Bốn Đại tá “chống lại” một nhà cựu quản lý!

Bốn Đại tá “chống lại” một nhà cựu quản lý!
TP - Có thể miêu tả như thế về sự việc bốn nhạc sĩ quân đội hàm Đại tá gửi thư đến Hội đồng giải thưởng quốc gia tỏ ý không đồng tình việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ, GS. NSND Trọng Bằng - nguyên TTK Hội Nhạc sĩ VN.
Bốn Đại tá “chống lại” một nhà cựu quản lý! ảnh 1
Nhạc sĩ Huy Thục

Nhạc sĩ - Đại tá Nguyễn Đức Toàn, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật: “Đề nghị thẩm định lại một số vụ việc...”

Trong 2 lá đơn khác nhau, một gửi lên Hội đồng giải thưởng quốc gia, một gửi Vụ văn nghệ Ban Tư tưởng văn hóa TƯ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn viết:

“Về danh sách ca khúc (lập trong hồ sơ xét tặng), Trọng Bằng liệt kê 4 bài hát thì tất cả đều là những tác phẩm ở trình độ trung bình và thấp, chưa đủ tầm với tới các giải thưởng.

Về nhạc giao hưởng, mới chỉ là những bài tập (Execices) chưa có đủ những yếu tố của một tác phẩm, thậm chí còn “có vấn đề” (Giao hưởng số 5 của TChostakovich - Nga).

Ông chỉ huy dàn nhạc người Nhật Bản đã thẳng thắn chỉ trích và nói với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - người biết tường tận việc này là nhạc sĩ Vĩnh Cát. (Đây là lý do để nhạc sĩ Vĩnh Cát bị gạt khỏi danh sách đề nghị tặng Giải thưởng Nhà nước đợt này).

Đề nghị: Xem xét tạm đình Giải thưởng Hồ Chí Minh - Thành lập một hội đồng chuyên ngành có trình độ chuyên môn (giao hưởng). Cho thẩm định lại những vụ việc mà dư luận đã lên tiếng, có công bố minh bạch để  bảo vệ sự trong sáng của giải thưởng VHVN, một sự ưu ái của Đảng và Nhà nước với văn nghệ sĩ...”.

Nhạc sĩ - Đại tá Doãn Nho, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật:

“Chỉ nên trao Giải thưởng Nhà nước...”

Trong thư đề ngày 3/7/06, nhạc sĩ Doãn Nho viết:

“Với nhạc sĩ Trọng Bằng - bạn của tôi, tôi đã trực tiếp góp ý chân thành nhằm giúp bạn mình tránh được sự ngộ nhận. Tôi đã đặt vấn đề tại sao anh để An Thuyên đặt anh lên vị trí trên cả Huy Du trong thể loại hành khúc (Tập “Những khúc quân hành vượt thời gian”- nhà xuất bản QĐND, 2004, trang 8, dòng 15-16 tính từ trên).

Và tại sao anh để Tú Hương - giảng viên Nhạc viện Hà Nội - tôn vinh anh bằng cách liệt kê quá nhiều những ca khúc không nổi tiếng viết cho các địa phương trong một công trình nghiên cứu cấp Bộ mang chủ đề “Âm nhạc Việt Nam - Tác giả - tác phẩm” được nghiệm thu tại Bộ Văn hóa - Thông tin ngày 21/12/2004.

Cũng trong cuộc nghiệm thu này tôi đã đóng góp chân thành vào Phần I của công trình (mà tác giả là Trọng Bằng). Công trình gồm 2 phần, phần II là phần phân tích cụ thể các tác phẩm nên rất lớn và có thể kéo dài hàng nghìn trang nếu còn phân tích thêm các tác phẩm của các tác giả tiếp theo.

Bởi vậy phần của anh Trọng Bằng viết nếu muốn được coi là Phần I thì phải có tính  học thuật cao, đạt tới mức như là những nguyên lý để sau đó Phần II chỉ là những minh chứng.

Nhưng với chất lượng hiện hữu của Phần I thì chỉ nên gọi là Lời dẫn mà thôi. Trong phần này, khi viết về khí nhạc, rất tiếc là thể loại giao hưởng đã không được nhấn mạnh và đề cao đúng như vị trí vốn có của nó...

