“Bố già” phía sau sân khấu

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Trong các buổi diễn của “Hạn hán cơn mưa” phiên bản mới hoặc là “À Ố” ở nước ngoài, “bố già” tóc bạc luôn lòng khòng bận rộn sau cánh gà, thỉnh thoảng kiêm luôn việc phiên dịch. Nghề chính của Nguyễn Duy Chân là phụ trách kỹ thuật cho rất nhiều các chương trình nghệ thuật lớn nhỏ của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài. Đây là người Việt Nam duy nhất làm nghề này.

Kỹ thuật viên người Việt duy nhất trong đội của Ea Sola

Sau thành công của vở múa đương đại “Hạn hán cơn mưa” một và hai, đạo diễn Ea Sola từng tuyên bố “c’est tout!” (tiếng Pháp nghĩa là mọi chuyện chỉ đến thế, dừng ở đây). Nhưng vì nhiều đối tác yêu cầu đi yêu cầu lại, “Hạn hán và cơn mưa” phiên bản mới lại xuất hiện, vào năm 2011.

Vở diễn này là một thay đổi lớn so với phiên bản cũ, từ hoạt cảnh sân khấu đến diễn viên, và cả cách xử lý nhạc nền minh họa cho những bài thơ của Nguyễn Duy. Rất tiếc, nó không được trình diễn ở Việt Nam, chỉ lưu diễn vòng quanh châu Âu và Úc, trong suốt ba năm.

Ea Sola mời Chân già (nick bạn bè hay dùng để gọi Nguyễn Duy Chân) ngay từ những ngày đầu đi lưu trú sáng tác tại Italia. Khi ấy, anh vừa thôi việc ở L’espace. Và mặc dù trước đó trong một số chương trình khác, hai người từng to tiếng với nhau. Nhưng với Ea Sola thời điểm đó, Nguyễn Duy Chân gần như là lựa chọn duy nhất của chị.

Không dưới một lần tôi nghe các đạo diễn sân khấu người nước ngoài than phiền về “khó khăn lớn nhất” khi dựng vở tại Việt Nam là “không có được một giám đốc kỹ thuật sân khấu chuyên nghiệp”. Thường, người biết nghề không biết tiếng. Các phiên dịch viên thì luôn gặp vấn đề với những thuật ngữ chuyên môn. Cho nên, người như Nguyễn Duy Chân: có bằng kỹ thuật do nước Pháp cấp, lại thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, trở thành của hiếm.

Nhiều cộng sự người Việt của Ea Sola kể: làm việc với chị rất khó và rất căng vì chị luôn yêu cầu rất cao và có những bảng tiêu chuẩn “chỉ dành cho siêu nhân”. Tính đến thời điểm này, Nguyễn Duy Chân vẫn là kỹ thuật viên người Việt duy nhất làm việc được với Ea Sola và làm từ đầu đến cuối, trọn vẹn một tour diễn kéo dài suốt ba năm.

Cũng vì đảm nhận quá tròn vai với tour “Hạn hán cơn mưa”, chưa hết hợp đồng, Chân đã được ông Jean Michel Puiffe - Giám đốc Nhà hát Scène nationale de Sénart (Pháp) mời làm kỹ thuật cho show “À Ố”. Khi đó, Chân già còn chưa biết “À Ố” là gì.

“Bố già” phía sau sân khấu ảnh 1

Anh Nguyễn Duy Chân.

Người trông xe biết tiếng Pháp đầu tiên ở Alliance

Chân già sinh năm 1962, tóc bạc từ trẻ. Trong quá khứ, Nguyễn Duy Chân từng bỏ dở Đại học sư phạm Toán. Có đoạn lang thang ma cà bông. Đi bộ đội. Buôn chuyến. Lái taxi. Và trôi dạt làm bảo vệ trông xe cho Alliance (trung tâm ngôn ngữ và văn minh Pháp tại Hà Nội, tiền thân của L’espace ngày nay).

Alliance lúc ấy ít người nên thỉnh thoảng Nguyễn Duy Chân được trưng dụng làm lái xe cho giám đốc trung tâm. Có lần, anh đề nghị: tôi muốn được đi học tiếng Pháp, giám đốc duyệt luôn. Thế là suốt ba năm, Chân già vừa làm vừa học, tuần tự hết mọi chương trình dạy tiếng và luôn đứng trong top học sinh xuất sắc nhất lớp. Thấy được thành quả của anh, sau đó Alliance và sau này là L’espace có quy định: tạo mọi điều kiện cho nhân viên người Việt làm việc ở trung tâm được đi học tiếng Pháp miễn phí, thậm chí giờ học được tính luôn vào giờ làm.

Khi Alliance chuyển từ Yết Kiêu về Tràng Tiền, chính ông giám đốc đã đề nghị Nguyễn Duy Chân về phụ trách phòng kỹ thuật. Anh bảo: tôi thích đề nghị của ông, nhưng tôi không có chuyên môn về lĩnh vực này! Sau đó, nhân có một gói tài trợ của chính phủ Pháp về đào tạo kỹ thuật viên sân khấu cho Việt Nam, Chân già lại được cử đi học.

Thêm ba năm nữa, Nguyễn Duy Chân tốt nghiệp khóa đào tạo kỹ thuật viên sân khấu cùng mấy chục người trong khắp cả nước. Lúc tổng kết, cũng chỉ mình anh đủ tiêu chuẩn tiếp tục sang Pháp học nâng cao khóa “giám đốc kỹ thuật sân khấu”. Ở đây, anh được học từ âm thanh, ánh sáng, cách quản lý ngân sách, đến cách thảo hợp đồng lao động, đàm phán, xây dựng dự án, thậm chí học về luật. Hết một năm, Chân già lấy được bằng do trường Pháp cấp. Song song với quá trình “xóa mù” về nghề, còn giác ngộ cho anh: ngay cả việc hậu đài sân khấu thì cũng phải có bài bản, lớp lang, chứ không phải cứ thất nghiệp và có sức khỏe là có thể làm tốt!

