Bóc tách thói hư tật xấu là để hoàn thiện phẩm chất tốt đẹp

Bóc tách thói hư tật xấu là để hoàn thiện phẩm chất tốt đẹp
TP - Tôi quan niệm rằng bóc ra cho hết cái xấu, tước bỏ cho hết cái tồi tệ, trong nhân cách của mỗi con người chúng ta chính là cách để nhân lên cái tốt, loại bỏ những cái xấu.

Là một “fan” của Tiền phong trước hết tôi rất hoan nghênh Tiền phong mở chuyên mục này để tạo ra diễn đàn cho bạn đọc bày tỏ công khai những suy nghĩ của mình về cái tốt, cái xấu của người Việt ta để trân trọng, tôn vinh giữ gìn, phát huy cái tốt, đồng thời thấy rõ sự xấu hổ để mà loại trừ những thói hư tật xấu của chính mình, chứ đừng như con đà điểu chui đầu dưới cát để trốn chạy sự thật của những khuyết tật kia.

Đây là một chủ đề hay vừa có tầm rộng lớn, nhưng lại rất gần gũi với cuộc sống thường nhật, nên ai cũng có thể tham gia diễn đàn này. Với sự tâm đắc ấy, tôi xin vào cuộc để góp tiếng nói với Tiền phong.

Qua trải nghiệm mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước từ khi Quốc Tổ Hùng Vương khai quốc cho đến thời đại Hồ Chí Minh đầu thế kỷ 21 này, đã tích tụ, chứng minh phẩm chất của người Việt ta - Với niềm tự hào dân tộc, ai cũng thấy tự hào:

- Một là truyền thống yêu nước và tinh thần quật khởi, xả thân chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Lý Thường Kiệt).

“Thà hy sinh tất cả quyết không làm nô lệ” (Hồ Chí Minh). Phẩm chất này đã trở thành “quốc bảo” về tinh thần của dân tộc mà mỗi chúng ta-ai cũng thấy vinh dự.

Chính với phẩm chất cao quý ấy mà dân tộc ta dù nhỏ, đã chiến thắng tất cả sự xâm phạm lãnh thổ của ngoại bang qua các triều đại trong đó có kẻ thù vào loại hùng mạnh nhất thế giới.

- Hai là truyền thống thương nòi giữa người Việt trong đại gia đình các dân tộc - đã cố kết nhau trong suốt quá trình lập quốc và kiến quốc với câu thành ngữ dân gian truyền thụ đời này qua đời khác “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Cùng đùm bọc chở che, chia sẻ cho nhau lúc đói nghèo cũng như khi hoạn nạn. Và, dù thế nào, cuối cùng nhân dân ta cũng chung sống trong sự hòa hợp dân tộc, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, như con một cha nhà một nóc.

- Ba là truyền thống hiếu hòa, thân thiện. Mặc dù là một dân tộc can trường dũng cảm phi thường khi đánh giặc cứu nước “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, không sợ gian khổ hy sinh, nhưng người Việt ta không bao giờ là một dân tộc hiếu chiến, mà luôn hiếu hòa thân thiện với các dân tộc.

- Bốn là phẩm chất của tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vươn lên trong kiến tạo đất nước phú cường - để sánh bằng các lân quốc gần xa, sát cánh cùng bầu bạn bốn bể năm châu quyết không cam chịu tụt hậu, đói nghèo... Phẩm chất này không chỉ thể hiện ở công cuộc đổi mới đất nước hai mươi năm qua đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, mà ngay từ các triều đại trước.

Tôi quan niệm rằng bóc ra cho hết cái xấu, tước bỏ cho hết cái đê hèn, nhớp nhúa, tồi tệ, đốn mạt trong nhân cách của mỗi con người chúng ta-bên cạnh phẩm chất tốt, là không sợ vạch áo cho người xem lưng, hoặc vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết để nhục mạ nhân cách người Việt ta, khỏa lấp, phủ định những phẩm chất tốt mà ta trân trọng, tiêu chí chính là để nhân lên cái tốt ấy, loại bỏ những cái xấu đó đi.

Có như vậy mỗi chúng ta mới tự hoàn thiện mình để sống đẹp, sống có ích - chẳng những về trí tuệ, tài năng, mà cả văn hóa ứng xử, nhân cách làm người sao cho công dung ngôn hạnh, đạo lý nghĩa nhân của con người trở thành chuẩn mực trong cuộc sống của dân tộc Việt ta. 

Ca dao, tục ngữ... về thói hư tật xấu

Tôi rất hoan nghênh Tiền phong đã mở chuyên mục “Người Việt-Phẩm chất và thói hư tật xấu”. Điều có thể nói ngay rằng không phải chỉ đến bây giờ mà từ thuở cha ông chúng ta đã luôn đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư tật xấu (thói đời), đã mổ xẻ phanh phui, đúc kết thành tục ngữ, ca dao... để răn dạy muôn đời.

Tôi xin ghi lại một số câu theo trí nhớ, chắc chắn chỉ là số lượng rất nhỏ nhoi. Hy vọng với sự đóng góp, bổ sung của đông đảo bạn đọc chúng ta sẽ được biết đến một kho tàng ca dao tục ngữ về “thói đời” vô cùng phong phú của dân tộc.

Tôi xin tạm xếp các câu theo vần A, B, C để tiện theo dõi bổ sung:

A, Ă:

- Ăn bậy nói càn

- Ăn tục nói phét

- Ăn ở hai lòng

- Ăn cây táo rào cây sung

- Ăn cháo đá bát

- Ăn xổi ở thì

- Ăn không nói có

- Ăn không ngồi rồi

- Ăn no rồi lại nằm khèo

Thấy giục trống chèo bế bụng đi xem

- Anh em nắm nem ba đồng

B: - Bới bèo ra bọ

- Bới lông tìm vết

- Bênh con lon xon chửi người

MỚI - NÓNG