Bia quý về Lưỡng quốc Trạng nguyên: 10 năm lận đận

Bia quý về Lưỡng quốc Trạng nguyên: 10 năm lận đận
Dựng bia là một việc làm chính đáng, vừa bảo vệ được di tích vừa phù hợp với nguyện vọng của người dân. Thế nhưng, phòng VHTT huyện Nam Sách, Hải Dương lại cố tình làm ngơ.

Năm 1993, người dân Linh Khê phát hiện một bia đá hình vuông cao 2 m, rộng 0,5 x 0,5 m tại khu vực ao làng. Người dân Linh Khê thấy đây là bia đá quý nên đã đưa lên bờ; lãnh đạo thôn cho dịch bia và báo cáo sự việc lên UBND xã.

Nội dung tấm bia cho thấy đây chính là di tích Trạng nguyên Cổ đường (nhà dạy học của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi), là một trong 8 di tích cổ của huyện Chí Linh thuộc phủ Nam Sách xưa.

Năm 1342, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về đây dựng trường dạy học, tuyển chọn nhân tài. Hiện, tại đây vẫn còn lại 5 sập đá lớn và một án thư.

Nhân dân trong thôn vẫn còn lưu giữ 1 bia tráp có niên đại Cảnh Thống Kỷ Mùi niên (1499). Toàn bộ công trình nằm trên diện tích 5.000 m2, nhưng vì có nhiều hộ dân đã được chia đất để ở nên chỉ còn 1.000 m2.

Từ năm 1993 đến nay, nhân dân địa phương đã tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng để tu bổ các di tích này.

Sau khi thấy rõ giá trị của bia Chí Linh Bát Cổ, ngay từ năm 1993, UBND xã Thanh Quang đã nhiều lần gửi tờ trình lên Phòng VHTT huyện Nam Sách nhưng không hề nhận được văn bản hướng dẫn nào.

Tờ trình ngày 17/8/1999 của UBND xã Thanh Quang, sau khi đến tay ông trưởng phòng VHTT huyện chỉ được phê mấy chữ: “Đề nghị UBND xã Thanh Quang có điều kiện lên Viện Hán Nôm để xin bản dịch bia của Viện sau đó về bàn các việc tiếp theo”.

Yêu cầu này là quá khó, vì Viện Hán Nôm không thể nhận dịch bia theo nguyện vọng của người dân. Cuối cùng, thôn Linh Khê phải nhờ một cán bộ Bảo tàng tỉnh Hải Dương dịch.

Từ đó đến nay, di tích trên luôn nằm trong tình trạng “vô chủ”, không cấp nào đứng ra quản lý. Trong khi, các di tích khác cùng nằm trong vùng quần thể này đã được Bộ VHTT cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Lý - Trưởng ban thông tin xã bức xúc: “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng phòng VHTT huyện Nam Sách vẫn dửng dưng. Hơn 10 năm qua, chúng tôi gửi nhiều tờ trình về khu di tích Trạng nguyên cổ Đường nhưng đều rơi vào im lặng”.

Ông Nguyễn Viết Khơi - Trưởng thôn Linh Khê cho biết: “Nếu huyện cứ im lặng mãi thế này có khi chúng tôi phải “liều” mà xây bia để bảo quản. Nếu không, những tấm bia quý giá này sẽ bị mờ đi”.

Thật ra, tháng 8/1998 người dân thôn Linh Khê đã nhận được bản dịch bia và bản thiết kế nhà bia Chí Linh Bát Cổ do Bảo tàng tỉnh Hải Dương thực hiện.

Động thái này khiến họ hết sức phấn khởi, tưởng sẽ được dựng bia. Nhiều hộ đã tự nguyện đóng góp tiền để chính quyền tôn tạo, bảo vệ di tích quý báu này.

Thế nhưng, người dân thôn Linh Khê đã “mừng hụt” khi bà Trần Thị Lê - cán bộ phòng VHTT huyện Nam Sách về đọc “lệnh”: “Cấm địa phương không được xây dựng bia!”.

Nhiều người cao tuổi trong làng không hiểu vì lý do gì mà huyện lại không cho phép người dân dựng bia, trong khi huyện không phải bỏ ra một “xu” nào.

Nhiều lần họp bàn nhưng người dân và chính quyền thôn Linh Khê cũng không biết phải làm gì vì đã có “trát” cấm dựng bia của huyện.

Để tìm hiểu nguồn gốc và giá trị của bia cổ, chúng tôi đã gặp và làm việc với ông Đặng Đình Thể - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Ông Thể cho biết: “Mấy năm trước, tôi đã từng về thăm di tích này. Theo bản dịch bia của Bảo tàng tỉnh thì tháng 11 năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) bia bắt đầu dựng tại gò Hạc, Linh Khê.

Tháng 6 năm Nhâm Tuất Hoàng triều Gia Long nguyên niên (1802) bia hoàn thành. Về sau, lấy ngày 15 tháng 8 là ngày khánh hạ để cho người đời thưởng thức.

Tám bài thơ nói về tám di tích cổ được khắc trên tấm bia trên gồm: 1. Trạng nguyên Cổ đường (nhà dạy học của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi); 2. Tiều ẩn cổ bích (Nhà cổ của Tiều ẩn tiên sinh - tức Chu Văn An); 3. Dược lĩnh cổ viên (Vườn thuốc cũ núi Dược Sơn); 4. Nhạn loan cổ độ (Bến đò cũ ở Nhạn Loan); 5. Vân Tiên cổ động (Động cổ của Vân Tiên); 6. Tinh phi cổ thập (Tháp cổ của bà Tinh Phi); 7. Thượng tề cổ trạch (Nhà cổ của quan tể tướng); 8. Chí Linh cổ thành (Thành cổ Phao Sơn ở Chí Linh).

Nhận thấy đây là một di tích quan trọng nên Bảo tàng tỉnh chúng tôi đã gửi mẫu thiết kế nhà bia cho địa phương”.

Trước đó, phóng viên cũng đã làm việc với lãnh đạo phòng VHTT huyện Nam Sách, nhưng có một điều lạ là mặc dù bia cổ đã được phát hiện từ 1993, nhưng tại thời điểm phóng viên về làm việc, sự việc vẫn không được báo cáo lên cấp trên.

Theo ông Nguyễn Xuân Chiến - Trưởng phòng quản lý văn hoá của Sở VHTT, mãi đến 4/2004 lãnh đạo Sở mới biết chuyện và đã lập tức chỉ đạo cho phòng VHTT huyện Nam Sách phải giải trình cụ thể.

Thế nhưng, đến thời điểm này, bia cổ vẫn đang phải “dãi nắng, dầm mưa”; chữ khắc trên bia đang ngày một mờ dần. Điều khiến người dân không hiểu là tại sao họ đã làm mọi thủ tục như yêu cầu của huyện và tự nguyện góp tiền để dựng bia, mà huyện Nam Sách lại cấm không cho xây?

Dựng bia là một việc làm chính đáng, vừa bảo vệ được di tích vừa phù hợp với nguyện vọng của người dân muốn ghi nhận công ơn của cổ nhân. Thế nhưng, phòng VHTT huyện Nam Sách lại cố tình làm ngơ.

Dư luận cho rằng, việc thiếu trách nhiệm của phòng VHTT huyện Nam Sách là do bị “một bàn tay” ngăn cản?

MỚI - NÓNG