Bông hồng trắng bất tử

Bông hồng trắng bất tử
TPCN - Từ tháng 3 đến nay, bộ phim "Sophie School, những ngày cuối cùng" được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nước châu Âu và đang là một phim có nhiều người xem nhất tại Pháp.
Bông hồng trắng bất tử ảnh 1
Một cảnh trong phim (Sophie School đứng giữa)

Nó được đồng thanh khen ngợi như một tác phẩm kinh điển, tuy vẫn bị chê ở đôi điểm phụ như âm nhạc quá mùi mẫn.

Đầu năm nay, một thực tế được ghi nhận là năm 2005 trên phạm vi toàn cầu, khán giả điện ảnh giảm 9% so với năm 2004. Ấy là căn cứ chủ yếu vào các thị trường lớn như Tây Ban Nha, Italia, Nhật bản, Pháp, Đức và Hoa Kỳ.

Sau Pháp, 14%, là Đức, nước giảm nhiều nhất, 20,4%. Nhiều câu trả lời cho tình trạng đó được đưa ra. Câu chung nhất là điện ảnh quên mất khán giả, quá thiên hay thiên quá lâu về giải trí rẻ tiền.

Hẳn băn khoăn ấy là một nguyên nhân lý giải thành công hiện nay của Sophie School, những ngày cuối cùng (Sophie School - Die Letz - ten tage, tiếng Đức), một phim gây ấn tượng ở Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 56 kết thúc 19 tháng hai vừa rồi, với giải nữ diễn viên tuyệt vời nhất dành cho Julia Jentch, vai Sophie Scholl.

Từ tháng Ba đến nay, bộ phim được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nước châu Âu và đang là một phim có nhiều người xem nhất tại Pháp. Nó được đồng thanh khen ngợi như một tác phẩm kinh điển, tuy vẫn bị chê ở đôi điểm phụ như âm nhạc quá mùi mẫn.

Sophie School, những ngày cuối cùng  là phim truyện thứ ba của đạo diễn trẻ Marc Rothermund, người từng làm hai phim hài rất được hâm mộ.

Nhạy bén với “thời tiết” điện ảnh không chỉ ở Đức, anh hiểu rằng  cần phải đi vào những đề tài nghiêm túc, cần phải đáp lại những câu hỏi luôn luôn thời sự, chả hạn, “Hành động thế nào trước bất công?” “Trường hợp nào, ta sẵn sàng quên mình đến cùng?”.

Chiêm nghiệm thực tế, anh tâm niệm rằng ở hầu mọi nơi trên thế giới, vẫn còn chiến tranh và chuyên chế. Vùng lên chống bất công và phi lý, từ chối nhắm mắt trước thực tại, đó vẫn là một cuộc chiến đấu liên tục cho tất cả những người có lương tri.

Anh nhớ lại một chuyện thật ở ngay nước Đức thời đại chiến II. Ấy là một phong trào chống Hitler tên là Bông hồng trắng bị phát hiện và đàn áp khủng khiếp thế nào.

Chuyện này đã đi vào sách giáo khoa lịch sử, song ít được nói đến ở nước ngoài, dù chính văn hào Đức Thomas Mann (1875 - 1995), Nobel Văn học 1929, đã công khai bày tỏ kính phục ngay bấy giờ. Nghĩa cử đáng trân trọng của Thomas Mann là một khích lệ lớn cho Marc Rothermund.

Tháng 6/1943, tiếng nói của Thomas Mann, bấy giờ lưu vong ở California, vang lên trên sóng Đài BBC về cuộc đấu tranh của Bông hồng trắng: “Hiện nay, thế giới đang xúc động về các sự kiện đã diễn ra ở Đại học Tổng hợp Munich. Tin này đến với chúng tôi qua báo chí Thụy Sỹ và Thụy Điển, lúc đầu sơ lược, về sau càng ngày càng cụ thể và bàng hoàng.

Bây giờ, chúng tôi biết rằng đấy là vụ việc liên quan đến Hans School, chàng trai thoát chết ở Stalingrad, và em gái của anh, Sophie School, rồi, Christophe Probst (...).

Chúng tôi hiểu rằng các sinh viên đã đứng dậy, phản đối bài phát biểu tục tĩu của một tên Đức quốc xã kỳ cục trong hội trường, rằng họ đã chết dưới lưỡi rìu máy chém (...).

