong những tác phẩm của mình cho bằng được.

                                           (Trích Mùa hè năm Petrus của Lê Văn Nghĩa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG