Bốn đám cưới và một đám ma

Bốn đám cưới và một đám ma
TP - Hôm rồi đi một đám cưới, mọi việc suôn sẻ cho đến khi màn pháo sáng hoành tráng đốt cạnh cột nhà trang trí hoa giả gây ra cháy, cả cái cột phủ hoa giấy biến thành cột lửa rừng rực khiến nhiều thực khách hoảng sợ. Vài thanh niên hắt cốc bia đang uống, không ăn thua. Bỗng một chàng cứ thế cầm cái áo vest dập lấy dập để, không ngờ hiệu quả. Xong việc, chàng lên sân khấu ôm lấy chú rể- họ là đồng nghiệp viết báo thể thao với nhau.

Tàn tiệc, tôi ngắm chiếc áo cháy nham nhở của nhà báo bóng đá, bảo “Chú em có cái áo đẹp nhỉ”. Thực lòng, phản xạ nhanh của anh chàng làm tôi ấn tượng, cả cái ôm đàn ông dành cho nhau mà tôi ít thấy trong phim ảnh cũng như đời thường Việt Nam. Không liên quan nhưng liên tưởng cú song phi của “Lục Vân Tiên” ở sân bay Nội Bài năm ngoái, nhằm vào tay côn đồ vì tay này liên tiếp táng vật cứng vào đầu cô gái trẻ. Cú song phi khiến hắn ta ngã quay lơ, nhục nhã. Hành động nghĩa hiệp của anh nọ suýt bị một vị có chức qui tội “gây rối trật tự công cộng”. Gớm, chờ các ông thiết lập trật tự đúng qui trình thì người tốt chẳng có cơ hội cứu người yếu, trơ mắt ếch với nhau thôi. Còn chuyện trong đám cưới chỉ là hành động kịp thời, hợp lý, chưa đến mức nghĩa hiệp nhưng dễ đâu ai cũng phản xạ nhanh thế.

Đó là đám cưới mới nhất còn đám tang gần nhất là một đám mà nhiều người dự phát biểu, họ thực sự xúc động.

Người vừa nằm xuống chẵn 90, làm công chức bình thường. Một trong bốn con gái của ông- NSƯT Thu Hà, thay vì điếu văn đã viết lá thư gửi bố đọc ở phút truy điệu, vừa cảm động vừa khéo léo khiến hiểu thêm về một người cha nghiêm khắc tận tụy, một gia đình gia giáo miền Bắc điển hình- trải qua chiến tranh, đói nghèo, bao cấp để có cuộc sống thành đạt hôm nay. 

“Cả đời bố sống vì vợ con và luôn đau đáu hướng về quê hương nơi bố sinh ra trong một gia đình nhà nho tại Vân Xuyên, Hiệp Hoà, Hà Bắc... Những năm sơ tán, cuộc sống khó khăn nhưng nhà ta vẫn có vườn rau, chuồng gà. Gia đình ta chuyển nhà rất nhiều, di chuyển theo cơ quan bố mẹ, đâu cũng chỉ là căn hộ tập thể. Bố chọn tầng trên vì sợ ở dưới đất bốn con gái bé bỏng bị bắt nạt. Căn hộ cuối cùng bố được phân theo tiêu chuẩn cán bộ C ở Trung Tự, thời đó có khu vệ sinh riêng là xa xỉ nhưng gia đình ta phải dành buồng tắm cho một con lợn. Bố bảo: ‘Con lợn này nuôi lớn bán đi cho Hà lấy chồng’. Bố mẹ lúc nào cũng lo con mình đói nên lao động chăm chỉ lắm. Dần thành nếp bốn con gái đều đảm đang, nghị lực. Giờ đây chúng con đã trưởng thành thậm chí ở cái tuổi lên ông lên bà. Chúng con bảo nhau nuôi dạy con cháu khỏe mạnh ngoan ngoãn, sống có ích cho xã hội. Chúng con tự hào là con của bố mẹ”...

Nhớ ít lần dự đám người nổi tiếng, có người chồng gọi vợ từ đầu đến cuối là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nội dung thì như nói về nghệ sĩ lớn nào đó không liên quan. Con tưởng nhớ cha gọi cha là nhạc sĩ này nhà văn kia, không phải “cha tôi”. Nhiều người điểm lại chặng đời của người thân toàn mốc thăng quan tiến chức, không toát lên gì.

Có một đám cực to và đông như thể người nằm xuống nổi tiếng lắm hoặc quan to, hóa ra chỉ là bà cụ có con làm giám đốc công ty rất “lộc lá”. Bà cụ thọ gần 90, sinh thời làm chức quan nhỏ xíu cấp phường, thế rồi bức tường đen ghi trịnh trọng “Đồng chí Trần Thị...”. Không phải “Bà Trần Thị...”. Thực sự trịnh trọng. Chắc chỉ vì con là giám đốc công ty hệ trọng. Thấy đông quá lại lắm người máu mặt đi đưa ma, một số đồng chí bèn lén bóc phong bì bổ sung ít ruột.

“Bốn đám cưới và một đám ma” là tên bộ phim Mỹ vui nhộn. Bài nhỏ này không định điểm “5 đám” nào mà chỉ ăn theo cái tựa, nhân chuyện tang ma cưới hỏi cuối mùa lễ hội này.

MỚI - NÓNG