Tóm lại với tình bạn tôi đã chân thành góp ý với anh Trọng Bằng và hôm nay, cũng trên tình cảm đó, tôi muốn khẳng định: Những ca khúc của anh được liệt kê vào cụm công trình để xét Giải thưởng Hồ Chí Minh chưa gây được ấn tượng sâu sắc như những ca khúc của nhiều tác giả mà cho đến nay chưa nhận được giải thưởng nào, như Văn Chung, Hoàng Hà, Vũ Trọng Hối, Nguyễn Thành, Cao Việt Bách...

Bốn Đại tá “chống lại” một nhà cựu quản lý! ảnh 2
Nhạc sĩ Nguyên Nhung

Về những tác phẩm giao hưởng cũng chưa đạt được độ hoàn chỉnh và phong phú trong ngôn ngữ nếu so với các bản giao hưởng của Vĩnh Cát, chứ chưa nói tới Đàm Linh, Nguyễn Văn Nam - những tác giả giao hưởng đã được Hội nhạc sĩ Việt Nam nhiều lần trao giải.

Nếu đặt cả 2 nhóm tác phẩm thuộc 2 thể loại này (ca khúc và giao hưởng) vào một cụm công trình thì cũng không thể làm chuyển biến về chất, không thể chuyển từ khá thành xuất sắc được.

Vì vậy, theo tôi, không nên đặt cụm công trình của anh Trọng Bằng vào diện xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà nên đặt vào diện xét Giải thưởng Nhà nước có lẽ khả dĩ hơn...”.

Nhạc sĩ - Đại tá Nguyên Nhung, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: “Cần hoãn lại việc xét giải...”

Lá thư viết tay gửi Hội đồng giải thưởng quốc gia của nhạc sĩ Nguyên Nhung phi lộ “Xin phép thông cảm cho tôi vừa từ bệnh viện 108 về, vì mổ dạ dày sức khỏe còn yếu viết run tay” và: “chỉ xin phát biểu ngắn gọn: Nhà nước cần hoãn lại việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh cho đồng chí Trọng Bằng.

Trong giới nhạc sĩ chúng tôi chưa bao giờ đánh giá anh Trọng Bằng là nhạc sĩ sáng tác có chất lượng, so với tất cả nhạc sĩ đã được xét giải thưởng Nhà nước trong đợt I...”.

Nhạc sĩ - Đại tá Huy Thục, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật: “Tôi thấy không xứng đáng!”

Theo nhạc sĩ, trải qua 4 lần xét giải, để đoạt giải thưởng cao quý của Nhà nước về VHNT cần yếu tố gì?

Đây là một việc làm rất ý nghĩa của Nhà nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước là “khen” tác phẩm (chứ không như phong NSND, NSƯT có nghĩa “khen” biểu diễn), như thế người nghệ sĩ phải có tác phẩm xứng đáng.

Tác phẩm tiêu biểu của GS. NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng (căn cứ để xét tặng giải thưởng):

Ca khúc: Nhịp máy khoan (1965), Bài hát bên cầu phao (1966), Quê hương vang tiếng hát tự hào (1969),  Bão nổi lên rồi.

Khí nhạc: Overture Chào mừng (1986). Giao hưởng thơ Người về đem tới niềm vui (1990). Khởi nhạc phóng tác Chào mừng 2000- Chào thiên niên kỉ mới.

Anh Nguyễn Đình Thi hay anh Hoàng Việt (hi sinh trên mặt trận) đều có tác phẩm xứng đáng. Tác phẩm phải có vị trí thế nào, phải là “đinh” của âm nhạc VN.

Nằm trong Hội đồng quốc gia xét danh hiệu NSND, NSƯT từ đợt 1 xét NSND Đặng Thái Sơn đến đợt 4 và đến đợt 1 tháng 8/2001 xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Văn Tý, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, truy tặng NS Hoàng Việt tôi cho rằng rất xứng đáng.

Trong nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, đợt 1 có tôi và nhạc sĩ Doãn Nho biết bao nhiêu bài hát đã được nhân dân đón nhận, cổ vũ hàng triệu quân dân, tuổi trẻ... nhưng chúng tôi vui vẻ nhận Giải thưởng Nhà nước.

Còn đợt này ông thấy “không được”?

Tôi đọc trên báo Nhân Dân ngày 1/7 công bố danh sách 5 nghệ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh và 33 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước. 5 nghệ sĩ lên Giải thưởng Hồ Chí Minh thì anh Đình Quang, chị Anh Thơ, anh Hà Minh Đức, anh Nhật Minh chúng tôi không có ý kiến, duy nhất chỉ có anh Trọng Bằng tôi thấy không xứng đáng.

