Biến thiên nhịp sống tĩnh lặng của người Huế

Hơn 100 sinh viên, họa sĩ cùng nhau vẽ bức tranh trên lòng đường dài hơn 50m, rộng gần 3m
Hơn 100 sinh viên, họa sĩ cùng nhau vẽ bức tranh trên lòng đường dài hơn 50m, rộng gần 3m
TP - Festival Huế 2010 đã đi được nửa chặng đường; đã thực hiện thành công lễ hội khai mạc, lễ hội thao diễn thuỷ binh thời chúa Nguyễn, lễ hội áo dài, lễ tế Nam Giao và lần một các chương trình lớn như Huyền thoại sông Hương, Đêm Hoàng cung, Hơi thở của nước.
Hơn 100 sinh viên, họa sĩ cùng nhau vẽ bức tranh trên lòng đường dài hơn 50m, rộng gần 3m
Hơn 100 sinh viên, họa sĩ cùng nhau vẽ bức tranh trên lòng đường dài hơn 50m, rộng gần 3m . Ảnh: Lê Quang Minh

Tất cả các đoàn nghệ thuật trong nước và nước ngoài đều đã ra mắt công chúng. Lượng khách đến Huế trong những ngày vừa qua tăng hơn 110% so với cùng kỳ Festival 2008 càng khẳng định thương hiệu Festival Huế và chất lượng các chương trình nghệ thuật, các sản phẩm du lịch của kỳ này. Không còn tình trạng một vài sân khấu thưa thớt khán giả như các kỳ trước.

Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm đã trở thành thương hiệu mà Festival Huế được làm mới với sân khấu mới, không gian nghệ thuật mới, ý tưởng sáng tạo, nhiều chương trình đặc sắc thu hút khán giả. Nhiều chương trình nghệ thuật diễn ra liên tục làm thay đổi nhịp sống tĩnh lặng của Huế.

Không gian Festival tiếp tục rộng mở. Phía bắc, mạn hạ lưu sông Ô Lâu có lễ hội Hương xưa làng cổ ở làng Phước Tích được nâng cấp. Ngày khai hội cũng là ngày dân làng cho ra mẻ gốm thứ hai của lò gốm truyền thống vừa được phục hồi, góp thêm một sản phẩm thổi hồn cho làng di sản được hình thành hơn 400 năm theo hành trình mở cõi của chúa Nguyễn.

Phía nam Chợ quê ngày hội ở bên cầu ngói Thanh Toàn cũng rôm rả hơn và qui mô lớn hơn, du khách gần xa háo hức tìm về. Phía đông có lễ hội Sắc màu Thanh Tiên phô diễn vẻ đẹp lộng lẫy của sen giấy, một nghề thủ công truyền thống đã sống lại sau hơn 50 năm thất truyền nhờ Festival.

Đây là những sản phẩm kinh phí đầu tư ít nhưng ý nghĩa lớn, hiệu quả rất cao, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân, thêm sản phẩm thường xuyên cho ngành du lịch địa phương.

Không gian rộng mở không chỉ để nới “vòng kim cô” cho Huế mà còn đồng nghĩa với chủ trương xã hội hoá Festival đã trở thành một thực tiễn.

Ý niệm người dân Huế là chủ thể của Festival Huế đã sáng rõ với hơn 20 hoạt động hưởng ứng. Hoạ sĩ Nguyễn Duy Hiền và bạn bè miệt mài nhiều năm để tổ chức một phố tranh trên núi, một con đường tranh trải dài từ Đàn Nam Giao lên đến Lăng Tự Đức. Festival thơ hội tụ nhà thơ ba miền về trình diễn và toạ đàm về thơ.

Năm nay, lần đầu tiên Hội VHNT Huế tổ chức trình diễn thơ. Các nhà thơ trẻ đến từ Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Thuận đã đem đến một chương trình mới lạ với không chỉ thơ mà còn có video art và nhạc (Lê Anh Hoài, Nguyễn Quỳnh Trang), nhạc và họa, vẽ trực tiếp trên sân khấu (Huỳnh Lê Nhật Tấn).

Nhà nhiếp ảnh Phước “khùng” cũng tham gia đệm đàn guitare cho các tác phẩm của Lê Công Tiến, Chiêu Anh Nguyễn. Nhà thơ Nguyệt Phạm trình diễn sinh động với áo dài, các bảng giá và mã vạch. Các nhà thơ trẻ người Chăm như Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên cũng tham gia với các tác phẩm ấn tượng rất đương đại.

Nhà thơ Bảo Cường tổ chức một không gian riêng, vừa trưng bày vừa biểu diễn tại tư gia ở thôn Vỹ Dạ. Thầy trò họa sĩ Vĩnh Phối tự phát một phòng triển lãm tranh ở phố cổ Gia Hội. Họa sĩ Lê Bá Đảng từ Pháp về ra mắt bộ sưu tập mới Trăm mặt một nhà và trao tặng tỉnh Thừa Thiên - Huế 58 tác phẩm (đợt 4), nâng tổng số tranh, tượng được trưng bày và lưu giữ tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng lên con số 305.

Hội đồng hương Thừa Thiên - Huế tại TPHCM về dự Festival với chương trình Huế xa, vừa tổ chức biểu diễn, giao lưu vừa trao học bổng cho học sinh, tặng cả ngàn suất quà và hỗ trợ vốn cho hộ nghèo vùng rẻo cao A Lưới, vùng dọc phá Tam Giang. Lần đầu tiên Giáo hội Phật giáo tổ chức biểu diễn múa Lục cúng hoa đăng ở sân chùa Từ Đàn và trình diễn lễ nhạc Phật Giáo ở Trung tâm văn hóa Liễu Quán. v.v...

Bên cạnh vai trò chủ thể, nhiều người dân xứ Huế, nhiều ngành nghề dịch vụ được hưởng lợi từ Festival. Các đoàn nghệ thuật luân phiên biểu diễn phục vụ miễn phí ở các sân khấu ngoài trời và lưu diễn ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh Thừa Thiên - Huế.

MỚI - NÓNG