Bức ảnh cuối cùng của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc

Bức ảnh cuối cùng của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc
TP - Giữa mùa gió Lào, đoàn công tác của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam lên đường vào Hà Tĩnh, chỉ để trả một tấm ảnh về đúng nơi đã chụp ra nó gần 40 năm trước. Nơi đó là ngã ba Đồng Lộc.
Bức ảnh cuối cùng của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc ảnh 1
Bức ảnh cuối cùng của 10 nữ TNXP ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: Văn Sắc

Tiểu đội của 12 cô gái ngã ba Đồng Lộc vẫn còn đầy đủ trong cú bấm máy của anh phóng viên TTXVN Văn Sắc. Ai ngờ đó chính là lần chụp ảnh cuối cùng của 10 cô trong số đó.

Chuyện kể ở Đồng Lộc

Ngã ba Đồng Lộc giờ đây là những đồi thông xanh tươi. Nhà bia tưởng niệm Thanh niên Xung phong toàn quốc đang được nâng cấp. Đường lên đài quan sát La Thị Tám đang được lát đá.

Một gác chuông nay mai sẽ mọc lên gần nơi 10 cô yên nghỉ. Nơi các cô ngã xuống chỉ còn một cái hố nhỏ nằm lọt thỏm bên khu mộ cao ráo ốp đá trắng. Hố bom duy nhất các cô không thể nào lấp được...

Trước đây, hàng vạn cái hố như vậy bom Mỹ đã xới lên trên đất này. Nếu không có ảnh tư liệu, không ai có thể hình dung được thế nào là 3 quả bom cho 1m2. “Qua đây, không ai muốn dừng lại, nhất là vào ban ngày”. Văn Sắc kể. Trừ những người làm nhiệm vụ.

Anh Nguyễn Xuân Linh- đại đội trưởng nhớ lại buổi ban đầu giao nhiệm vụ thông đường lấp hố bom cho các cô. Đó là vào tháng 10/1967, sau bữa ăn đạm bạc với muối vừng, trong khi anh còn chần chừ chưa nói nên lời, thì các cô đã tự giao nhiệm vụ bằng một câu giản dị:

“Xin thủ trưởng cứ yên tâm. Có cái ăn trong bụng rồi thì khó khăn đến đâu chúng em cũng sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh!”.

Thời ấy là thế. Chị La Thị Tám nói: “Biết là có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng không cho phép bất cứ ai được đắn đo chần chừ, mà chỉ có tìm mọi cách hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ tập thể giao”.

Ngoài việc đếm bom, sau mỗi lần bom bỏ, chị lại chạy thoăn thoắt đi khắp nơi, cắm tiêu đánh dấu vị trí có bom nổ chậm... Anh hùng Uông Xuân Lý nhớ lại , ban ngày ngã ba không có người đi qua, ban đêm không đèn.

Từ 6 giờ tối, anh lên xe ủi đi ủi... bom. Ngày 3-5 quả, có ngày 10 quả. Trước lần ủi cấp tốc 2 quả bom từ trường, đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho Lý. Vì không ai nghĩ anh còn quay về, trong khi chỉ cần cái xẻng lướt qua là bom nổ...

Những chuyện trên được kể trong cuộc giao lưu Huyền thoại Đồng Lộc- do T.Ư Đoàn TNCS HCM và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức tối 14/7 ngay dưới chân tượng đài Ngã ba Đồng Lộc.

Những nhân chứng gần gũi hơn cả với các cô chỉ có La Thị Tám - học cùng trường cấp I với Nguyễn Thị Xuân, nhà thơ Yến Thanh - tác giả bài thơ nổi tiếng gọi hồn Hồ Thị Cúc và anh Võ Tây Sơn - em ruột Võ Thị Hà.

Anh Sơn nhớ lần chị tạt qua nhà rồi lại tất tả vào ngay đơn vị để làm ca đêm, không kịp ăn tối với mẹ và em. Đó là lần cuối cùng Sơn nhìn thấy chị.

