Biến Thành cổ thành không gian nghệ thuật?

Biến Thành cổ thành không gian nghệ thuật?
TP - Trên diện tích 10.000m2 của sân Hậu lâu - Thành cổ Hà Nội sẽ có một lễ hội hoa, trình diễn nghệ thuật truyền thống và trưng bày tranh thêu kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 10- 2010.

Đó là dự án Không gian nghệ thuật Thành cổ do Cty XQ Việt Nam đề xuất thực hiện, vừa được UBND TP Hà Nội chấp thuận. 

Biến Thành cổ thành không gian nghệ thuật? ảnh 1
Tranh XQ sẽ tạo không gian nghệ thuật cho Thành cổ?

Trà, hoa, nhạc, tranh ở Hậu Lâu

Từ ngày 22-4, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã tiến hành bàn giao một phần khuôn viên trước di tích Hậu Lâu trong khu di tích Thành cổ để Cty XQ thực hiện dự án, bao gồm: khu vực cổng bảo vệ, khu đất trống bên phải cổng bảo vệ; sân trước di tích Hậu Lâu.

Dự án được triển khai làm hai giai đoạn: Giai đoạn đầu diễn ra từ nay đến hết tháng 7, nhằm tô điểm thêm khuôn viên trước di tích Hậu Lâu để tổ chức trưng bày những tác phẩm tranh thêu nghệ thuật, lắp dựng vườn hoa, đồng thời sắp đặt rừng hoa và vườn phong lan Tri hữu kỷ.

Giai đoạn hai từ ngày 1-10 đến hết tháng 10 sẽ đầu tư tổ chức tạo dựng không gian lễ hội với tên gọi “Các nghệ nhân thêu phương Nam tiến dâng tặng Đại lễ tác phẩm Ước nguyện ngàn năm Thăng Long.

Theo ý tưởng của dự án, du khách tới Không gian nghệ thuật Thành cổ không những thưởng ngoạn các tác phẩm nghệ thuật của hoa và tranh, mà còn được đắm mình trong thi ca và âm nhạc dân tộc, thưởng thức và tìm hiểu phương thức pha trà truyền thống của người Việt Nam.

Điểm nhấn của Không gian nghệ thuật Thành cổ là lễ rước và trưng bày bức tranh thêu Ước nguyện ngàn năm Thăng Long dài 4m, rộng 3m,  trọng lượng 167,5kg, trong đó chỉ tính riêng số chỉ thêu được sử dụng đã nặng tới 12kg.

Tác phẩm tranh thêu tay khổng lồ này do 9 nghệ nhân thêu XQ thực hiện trong 4 năm qua (từ năm 2006) nhằm tặng Hà Nội nhân dịp cả nước mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Ông Võ Văn Quân - Chủ tịch HĐQT Cty XQ cũng cho biết, kinh phí đầu tư cho dự án là hơn 20 tỷ đồng. Hiện, Cty XQ đã chuyển 5 tấn lan Đà Lạt ra Thành cổ.

Biến Thành cổ thành không gian nghệ thuật? ảnh 2
Tranh XQ sẽ tạo không gian nghệ thuật cho Thành cổ?

Những bài học chưa xa

Một không gian nghệ thuật truyền thống trong Thành cổ nhằm thu hút du khách, cũng như là một hoạt động văn hóa của các tổ chức, cá nhân chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, là điềm mừng.

Tuy nhiên, không ít băn khoăn, thậm chí là mối lo! Bởi nhìn lại một số hoạt động văn hóa từ trước, như các lần lễ hội hoa Hà Nội, sau những sắp đặt bắt mắt về những không gian hoa, trưng bày các loài hoa quí, là những cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp hoa…

Rồi mới đây, để phục vụ cho những cảnh quay đẹp cho phim Trần Thủ Độ, các nhà làm phim đã không ngần ngại xáo trộn nơi thờ vua Nguyễn ở khu di tích cố đô Huế. Vậy, liệu việc san ủi, dựng nhà lắp ghép…có đảm bảo an toàn cho di tích Hậu Lâu, Thành cổ?

Trả lời cho những băn khoăn này, tại cuộc họp báo diễn ra tại Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội khẳng định sẽ không có sự can thiệp thô bạo nào khiến không gian di tích bị phá vỡ.

Những vật liệu mà Cty XQ dùng để lắp ghép tạo không gian nghệ thuật dễ tháo dỡ như gỗ nhẹ và giả gỗ, phù hợp với lễ hội. Cty XQ cũng đã ký kết văn bản tuân thủ nghiêm ngặt quy định của BQL di tích.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, mặt bằng của khu Thành cổ chưa ổn định từ sinh thái đến kiến trúc, nên ông tin tưởng rằng, bằng nguồn lực và kinh nghiệm trưng bày nghệ thuật của Cty XQ sẽ tạo nên một không gian đẹp cho Thành cổ. Hơn nữa, dự án mang lại lợi ích là trưng bày, tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và doanh nghiệp cũng được biết tới.

Nhưng cả BQL và Cty XQ chưa đưa ra được các biện pháp khả thi đảm bảo an toàn cho di tích trong trường hợp nơi đây thu hút đông đảo du khách trong những ngày lễ hội. Chủ dự án cho biết, tới đây, du khách không chỉ ngắm tranh, mà còn có thể mua tranh. 

Theo chủ dự án, Không gian nghệ thuật Thành cổ được 28 thành viên là các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử văn hóa, nhà quản lý Hà Nội thẩm định và thông qua. Đứng đầu Hội đồng thẩm định là GS Phan Huy Lê và GS Lưu Trần Tiêu.

Gọi điện hỏi GS sử học Lê Văn Lan về Không gian nghệ thuật Thành cổ, ông bức xúc: Tôi không biết người ta làm thế để làm gì trong khi Hoàng thành đang được đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Tôi là thành viên của Hội đồng di sản mà không được ai hỏi ý kiến.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.