“Bới rác” hay “trồng hoa hồng”

“Bới rác” hay “trồng hoa hồng”
TP - Có thể nói, một trong những tật xấu lớn nhất của người Việt là luôn luôn “bới rác”. Đương nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những người giữ được nét phẩm chất tốt đẹp- biết “trồng hoa hồng”.

Khi đọc số báo Tiền phong đầu tiên đề cập chuyên mục “Người Việt- Phẩm chất và thói hư tật xấu”, tôi đã ngay lập tức liên tưởng đến hai cụm từ này. Nước Việt Nam, người Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn được ca ngợi bởi những giá trị đạo đức tốt đẹp, cao cả. Song, nếu đi vào thực tế thì “thói hư tật xấu” của chúng ta cũng không ít ỏi gì.

Với phần lớn người Việt, cảnh tượng một đám đông bất kỳ tụ tập trên đường phố làm tắc nghẽn cả một đoạn đường dài không phải là xa lạ gì. Hầu hết phản xạ của những người đi qua khi bắt gặp là dừng lại, thậm chí chen lấn vào để biết xem chuyện gì đang xảy ra.

Nếu chỉ xét về hiện tượng bề ngoài, chuyện đó không có gì đáng bàn. Thế nhưng, xét về bản chất sâu xa thì hành động ấy lại trở thành biểu hiện nổi bật của “bới rác hay trồng hoa hồng”.

Nó thể hiện tính cách tò mò, tọc mạch. Đa số vụ việc xảy ra có tính chất giật gân: Một vụ tai nạn, một vụ đánh ghen, một vụ hỏa hoạn v.v... Mọi người đứng ngoài chỉ trỏ, bình phẩm, mô tả gay cấn những gì vừa được chứng kiến. Đấy chính là họ đang “bới rác”, cố tìm ra những điều tồi tệ để bàn luận.

May mắn lắm mới có trường hợp sẵn sàng đưa người bị nạn vào bệnh viện, ra tay ngăn cản vụ đánh ghen dã man, dũng cảm cứu người trong vụ hỏa hoạn hay can đảm bảo vệ nạn nhân một vụ cướp trên xe buýt. Đã có không ít ánh mắt làm ngơ trước cảnh người đối diện bị móc túi, trước tiếng hét thất thanh của cô gái bị giật dây chuyền...

Có lần, trong một phút lãng mạn, trước khoảng đất trống thoáng đãng hiếm hoi chốn Hà thành, tôi cùng nhóm bạn đứng lại bên đường thư giãn chuyện trò. Chỉ trong vài phút, đã có không ít người đến, cùng nhìn, hỏi han ngỡ như có chuyện quan trọng xảy ra.

Khi gia đình một người gặp chuyện trắc trở hoặc bản thân ai đó “ăn cơm trước kẻng”, anh ta, cô ta rất ít khi nhận được sự an ủi mà đi đâu cũng là những ánh mắt soi mói, những lời bình luận ác ý.

Chuyện từ một đồn thổi thành mười. Cũng có thể việc làm đó chỉ xuất phát từ thói quen: Có chuyện xấu thì phải xoáy sâu vào để nhấn mạnh rằng nó là xấu, để có chuyện mà buôn dưa lê lúc không có việc gì làm.

Xã hội ngày nay, hiếm hơn trước những nghĩa cử cao đẹp để trồng nên những bông hoa việc tốt. Song, không thể phủ nhận rằng, vẫn có nhiều người tâm huyết với đời, ngày đêm cố gắng quét hết rác rưởi “thói hư tật xấu” để “trồng hoa hồng”.

Trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, ta vẫn còn bắt gặp được những tấm gương dũng cảm bắt cướp, nhặt của rơi trả lại người bị mất. Trước một sự việc gây tai tiếng của đồng nghiệp, vẫn xuất hiện những tấm lòng cảm thông, chia sẻ và biết nhìn nhận những mặt tốt còn lại của họ.

Nhưng trớ trêu, số người biết “trồng hoa hồng” đó có lúc trở thành đơn lẻ trong xã hội. Người ta chỉ xúm lại để xem một vụ tai nạn hay cháy nhà chứ ít ai bỏ chút thời gian dừng lại bên đường để ngắm một bông hoa đẹp, tận hưởng chút không khí trong lành của đất trời sau cơn mưa.

Cũng có người dám lớn tiếng đưa ra chính kiến bảo vệ một người bạn không hề quen thân khi họ chẳng may lầm lỡ. Nhưng, những người làm được điều như thế lại thường bị gán cho là “hâm hấp”, là “ra vẻ cao thượng”, dẫu biết rằng đó là những việc làm bình dị song đáng quý của con người!

Người Việt Nam ta “bới rác” quá nhiều, dần dần trở thành thói quen xấu khó bỏ. Vì thế, việc chúng ta cần làm là tìm cách để vừa “bới rác” lại vừa “trồng hoa hồng” và “bới rác” để mà “trồng hoa hồng”. Có nghĩa là, người Việt tìm ra, chỉ ra thói hư tật xấu chỉ nhằm mục đích tìm biện pháp xóa bỏ cái xấu đó đi.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.