Biển người ở Văn Miếu, ông đồ rởm bị trục xuất

Một số phụ huynh vẫn xui con trẻ vượt rào vào sờ đầu rùa ở Văn Miếu. Ảnh: Nguyên Khánh.
Một số phụ huynh vẫn xui con trẻ vượt rào vào sờ đầu rùa ở Văn Miếu. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Hội Xuân ở Văn Miếu kéo dài từ trước Tết nhưng đạt tới mức đông đúc vào ngày mùng 5 tết, ước khoảng gần 200 nghìn lượt người trong mấy ngày đầu năm.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn là điểm đến đầu năm ưa thích của phần lớn các gia đình, dắt theo con cái đến xin chữ đầu năm. Sáng mùng 5 tết, lượng khách đến Văn Miếu tăng đột biến so với các ngày trước đó, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết. Không tính số khách đến hội chữ ở Hồ Văn vì không thu vé vào cửa, số vé bán ra ở Văn Miếu năm ngày đầu năm khoảng 140 nghìn lượt, cộng với 30-40 nghìn lượt miễn vé cho trẻ em.

Dù lượng khách đổ về Văn Miếu khá lớn nhưng Trung tâm Văn Miếu năm nay bố trí phân luồng giao thông khá hợp lý. Quầy bán vé được lui về bên tay trái cổng vào, tạo thêm đường vòng cung cho du khách xếp hàng mua vé, và qua cổng soát vé. Khách chơi, thăm thú xong có thể ra lối Vườn Giám thay vì quay lại cổng chính như trước nên giảm được một nửa lưu lượng người ở lối vào. Tuy nhiên ông Kiêu cũng nói thêm, bãi đỗ xe trở nên quá tải, là một trong những bài toán đau đầu cho Văn Miếu mỗi dịp hội hè. Lượng người đổ về Văn Miếu bằng hai phần ba lượng khách trẩy hội chùa Hương mỗi ngày, dẫu vậy tình hình an ninh trật tự khá ổn định.

Điều phản cảm nhất ở Văn Miếu lâu nay vẫn vậy: Một số người dân vẫn giữ thói quen phản cảm vượt rào vào sờ đầu rùa. Nhiều ông bố bà mẹ khuyến khích con cái “chui vào nhanh rồi ra”, hoặc “ra phía cuối kia kìa không ai để ý đâu”. Gặp đứa trẻ nghe lời chúng ngây thơ nhanh tay chạm đầu rùa rồi vội vàng leo ra hàng rào. Có đứa trẻ lớn hơn sợ mọi người xung quanh nên nhất quyết không chịu vượt rào, dù bố chúng nhấc bổng người lên. Được biết hàng ngày đều có lực lượng tình nguyện nên ít xảy ra tình trạng này, dịp Tết mỗi bên hai bảo vệ không xuể quản du khách thiếu ý thức. “Tết sang năm chúng tôi rút kinh nghiệm, đề nghị tình nguyện viên dịp tết, bảo vệ tối nào về cũng mất tiếng vì nhắc nhở người dân”. Hỏi một cậu bảo vệ trẻ ở nhà bia sao không nhắc người dân, cậu thở dài “nhắc rồi có được đâu”.

Sau mấy mùa tổ chức Hội chữ xuân ở phía Hồ Văn, BTC đúc rút kha khá kinh nghiệm. Năm nay các lều chữ đều được bố trí ở phía ngoài, không bị khuất nẻo như trước. Mấy ngày trước vừa phải, nhưng mùng 5 tết lượng người đổ về xin chữ tăng mạnh. Các lều chữ có ông đồ già lượng khách thường đông hơn ông đồ trẻ. Tuy nhiên hỏi thư họa gia Lê Quốc Việt, tham gia khảo khí cuộc tuyển chọn ông đồ, anh nói: “Đông nhất là các ông râu dài, tóc bạc, nhưng nhiều khi càng đông càng ẩu, càng sai”. Thư pháp gia Trần Quốc Chí, CLB UNESCO thư pháp Việt Nam cho biết, BTC trục xuất ông đồ Nguyễn Văn Toàn vì “cho mấy ông già không được cấp thẻ ngồi bên cạnh và viết chữ, đã vậy còn viết xấu và sai”.

Không phải ông đồ nào cũng thong thả cho chữ và giải thích cặn kẽ như thư họa gia Lê Quốc Việt. Vừa dùng khăn giấy thấm bớt mực thừa trên giấy đỏ, anh giải thích với cậu bé ngồi chờ rằng đây là “nhất khí”, nghĩa là một mạch, một hơi rất hợp với người giỏi văn. Có những lều ông đồ chỉ việc viết chữ cho khách xếp hàng, xong chữ chuyển cho “đệ tử” ngồi sau dùng mấy sấy tóc hong chữ và đưa trả khách. Ở khu Hồ Văn, mức giá thông thường 150 nghìn đồng cả giấy và công cho chữ, nếu giấy điệp mức giá khoảng 400 nghìn đồng. Còn khu Văn Miếu khách chỉ mất 100 ngàn đồng, nhưng người xin chữ phải tự trải giấy ra sân hong chữ, nếu chữ viết sẵn bày bán ở khu lưu niệm là 50 ngàn đồng.

MỚI - NÓNG