Bù nhìn đứng giữa đồng mưa

Minh họa của Doãn Hoàng Kiên
Minh họa của Doãn Hoàng Kiên
TP - Mê khúc 1: Năm mười tuổi, vào một buổi chiều mưa ngồi nhìn ra cánh đồng trắng nhoà sau nhà, cô bé Tim trông thấy có một người bất động trong mưa. Cô bé tự hỏi tại sao người đó không tìm một chỗ trú mưa? Tại sao người đó bất động và cô độc đến thế?
Minh họa của Doãn Hoàng Kiên
Minh họa của Bùi Quốc Thắng.

Cô bé mới mười tuổi, không hình dung rõ mức độ của hai từ “cô độc”. Cô chỉ nhớ một tối mùa đông, trong căn nhà lạnh giá không một sắc màu sặc sỡ, mẹ cô cũng run rẩy thốt lên hai từ “cô độc”. Từ đó cô bé mặc định rằng “cô độc” có nghĩa là lạnh lẽo… như người bất động ngoài cánh đồng mưa kia…

Năm mười tuổi, lần đầu tiên cô bé giết một con kiến đen ngơ ngác lạc vào trang giấy kẻ ô ly trên bàn học. Đó là một buổi chiều lạnh giá. Cô bé im lặng ngồi nhìn ra cửa sổ, trong tay là chiếc bút chì màu hồng, một đầu bút đính cục tẩy cũng màu hồng, đầu kia vót nhọn hoắt.

Cô bé định viết hay vẽ cái gì đó lên trang giấy trước mặt. Chú kiến đen ngác ngơ bò vào trang giấy, bò qua bò lại. Cô bé ngắm kiến đen chăm chú, rồi bất ngờ lấy ngón tay cái có móng dài, từ từ xiết nhẹ ngang thân con kiến, ở ngay chỗ thắt eo của nó…

Nửa đầu của con kiến cuống cuồng lao đi tìm một chỗ ẩn, nửa thân sau bất động, một cái chân bị cưa đứt run rẩy bên cạnh nó. Con mèo trắng có đôi mắt xanh biếc nằm bên cạnh dường như không hay biết số phận bi thảm của con kiến, nó him mắt đợi chờ một cái vuốt ve.

Nhưng vào lúc ấy, nửa thân sau đã chết của con kiến bị nhấn chìm trong một giọt nước ấm và mặn mòi. Nửa thân sau đã chết của con kiến nghĩ rằng cuối cùng nó cũng được gặp biển.

…Mẹ nàng, vào một hôm nào đó tâm trạng bất thường, đã nói cho nàng hay rằng nàng vốn không phải là con gái ruột của bà. Khi còn trẻ, bà làm công cho một bệnh viện và một đêm nọ đã nhặt được nàng trong một cái thùng cacton.

Bấy giờ vợ chồng bà đã có một cô con gái. Họ đón nhận nàng như thể nàng là món quà của thượng đế, dẫu họ không có căn cứ gì để tin ở thượng đế. Nàng được đặt tên là Tim, một cái tên rất gợi.

Nàng có một tuổi thơ bình thường, không bận tâm gì đến việc mình bị một ông bố bà mẹ đẻ nào đó đang trôi trong đời kia bỏ rơi. Nàng chỉ hơi trầm lặng, điều mà bố mẹ nuôi nàng nghĩ hẳn đó là kết quả của một trái tim quá nhạy cảm.

Sau này, bố mẹ nuôi ly dị, nàng sống với chị gái nuôi. Bố mẹ nuôi của nàng sau khi ly dị, đã gần như ngay lập tức có gia đình mới. Họ ví hai chị em nàng như hai nửa của một tờ bạc mệnh giá cao, không có nửa kia thì không tiêu được. Có cả hai thì họ lại không thể tiêu chung.

Chị gái nàng cho rằng chị ấy có thể đảm nhận việc nuôi dạy nàng hoàn toàn tốt như một bà mẹ chỉn chu. Thực tế đã chứng minh như thế. Năm mười tám tuổi, trong khi bạn bè vẫn còn nhõng nhẽo bố mẹ, thì chị ấy đã kiếm được nhiều tiền từ các công việc làm thêm, có thể tự nuôi mình một cách sung túc. Chị gái nàng là mẫu phụ nữ hiện đại mà cả xã hội này mơ ước.

Năm đó bố mẹ nuôi của nàng ly dị. Nàng sống với chị gái nuôi. Chị ấy hai mươi, còn nàng tròn mười tuổi.

