Bí mật về Picasso vừa mới được khám phá

Bí mật về Picasso vừa mới được khám phá
TPCN - Danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso (1881 - 1973), một trong những nghệ sỹ vĩ đại nhất thế kỷ XX. Tên tuổi ông gắn liền với một bức tranh thuộc số những kiệt tác kỳ lạ nhất, Guernica.
Bí mật về Picasso vừa mới được khám phá ảnh 1
Picasso và Dora Maar   

Đầu năm 1937, Chính phủ Tây Ban Nha do phái Cộng hoà nắm giữ đặt Pablo Picasso vẽ một tấm panô tường để đem trưng bầy ở Hội chợ triển lãm quốc tế sắp diễn ra ở Paris.

Ông đang thai nghén tác phẩm, thì xảy ra cuộc ném bom ngày 26/4 cùng năm xuống thành phố Guernica xứ Basque do không quân phát xít Đức tiến hành theo yêu cầu của phái dân tộc chủ nghĩa Franco (năm sau, phái này chiến thắng, cuộc nội chiến Tây Ban Nha chấm dứt và từng bước một, nước này chìm vào một chế độ độc tài hãi hùng).

Guernica có trên 10.000 dân, mà hơn 2000 người thiệt mạng. Picasso bị chấn động mạnh, quyết định lấy thảm họa này làm đề tài cho bức tranh tương lai.

Sau khoảng ba tháng làm việc cật lực, Pablo Picasso hoàn thành bức tranh sơn dầu khổng lồ (349 x 777cm), trên đó chen lẫn hình người và hình vật bị bom đạn nghiền nát.

Nổi bật là bộ mặt đau đớn của các phụ nữ, là con bò tót, biểu tượng của sự bạo tàn mù quáng, là con ngựa, biểu tượng của nhân dân, trong khi chim bồ câu, biểu tượng của tự do, thì bị trọng thương.

Bức tranh gây tiếng vang lớn ở Hội chợ triển lãm quốc tế Paris. Sau đó, nó được lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York. Pablo Picasso thì mong nó được trở về Tây Ban Nha, với điều kiện là dân chủ được khôi phục.

Mãi ngày 10/ 9/1981, nó mới được chuyển về Madrid. Không biết từ bao giờ, lan truyền rộng rãi một giai thoại về bức tranh Guernica.

Trong Đại chiến II, bấy giờ Pablo Picasso không chịu chạy sang châu Mỹ theo lời khuyên của nhiều người mà vẫn ở lại Paris (ông sống chủ yếu ở Pháp từ năm 1904), một sĩ quan Đức đến thăm xưởng vẽ của ông ở phố Grands - Augustins. Hắn trỏ vào một tấm ảnh chụp bức tranh Guernica và hỏi ông: “Ông vẽ cái này à?”. Câu trả lời thật đanh thép: “Không, các ông”.

Sự thật, từ khi chiếm nước Pháp, phát xít Đức cấm Picasso triển lãm tranh, vì cho rằng ông là một họa sĩ “suy đồi”, tác phẩm của ông “độc hại”.

Điều này càng chứng minh giá trị tố cáo chiến tranh và sự hung bạo  trong Guernica nói riêng và các tác phẩm của nhà danh họa trước và trong chiến tranh thế giới thứ hai nói chung, cụ thể là từ năm 1935 đến 1945.

Bí mật về Picasso vừa mới được khám phá ảnh 2
Bức tranh Người đàn bà khóc

Giai đoạn này, Picasso sáng tác được nhiều tác phẩm nhất, các tác phẩm cũng giàu ý nghĩa nhất.

Riêng tầm vóc và lai lịch của Guernica, lại đến từ một bất ngờ ít ai nghĩ tới. Mùa thu năm 1935, tại quán Café Deux Magots ở Paris, Picasso chú ý đến một phụ nữ trẻ tóc đen óng ả, cặp mắt đằm thắm.

Cô chơi một trò lạ kỳ là phóng một mũi dao con vào giữa hai ngón tay đi găng choẽ ra trên bàn. Cô thường phóng hỏng và hai ngón tay bị thương nhiều lần.

Picasso hỏi bạn là nhà thơ Pháp Paul Eluar. Nhà thơ quen cô nên giới thiệu hai người. Khi Picasso khen cô bằng tiếng Tây Ban Nha với một bạn đồng hương, cô gái liền đáp lại ông bằng tiếng Tây Ban Nha thứ thiệt.

