Biếm họa lật tẩy giàn khoan

Biếm họa lật tẩy giàn khoan
TP - Sau triển lãm về Trường Sa, giới mỹ thuật lại gặp nhau trong triển lãm tranh biếm họa “Hướng về biển Đông”, khai mạc chiều 30/6 tại Hà Nội.

Sôi sục chủ quyền

Dưới các góc nhìn, màu sắc và biểu tượng khác nhau, đường lưỡi bò, giàn khoan Hải Dương 981 cùng dã tâm của Trung Quốc xuất hiện sinh động. Đó là hình ảnh một người khắp người găm các lá cờ ghi rõ thời Hán, Tống, Thanh, Nguyên, Biên giới 1979, Hoàng Sa 1974, Trường Sa 1988 kèm lời bình: Dân tộc của ngộ không hề có gen xâm lược. Hay tiếng thét của phía sở hữu giàn khoan 981: Tôi muốn giải quyết biển Đông bằng phương pháp ngoại... dao. Bức khác là hình ảnh con cáo thò một chân vào lãnh hải Việt Nam, cầm tàu chiến phun vòi rồng, còn miệng thì la làng: Ối làng nước ôi! Tàu Trung Quốc bị tàu Việt Nam đâm.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cho biết, sau khoảng hơn hai tuần phát động, Ban tổ chức (BTC) nhận được 198 tác phẩm của 48 tác giả. Phòng triển lãm 16 Ngô Quyền hiện diện 80 bức của 38 tác giả.

“Năm bức của tôi cách thể hiện khác nhau, đều bóc trần tình hữu nghị viển vông, lừa phỉnh, xảo quyệt của Trung Quốc bằng 16 chữ. Tôi viết không chỉ bằng tiếng Việt, mà còn cả tiếng Anh nữa, để thế giới và bè bạn biết mặt thật của họ”, họa sĩ Lý Trực Dũng nói.

Bức tranh tâm đắc nhất của tác giả nhận được sự quan tâm đặc biệt của hai khán giả đến từ Đại sứ quán (ĐSQ) Đức. Ở bức Bạn vàng (Bosom friend), Lý Trực Dũng chơi chữ: Thế giới coi Trung Quốc là da vàng, ở đây ông bạn vàng hung hãn có gương mặt in hình lưỡi bò.

Biếm họa đôi khi không cần lời, chẳng cần phiên dịch. Lý Trực Dũng chỉ bức tranh vẽ đàn cá heo. Biểu tượng của hòa bình đang húc đổ giàn khoan Hải Dương 981, bởi “đến loài vật cũng thấy hành động xâm lăng của Trung Quốc là quá đáng”.

Cũng về con vật, Hà Huy Chương lại đưa ra hình ảnh trái ngược: Một con bò tót với hình ảnh tàu lớn phun vòi rồng, đòi húc đổ Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. Ông hài hước bình “Đâm va đệ nhất thế giới, số 1 nhân loại dưới bức tranh Không hổ danh xứ sở. Hay hình ảnh Tử Cấm Thành vươn hai tay dài điều khiển con rối là giàn khoan, trong bức Rối nước Trung Nam Hải.

Danh hiệu nhiệt tình nhất không ai tranh được với Phạm Tấn Phú. Ông gửi 20 bức. Tác giả 85 tuổi này có tranh biếm họa từ thời chống Mỹ.

Đấu tranh không lời

Một trong số khán giả nhí hiếm hoi ngay sau lễ khai mạc là Lý Quang Minh, chăm chú đi quanh phòng. “Cháu thích nhất bức này, bởi vì Trung Quốc coi thường hòa bình thế giới”, cậu học sinh lớp 4 nói, tay chỉ vào tác phẩm Người hai mặt của Chu Đức Tiến- vẽ một kẻ chơi bóng rổ, bằng cách ném hòa bình vào... sọt rác. “Cháu cũng biết sự kiện giàn khoan? /Có chứ ạ”. Nói rồi, cậu đi sang bức tranh gần đó nói thích cả bức này, vì “Trung Quốc thua Việt Nam từ thời đại phong kiến”. Họ muốn dạy cho Việt Nam bài học, thì đây cậu bé học sinh trong tranh chỉ vào bia mộ của những Chi Lăng, Bạch Đằng.

Cháu hiểu biếm họa chứ? “Vâng, cháu thường lên mạng tìm tranh của ông xem. Cháu rất thích học sử, cả Việt Nam lẫn thế giới”, Minh nói thêm. Hóa ra cậu bé là cháu nội của Lý Trực Dũng.

Hỏi sao BTC không đính kèm chú thích tiếng Anh bên một số bức có chữ. “Trước hết triển lãm này dành cho người Việt, chúng tôi muốn người dân hiểu mạch lạc hơn. Khách quốc tế không đọc được chữ Việt, nhưng nhìn một số biểu tượng như đường lưỡi bò, một số hình tượng quốc gia và động tác có thể nói lên rồi”, Trần Khánh Chương lí giải.

Chưa tung hết chưởng

Có nhiều bức “ém” tới tận giờ, từ sự kiện năm 2009, Trung Quốc bắt giữ thuyền Việt Nam rồi đòi tiền chuộc, đánh ngư dân Việt Nam. Năm 2011 cũng có tranh biếm họa về sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh 2. “Tôi rất ngạc nhiên những tranh tốt như thế mà đến giờ mới được triển lãm”, Lý Trực Dũng nói.

Ngay triển lãm này cũng chưa nói hết tâm tư của giới mỹ thuật, nhất là các tác giả biếm họa. Đại diện BTC nói, nội dung không chỉ Hướng về biển Đông mà còn yêu cầu tính nghệ thuật cao, nên nhiều bức chỉ nội dung tốt, không chú trọng nghệ thuật đều không có cửa. Hơn nữa, chính Chủ tịch Hội Mỹ thuật cũng thừa nhận, giới biếm họa chưa thể tung hết chưởng, dù còn nhiều vấn đề sâu sắc hơn mà tranh biếm họa có thể chạm tới.

“Chúng ta đang đấu tranh ở mức độ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan về nước, không xâm phạm chủ quyền, chứ chưa đến mức cao hơn. Thời chống Mỹ, việc vạch mặt chỉ tên trong biếm họa rất rõ, ở đây chỉ được tương đối. Cái khó là dù mục đích đấu tranh kiên quyết, nhưng phải đảm bảo hòa bình, sự phát triển, chủ quyền của đất nước. Thành ra, nhiều khi muốn biếm sâu, cuối cùng phải giữ vừa sâu, vừa đấu tranh đảm bảo phù hợp tình hình, chính sách ngoại giao”, họa sĩ Trần Khánh Chương nhấn mạnh.

Sau chuỗi ba triển lãm tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật gom tất cả tranh vẽ về Trường Sa, tranh cổ động, biếm họa của ba cuộc này trưng bày tại Hải Phòng, khai mạc 30/7, nhằm kỷ niệm 50 năm ngày Hải quân VN đánh thắng trận đầu tiên. Hội còn tham vọng đưa số tranh này đi nhiều tỉnh thành khác.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.