Mê khúc 2

Cô chủ nhiệm có mái tóc xoã ngang vai và đôi mắt đen dài nói với chị của cô bé rằng trong lớp học cô bé không bao giờ để tâm lên bảng, mà chỉ nhìn ra ngoài trời, ngay cả khi cửa sổ không mở. Nhưng lạ là hỏi gì cô bé cũng trả lời rất tốt. Trong lớp, em luôn là một trong ba người đứng đầu về thành tích học tập.

Người chị gái trẻ măng sau khi nghe cô giáo nói, lẳng lặng dắt em về căn nhà cấp bốn cũ kĩ nhưng rất sạch sẽ, căn nhà do cha mẹ họ khi tìm được tổ ấm mới đã để lại. Ngôi nhà nằm trong vườn thông già lặng lẽ, mái ngói thâm nâu luôn có vẻ ẩm thấp, một loài rêu nào đấy hoan hỉ mọc, lá thông phủ dày trên mái ngói, rụng đầy trên lối đi. Sau nhà là một cánh đồng. Một cánh đồng thi thoảng bị mưa phủ trắng xóa...

Người chị gái vuốt tóc em thầm thì: Giá như chị nhiều thời gian dành cho em hơn nhỉ? Giá như em chịu nói chuyện với các bạn thì tốt hơn không? Giá như…giá như…

Cô bé Tim hôm nào cũng ở nhà một mình. Người chị gái làm kế toán ở một công ty cách nhà ba cây số, luôn luôn về muộn vì các công việc bù đầu. Chị tháo vát nhưng giản dị. Vì nết giản dị ấy mà trong căn nhà của hai chị em không hề có lấy một bức poster ca sĩ, diễn viên hay ban nhạc nào cả. Khi có một mình trong nhà, cô bé chỉ ngồi nhìn ra cánh đồng, nơi có người bất động trong mưa, trong nắng.

Nhưng nhiều năm trôi qua, chị gái nuôi của nàng vẫn không thành đạt dẫu thay chỗ làm xoành xoạch. Chị bảo chị là người tài giỏi nhưng không thông minh. “Thông minh” ở đây được hiểu theo nghĩa là “biết sống”. Khi còn là sinh viên, việc kiếm được nhiều tiền do năng động lại không mấy liên quan đến việc “biết sống” hay không biết sống. Khi đi làm, người ta chú trọng việc biết sống hơn tài năng. Việc này thoảng nghe thì phi lý. Nhưng thực tế lại rất có lý…

Nàng lơ đãng lướt qua màn hình máy tính, chị nàng đang than thở với anh người yêu cách xa tận Tân Tây Lan về đường công danh lận đận...

Bên tai nàng là tiếng nỉ non của con chuột nhỏ. Con chuột nhỏ là một trong những con chuột bị nàng bắt và sẽ giết chết rồi ném xác ra đường. Những xác chuột chết bị xe cộ qua lại cán bẹp dí, hôm sau chỉ nhìn thấy một mảng bết lại, khô cong, rồi bằng cách nào đó tan biến không một dấu vết.

Con chuột nhỏ thôi nỉ non, ngước đôi mắt hạt đậu đầy run rẩy lên nhìn nàng. Bình thản và cẩn trọng, một tay nàng dùng chiếc que ấn con chuột xuống, tay kia nhón lấy đôi tai nó, mặc nó giẫy giụa tuyệt vọng, nàng từ từ ấn đầu và cả thân con chuột xuống chậu nước, một chốc lại nhấc lên, lại ấn xuống. Cuối cùng, nàng vứt xác con chuột ướt mẹp ra đường trong khi hai hàng nước mắt chảy dài...

Nàng đi qua sau lưng chị gái, chập chờn dòng chữ lấp lánh anh kia gửi cho chị nàng: “Em lẩm cẩm hay sao? Tim đâu có phải máu mủ ruột rà gì với em nào…”.

Linh tính nhạy cảm, chị nàng ẩn rất nhanh câu chuyện, quay sang thảng thốt: “Tim, sao em khóc thế?”

Mê khúc 3

Một hôm, cô bé Tim chợt hiểu rằng hình như người luôn bất động ngoài cánh đồng mưa kia không phải là người thực. Người thực thì không thể lúc nào cũng ở nguyên một chỗ như thế. Thế thì ai đã đứng đó trong nắng, trong mưa?