Hỡi các cô gái chàng trai dũng cảm, thiên thần, các bạn không hy sinh vô bổ, các bạn sẽ không bị quên lãng.

Gần như đồng thời, năm 1982, đạo điễn Hà Lan Michael Verhoven và đạo điễn Đức Percy Adlon cùng làm phim về Bông hồng trắng, song cả hai phim đều không được Marc Rothermund hài lòng, vì chúng chưa đi vào tâm điểm của phong trào.

Tâm điểm này là cái chết cao cả và anh hùng của cô sinh viên Sophie School. Tìm hiểu kỹ nhân vật chính và Bông hồng trắng rồi, Marc Rothermund cậy nhờ tác giả các chuyện phim truyền hình của anh viết kịch bản Sophie School, những ngày cuối cùng.

Tác giả này, Fred Breinersdorfer, là nhà văn kiêm nhà soạn kịch và luật sư.

Sophie School 21 tuổi và anh trai Hans School 24, đều là sinh viên, đều từng xiêu lòng trước các thủ đoạn tuyên truyền của Hitler, song mau chóng nhận ra bản chất của Đức quốc xã. Hans hăng hái tòng quân, sang Nga “chiến đấu cho Tổ quốc Đức thân yêu”.

Chứng kiến người do thái và tù binh Nga bị lính phát xít bắn chết như những con vật, anh bị đổ vỡ về lý tưởng. Suy đi tính lại, anh quyết định quay về Đức và thành lập Bông hồng trắng như nói trên. Người hưởng ứng đầu tiên là em gái vốn lên án chế độ của Hitler là “độc tài của cái ác”.

Tiếp đó  là Christoph Probst, bạn của cả hai anh em. Christoph đã có vợ con, đấu tranh lật đổ Hitler vì hiểu rằng những người lao động bình thường như anh không sống nổi dưới chế độ của y.

Rồi nhiều sinh viên và thanh niên khác nữa tham gia phong trào. Bông hồng trắng dán nhiều khẩu hiệu đả đảo Đức quốc xã ở các bức tường công cộng, bí mật in truyền đơn tố cáo sự lừa bịp của Hitler và công bố thất bại chắc chắn của y, trước mắt là chiến bại chua cay ở Stalingrad, ngày 2 tháng Hai 1943...

Chuyện phim gói gọn trong sáu ngày, nhưng hàm chứa nhiều hiện thực xã hội và lòng người quan trọng. Nhân vật Sophie School được đạo diễn và diễn viên Julia Jentsch suy tính cẩn thận và thể hiện thành công.

Julia Jentsch không bận tâm đến việc ngoại hình và giọng nói của mình không giống của nguyên mẫu mà  tập trung tìm hiểu các sắc thái cảm nghĩ của nguyên mẫu qua nhật ký, thư từ, hỏi cung, bản án và nhân chứng đương thời, để diễn cho đạt một cô gái bình thường, “một mặt, đao phủ của School nói chưa bao giờ thấy một kẻ tử tù bước lên đoạn đầu đài đĩnh đạc như cô”, “mặt khác, cô đã khóc, khi biết bạn Christoph Probst của anh em cô bị bắt”.

Điều cốt lõi là bản lĩnh tâm hồn của Sophie School. Khâm phục phẩm chất người của cô, viên cảnh sát hỏi cung lõi đời với 26 năm kinh nghiệm Robert Mohr muốn mở cho cô một lối thoát: y tha tội cho cô, nếu cô từ bỏ lý tưởng, tố cáo các chiến hữu.

Cô không chấp nhận. Sophie School như đang sống thật trước mắt khán giả. Do đó, Julia Jentsch được tặng giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin vừa qua.

Cần ghi nhận, ấn tượng về Sophie School được như vậy một phần nhờ nhân vật Robert Mohr. Y mẫn cán với nhiệm vụ, song tự đáy lòng, y cũng nghi ngờ Hitler và coi Sophie School như đứa con trai cùng tuổi của y đang lăn lộn ngoài chiến trường...

Từ Bình Tâm

Theo Yahoo.cinema, Télérama, Scope

MỚI - NÓNG