Bốn Đại tá “chống lại” một nhà cựu quản lý! ảnh 3
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn

33 người được Giải thưởng Nhà nước đợt này nhiều người có tác phẩm hay, nhưng vẫn còn bị sót. (Hội đồng chuyên ngành đề cử 44- NV).

Ví dụ có những bài nhân dân, thanh niên ai cũng biết như: Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Cung đàn mùa xuân của anh Cao Việt Bách. Hay nhiều nhạc sĩ đã mất như anh Văn Lưu - họ có công lao đáng ghi nhận lắm, họ đổ máu ra những nốt nhạc để phục vụ nhân dân, tại sao bây giờ vẫn không có trong danh sách.

33 nhạc sĩ đoạt Giải thưởng Nhà nước lần này chỉ cần nói một tác phẩm người ta đã biết ngay rồi, như Nguyễn Đình Bảng có Thời hoa đỏ... Rồi những nhạc sĩ có nhiều tác phẩm “đinh” lại bị bỏ sót đợt 1, lần này mới truy tặng như Nguyễn Thành với Qua miền Tây BắcCảm xúc tháng 10 - thanh niên HN ai cũng biết.

Nhạc sĩ - Đại tá Vũ Trọng Hối với Đường tôi đi dài theo đất nước, Bước chân trên dải Trường Sơn, Anh quân bưu vui tính và một bản giao hưởng, rồi bỏ sót những bậc thầy của chúng tôi như nhạc sĩ Văn Chung, Lê Yên đợt này mới được truy tặng... nếu xét cho công bằng nhiều ông xứng đáng được Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bây giờ “bỏ hết vào cái rọ” Giải thưởng Nhà nước thì sừng sững cái tên Trọng Bằng ở Giải thưởng Hồ Chí Minh là điều không thể!

Ông có thái độ khá quyết liệt với trường hợp GS.NSND Trọng Bằng, phải chăng còn nguyên nhân nào khác?

Không chỉ tôi, anh Nguyên Nhung mới mổ dạ dày  chưa đi được nhờ tôi gửi ý kiến của mình, cả anh Vĩnh Cát cũng nhờ. Sáng 14/7 tôi bắt xe ôm đi gửi lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ VHTT, Hội đồng thi đua khen thưởng quốc gia.

Tất cả những ai đã có ý kiến đều không có hiềm khích gì cả, tác phẩm của họ vang lừng trong quần chúng, bản thân tôi đã được Giải thưởng Nhà nước, sở dĩ chúng tôi có ý kiến là vì báo Nhân Dân viết: Sau khi công bố danh sách, Bộ VHTT muốn lấy ý kiến giới văn học nghệ thuật, chuyên môn và toàn thể nhân dân trước 15/7.

Cụ thể ông đã kiến nghị những gì?

Tôi viết: từ trước tới nay tôi dạy học trò và tự răn mình mừng trước thành công của bè bạn, nhưng không vui khi thấy  đánh giá không đúng. Tôi đề nghị hội đồng xem xét lại, trong đó có một số người bị bỏ sót và giải thưởng của anh Trọng Bằng có thể dừng lại, còn các tác giả kia tôi cho là xứng đáng.

Tôi đề nghị đã đến lúc hội nghề nghiệp (Nhạc sĩ) lên tiếng. Biết đâu khi họp hội viên lại “Trời ơi ông này xứng đáng quá” thì chúng tôi hoan nghênh. Nhưng phải sòng phẳng đánh giá cho đúng để khi chúng ta công bố giải thưởng  đừng để nhân dân nói “Ông ấy mà cũng giải thưởng à” thì đau.

Chúng ta đang chống tiêu cực trong kinh tế, chống tham nhũng thì phải chống cả tiêu cực, cơ hội trong VHNT. Đã là giải thưởng phải công bằng dân chủ.

Vậy bây giờ theo ý ông nên thế nào?

Chậm thì đã chậm rồi. Phải dừng lại trường hợp của anh Trọng Bằng đỡ mang tiếng cho hội đồng Nhà nước, Bộ VHTT, Hội Nhạc sĩ. Hôm vừa rồi chúng tôi gặp anh Đỗ Hồng Quân, anh ấy thấy bên cạnh việc khen thưởng, Hội nghề nghiệp phải có ý kiến.

MỚI - NÓNG