Cô bé Tim bước trên lối đi rụng đầy lá thông, chầm chậm tiến ra ngoài cánh đồng. Cánh đồng vùn vụt gió. Tấm áo của người bất động tung bay phần phật. Cỏ xanh mềm và ẩm ướt dưới chân. Cô bé đứng im lìm trên cỏ. Người bất động không có mặt mũi, chỉ có một chân và hai tay dang rộng. Chiếc nón lá rách bươm đội trên đầu cũng lúc lắc theo từng cơn gió…

“Tôi biết thế nào bé cũng đến. Bé muốn nói chuyện cho tôi khỏi buồn phải không? Ở đây rất buồn, chỉ có gió…chỉ có gió…”.

… Khi cô bé mở đôi mắt trong veo thì người thanh niên thôi nhìn đám lá thông vi vút trên đầu.

“Chết. Em bị cảm gió ngoài đồng, may mà anh trông thấy, không thì…lần sau không được ra đồng một mình đấy nhé”.

Đó là lần đầu tiên chị em cô bé gặp Minh, chàng kĩ sư nông nghiệp có đôi mắt thật vui. Minh kể, từ xa thấy một cô bé đi ra đồng, đứng bất động rất lâu trước con bù nhìn trông lúa giống của anh. Một lúc lâu nữa không thấy cô bé đâu, chạy đến nơi đã thấy bất tỉnh nhân sự.

Từ buổi trưa nhiều gió đó, cô bé nhận ra mình biết nói chuyện với người bất động. Người bất động bảo người ấy có nhiệm vụ đuổi chim, đuổi chuột, chim chuột là giống ăn hại mùa màng, phải diệt chúng đi. Cô bé nghĩ đến việc giết chết những con kiến, rồi những con gián. Lần nào cô bé cũng vừa giết chúng vừa khóc. Rồi cô bé bắt đầu giết chuột. Một công việc đầy đam mê và cũng đầy nước mắt…

…Một lần, đôi mắt người chị gần như tê dại khi nhìn thấy cách cô bé giết chết con chuột. Và bằng một giọng hơi nghẹn, chị hỏi: “Em ác thế? Lúc bé em còn không bao giờ giết một con kiến cơ mà?”

Cô bé không nhớ khi còn sống chung với bố mẹ nuôi, cô có không bao giờ giết một con kiến như lời người chị gái nói không.

Một đồng nghiệp của chị gái nàng nói rằng “u sầu” không phải là tính cách, mà là một loại bệnh. Nó là cách nói khác đi của bệnh trầm cảm. Bệnh này không đơn giản và dễ chữa, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến tử vong.

“Trầm cảm ư? Em tôi không thể nào bị bệnh trầm cảm được. Em học giỏi, rất ngoan…”.

Minh bảo có thể khi còn bé, em ấy gặp một biến cố nào đấy lớn lao…Rồi anh kịp dừng lại, ánh mắt lảng đi chỗ khác, anh biết lâu rồi, biến cố ấy là gì…

…Nàng hay ngắm mình trong gương. Thiếu nữ mười bảy tuổi trong gương trao lại cho nàng một cái nhìn lạnh giá. Mẹ nàng thi thoảng ghé thăm hai chị em, kiểu ghé thăm đầy ban ơn và tò mò. Bà thường nhìn nàng rất lâu, rồi lại bảo sao không thấy có ai tìm kiếm nàng nhỉ?

Anh Minh luôn đợi chị nàng khi chị ấy về muộn, một hôm bảo với nàng rằng bé có biết không, bây giờ nhiều người sống bằng tim giả lắm. Giống người tim giả ấy rất đáng sợ, rất đáng sợ… Anh lại bảo nhiều người tim giả ấy hay lấy lòng người khác bằng cách gào lên cho cả thiên hạ biết là tôi yêu cô ấy/anh ấy mãi mãi. Bằng cách nào ư? Là gọi điện đến chương trình của đài, vô tuyến, vân vân. Rồi anh lại gật gù, dù sao trong bọn tim giả ấy cũng có thằng tim thật. Dù sao họ cũng có một phần can đảm…

Chưa khi nào anh Minh nói đợi chị nàng về vì… muốn đợi. Anh chỉ bảo tình cờ ghé qua. Nàng thinh lặng nghe hai người nói chuyện. Chiếc bút chì màu hồng có một đầu đính cục tẩy và một đầu vót nhọn. Nàng cầm nó trong tay, trước mặt là trang giấy trắng.

Con mèo trắng có đôi mắt xanh biếc luôn nằm bên và him mắt. Con mèo đã già đi nhiều, giọng meo của nó đã khàn đi. Nó thường bình thản và ngoài cuộc những vụ giết chuột của nàng… Đêm đêm, nàng nghe thấy tiếng nhón chân của nó trên nền ẩm mục lá thông, trên nền xanh êm của loài rêu mọc trên mái nhà.