Sự am hiểu thấu đáo văn hoá Tây Ban Nha và cộng đồng ngôn ngữ này là nền tảng đầu tiên của sự quý trọng lẫn nhau giữa hai người. Cô gái đó là Dora Maar, sinh năm 1907, cha là kiến trúc sư người Séc, mẹ là người Séc gốc Pháp.

Cô đến Paris, mơ ước làm họa sỹ, nhưng lại học nhiếp ảnh. Cô là một nguồn cảm hứng của các nhà siêu thực, là bạn của họ. Tuy còn trẻ, cô vẫn chủ trương rằng là nghệ sỹ thì phải dấn thân, phải nhập cuộc.

Quen nhau rồi, Dora Maar mời Picasso đến làm mẫu ở phòng ảnh của cô. Rồi cô tìm cho ông một xưởng vẽ như nói bên trên và chấp thuận làm mẫu cho ông.

Tình yêu đến lúc nào không biết, tuy cô đã có bạn tình và ông đã có vợ con. Phẩm chất mà ông thích nhất ở cô là sự thẳng thắn, cá tính mạnh mẽ. Ông luôn coi cô như một đấng nam nhi.

Cô đã thay đổi hẳn thế giới quan của ông. Không chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, giờ đây, dưới tác động tự phát của cô, ông không dửng dưng với chính trị và thời cuộc nữa.

Nếu không có điều này, liệu ông có quan tâm đến một đề tài như Guernica được chăng? Không những thế, ông còn thấm nhuần lý tưởng cộng sản như cô, tình nguyện gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1944, để cho “trên đời bớt những người khốn khổ”.

Tuy vậy, hẳn ông chưa hiểu hết cô hay không thắng nổi thói thường của phái mày râu, năm 1943, khi được giới thiệu một nữ sinh viên hội họa vừa tốt nghiệp, ông lạnh nhạt dần và chia tay cô tháng 4 năm 1944.

Từ đấy, Dora Maar sống cuộc sống ẩn dật giữa lòng Paris đô hội. Cô hầu không giao tiếp với ai, trừ nhà tâm lý học Lacan giúp chữa trị cho cô bệnh trầm uất khiến cô gần như bị điên. Cô vẫn vẽ tranh và làm ảnh.

Đáng buồn, Picasso vẫn không quên được cô, thỉnh thoảng tìm đến thuyết phục cô đến làm mẫu cho mình. Dĩ nhiên, cô từ chối và ông nặng lời xúc phạm.

Chuyện ấy tái diễn cho đến khi Picasso hiểu ông vượt quá giới hạn và không dám đến nữa. Một hôm, cô nhận được một bưu kiện lớn và rất nặng, được bọc gói quá kỹ càng.

Loay hoay mãi, cô mới mở nổi. Đấy là quà của Picasso, một chiếc ghế tựa cũ, không dùng được. Tuy vậy, cô không vứt nó đi mà giữ nó làm kỷ niệm.

Từ khi “trốn đời”, cô đặc biệt sùng đạo, cầu nguyện triền miên. Ai nhắc đến chuyện xưa, cô nói: “Sau Picasso là Chúa”. Nhiều năm sau, khi gần lìa đời, cô thường tâm sự: “Picasso không phải người tình của tôi. Ông chỉ là thầy”.

Thế nhưng, dù đời sống vật chất thường xuyên chật vật, Dora Maar vẫn không chịu bán bất kỳ tác phẩm nào mà Picasso sáng tác về bà. Bà cũng giữ kín nhiều kỷ vật khác quan hệ đến chuyện tình cảm hai người.

Năm 1997, bà tạ thế, người ta mới được biết nhiều tác phẩm của bà. Nhiều bí mật được phát hiện. Ví như bà hiện diện trong nhiều loạt tranh của ông, mà nổi tiếng nhất là loạt Người đàn bà khóc, trong đó bà được coi như là hiện thân của bi kịch phụ nữ, bi kịch con người.

Nhiều bức tranh Picasso để lại cho bà được đem bán đấu giá. Năm 1999 chả hạn, Chân dung Dora trong một khu vườn (vẽ 1938) bán được tới 49,5 triệu USD.

Bà là người tình tâm đắc nhất của Picasso nhưng lâu nay bị coi như một vụ “léng phéng” nhất thời. Bà là một nghệ sỹ tài năng, có hồn đích thực, nhưng bị lãng quên một cách bất công gần một thế kỷ...

Đinh Thủy Hương tổng hợp

MỚI - NÓNG