Về làm việc ở L’espace gần bốn năm nữa, Nguyễn Duy Chân quyết định xin thôi.

Chỉ được cám ơn khi ra nước ngoài

Những người làm sân khấu kỳ cựu đều biết: một người làm kỹ thuật giỏi, nhiều khi quyết định thành công của vở diễn hơn cả nhạc công. Song hỏi Chân già: đã bao giờ được đạo diễn gọi lên sân khấu cảm ơn chưa, anh cười: chưa, nhưng ra nước ngoài thì có!

Theo show diễn của chương trình xiếc đương đại “À Ố” suốt từ năm 2015, qua 26 nhà hát ở Pháp, Chân già thành “bố già” của cả đội diễn viên “trẻ và rất trẻ”. Có lần, đoàn biểu diễn ở Lyon, sân khấu ngoài trời, còn chỗ ngồi là những cái bục có lót gối. Kết thúc chương trình, khán giả đứng lên ném gối ào ào lên sân khấu. Đội diễn viên sững sờ, có người nhanh nhẹn chạy ra hỏi: “nó làm thế nghĩa là sao hả bố”? Sau khi nghe anh giải thích: đây là một kiểu “vỗ tay” của người Lyon, cả đội mới thở phào và bắt đầu dùng gối ném lại.

Khi đó, đạo diễn Nhất Lý, đã thay mặt ekip mời Nguyễn Duy Chân về làm giám đốc kỹ thuật cho công ty Lune (công ty sở hữu các vở diễn: Làng tôi, À Ố, Sương sớm và Teh Dar). Những đạo diễn có kinh nghiệm “đem chuông đi đánh nước người” đều ý thức được tầm quan trọng của một giám đốc kỹ thuật “đủ tiêu chuẩn”, bởi vì nó liên quan đến việc lập “phiếu kỹ thuật” cho từng vở diễn. “Phiếu kỹ thuật” mô tả tất cả yêu cầu kỹ thuật cho vở diễn gồm: thể loại, số diễn viên, nhạc công, nhạc cụ, các yêu cầu về âm thanh: bao nhiêu mic, bao nhiêu nhạc cụ…, sơ đồ ánh sáng, đạo cụ, phòng hóa trang, thậm chí độ nghiêng sân khấu v.v… “Phiếu kỹ thuật” là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để tác giả có thể đem tác phẩm đi chào bán ở các festival nghệ thuật quốc tế. Nguyễn Duy Chân không những có thể lập phiếu, còn dịch được sang tiếng Anh và tiếng Pháp, theo đúng chuẩn châu Âu.

“Bố già” phía sau sân khấu ảnh 2

Vở “Làng tôi”.

Hiện Chân già đang phải “chạy thoăn thoắt” để trung tuần tháng 4, đem “Làng tôi” từ sân khấu Nhà hát Lớn sang biểu diễn ở sảnh lớn của Lotte. Sự thay đổi về điều kiện sân khấu kéo theo một loạt các yếu tố kỹ thuật phải thay đổi theo. Chân già bảo: nghề hậu trường nhưng căng thẳng! Căng thẳng từ lúc mở cánh gà cho đến khi những tiếng vỗ tay vang lên!

Khi giám đốc L’espace hỏi: có phải anh tìm được chỗ khác đãi ngộ tốt hơn không, anh trả lời: không, bỏ việc ở đây nghĩa là tôi thất nghiệp! Ra đi, chỉ là để bảo vệ sự tự tôn trong nghề nghiệp.
Từ nghề mới sang nghề mới hơn: Nhiếp ảnh 

Nguyễn Duy Chân kể, anh tìm đến chụp ảnh là vì có giai đoạn việc học ngoại ngữ đi vào bế tắc. Anh cảm thấy khó khăn khi diễn đạt bằng một ngôn ngữ khác. Hy vọng chụp ảnh sẽ khiến mình tìm được một lối diễn đạt trơn tru hơn. 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Thanh thường gọi anh là “trò” và rất thích khoe “trò” với thiên hạ. Việt Thanh đánh giá: ảnh của Chân già độc đáo và mang màu sắc sân khấu. Tập chụp ảnh khoảng một năm, L’espace đã bao toàn bộ chi phí cho triển lãm ảnh của Nguyễn Duy Chân tại 24 Tràng Tiền vào năm 2006. Khi đó, Giám đốc được ủy quyền của L'Espace nhận xét: "Duy Chân biết níu giữ những khoảnh khắc mà anh chọn lựa, những giây phút ngắn ngủi mà những diễn viên, vũ công, nhạc sĩ… thể hiện tài năng của mình".

Triển lãm “Chuyển động” của Chân được giới thiệu: “Vươn bám và biến cách, giữa chất thơ và sự đứt đoạn. Cơ thể và nhiếp ảnh chính là nơi gặp nhau của hai hình thức biểu hiện, nhiếp ảnh bị mê hoặc bởi cơ thể và hòa quyện vào cơ thể… Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Duy Chân đã lưu giữ những khoảnh khắc xuất thần của sân khấu vào tác phẩm của mình”...

Bạn bè nhiều người hỏi, vì sao đi theo các vở “Hạn hán cơn mưa”, “Làng tôi” và “À Ố” lâu như thế mà không ra được triển lãm mới? Chân giải thích: vì ý thức bảo vệ bản quyền của các đạo diễn “đã lên một tầm cao mới”. Không dễ gì công bố đống tư liệu ấy, nhưng Chân vẫn chụp. Cho vui là chính! 

MỚI - NÓNG