Một đêm, chị nàng dùng điện thoại dò sóng FM, có một chương trình mà người ta công khai gửi lời tỏ tình đến với người mình yêu, mà vì lẽ nào đó trong đời thực họ không nói được.

Chị thở dài…

Mê khúc 4

Anh Minh tuần nào cũng ghé qua nhà cô bé một đôi lần, thường thì anh đứng ở sau nhà, một tay chống hông, một tay vịn vào chấn song cửa sổ, cả mắt và miệng anh cùng cười. Anh bảo mỗi vụ anh phải làm một bù nhìn mới, ban đầu chỉ là bù nhìn rơm và trang trí qua loa thôi, nhưng sau anh nảy ra ý nghĩ tại sao không làm một bù nhìn như người thật. Để làm gì nhỉ? Chả biết, chỉ biết có ai đó trong thẳm sâu mách bảo như thế.

Nhưng bao bù nhìn thế chỗ bù nhìn xưa, thì cô bé đều biết thực ra không có ai thay thế cả, vẫn giọng nói ấy, vẫn tâm tình ấy, bù nhìn không khi nào thay đổi tấm lòng. Bù nhìn lần đầu tiên nói chuyện với cô bé, hứa rằng sẽ tặng cô bé một món quà nhiều ý nghĩa.

Một buổi trưa ghé qua cửa sổ, anh Minh trao cho cô bé một món quà: Một cây bút chì màu hồng có khắc chìm ba chữ cái “TIM”

Bù nhìn nắm chặt tay nàng “Ta đi thôi!”.

Nhưng chàng đứng lặng, đôi mắt hẫng hụt chơi vơi nhìn ra cánh đồng mưa. Một cơn mưa bất ngờ dữ dội khiến những chiếc xe tải ù ì chở đất lấp đồng ngẩn ngơ và chịu nằm chết dí, chờ cơn mưa qua. Bù nhìn thảng thốt, còn nàng tuôn nước mắt như vừa giết chết nhiều con chuột.

Chị gái nàng nằm trên giường nghe sóng FM, bên ngoài là cơn mưa tháng sáu. “Xin mời chủ nhân số điện thoại 090… nhận món quà là ca khúc… do số điện thoại … 098… gửi tặng với lời nhắn “lời bài hát cũng là lời anh muốn nói với em…”.

Giọng chị nàng nghẹn ứ “Trời ơi! Tên ngốc này! Bao nhiêu năm sao không nói…”.

Chị chạy đến bên nàng, muốn khoe với em về món quà lãng mạn, lại nghĩ em ngủ rồi nên thôi.

…Nàng để tay mình trong tay bù nhìn, hai người đi vào mưa. Bỗng nàng sựng lại. Nàng quên không mang đi một món quà. Chiếc bút chì màu hồng, bảy năm trôi qua, chỉ được viết duy nhất bức thư yêu cầu bài hát gửi chị nàng thay Minh.

Chị nàng cầm cây bút chì trên tay ngắm nghía. Có lần nàng bảo bút chì nếu viết sẽ mòn đi mãi mãi.

Gió và mưa lay rèm vải phơ phất… Chị nàng ngồi nhìn ra sau nhà, lần đầu tiên thấy hai bù nhìn đứng giữa đồng mưa.

Mê khúc…

Bù nhìn đứng giữa đồng mưa ảnh 2
Không sex, không bạo lực, không trinh thám, tóm lại là không gây sốc, Phạm Thanh Thuý lặng lẽ đi vào văn chương.

Tôi đã hơi ngỡ ngàng dưới dòng địa chỉ mà Thuý ghi dưới các truyện ngắn viết tay của mình: Đài truyền thanh xã Thuỷ Xuân Tiên – Chương Mỹ – Hà Tây (cũ). Một cô phát thanh viên cấp xã, ngoài giờ đọc tin thì ngồi viết văn, cũng gợi. Cô gái này đã âm thầm viết rất nhiều truyện ngắn.

Sinh năm 1979, năm rồi Thuý lại đi học, và dòng địa chỉ nay ghi: sinh viên K12, Khoa sáng tác lý luận và phê bình văn học, ĐH Văn hoá Hà Nội.

“Tôi chỉ có một mong muốn giản dị là được kể một câu chuyện giản dị bởi một cách giản dị”. Thuý nói. Nhưng đọc truyện ngắn Bù nhìn đứng giữa đồng mưa, tôi thấy nó không hề giản dị.

MỚI - NÓNG