Bức ảnh cuối cùng của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc ảnh 2
Nhà nhiếp ảnh Văn Sắc thăm lại 10 cô gái ngã ba Đồng  Lộc

Chuyện của người dựng tượng bằng ảnh

Có một anh phóng viên, kể từ 1964, cũng được TTX Việt Nam giao nhiệm vụ chuyên trách mảng giao thông vận tải ở chiến trường. Văn Sắc đến Hà Tĩnh đầu hè 1968.

Trưởng Ty Giao thông Vận tải giới thiệu: “Có đội TNXP hay lắm - đội 55. Cậu nên đến!” Đội 55 lại giới thiệu xuống đại đội 552, và đại đội chỉ Sắc đến A4 - đúng tổ của các cô...

20 ngày sau khi các cô mất, Văn Sắc đã mang ảnh vào nơi chụp ảnh. Nhưng mới chỉ là ảnh in trên báo. Anh Nguyễn Xuân Linh ôm tờ báo khóc...

Tới tận bây giờ, ảnh đúng là ảnh (khổ 75x100) mới được đem “khoe” với các cô. Một bức để treo trong nhà, một bức khổ lớn tráng composit trong suốt để ngoài trời.

Đáng ra, khán giả của cuộc giao lưu còn được nghe một câu chuyện nữa... Nhưng khi Văn Sắc và Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Chu Chí Thành lên sân khấu trao ảnh, ông Chủ tịch tỉnh ra nhận, thì mọi người chỉ được biết người trao ảnh là đại diện của Hội NSNA.

... Ngay từ lúc được đại đội trưởng Linh giới thiệu với các cô, Văn Sắc đã khá ấn tượng vì mấy cô nghịch ngợm nhảy cả lên bàn ngồi. Các cô ở nhà dân ngay sát ngã ba.

Buổi tối, đọc sách báo, khâu vá, viết thư... dưới ánh đèn dầu. Ban ngày, ngoài  2 buổi học văn hóa, các cô tăng gia, phụ giúp gia đình mình ở... Một đêm một ngày ở Đồng Lộc có lẽ còn chưa đủ để anh phóng viên ảnh gọi đúng tên cả 12 cô.

Quả thực ở trọng điểm đánh phá này, nếu không vì nhiệm vụ, không ai muốn dừng chân lâu. Văn Sắc cũng vậy, xong nhiệm vụ là đi ngay. Phim ảnh lúc đó không có nhiều, anh tiêu tốn cho Ngã ba Đồng Lộc cả thảy 10 kiểu (trong đó có 2 kiểu tập thể).

Vậy nên cũng không có chuyện các cô xin chụp ảnh lưu niệm chẳng hạn...

Kiểu ảnh lịch sử được bấm buổi chiều, khoảng 5 giờ. Văn Sắc chọn phim 6x6 để lấy được toàn cảnh hố bom. Sau khi sắp xếp toàn tiểu đội làm nhiệm vụ bên hố đầy nước, anh nhận ra không chỉ có 1 mà 2 lần bóng của các cô soi xuống.

“Bóng dưới đáy nước thì dễ, lúc nào cũng có thể có được. Còn cái bóng nằm ngang ngang trên thành hố bom ít thấy lắm,” nhà nhiếp ảnh cho biết. Chứng tỏ mặt nước lúc đó phải đủ phẳng lặng để phản chiếu bóng người.

Nhà nhiếp ảnh đã không để vuột mất khoảnh khắc bình lặng quý giá ấy. Ảnh chụp ngược sáng. Chính người cũng trở thành những cái bóng viền sáng trên nền trời và đất. Như thể một hàng tượng đài sống.

Hoàn toàn có thể dựng tượng các cô trong tư thế đó - tư thế quen thuộc trong suốt 300 ngày, cho đến khi vĩnh viễn bị một quả bom phá hỏng vào khoảng 5 giờ chiều 24/7/1968, tức chưa đầy 20 ngày sau cú bấm máy của Văn Sắc...

Bóng của các cô mang lại chiều sâu thị giác cho bức ảnh. Còn sự hy sinh của các cô đã mang lại chiều sâu tâm linh cho nó. Bức ảnh trở thành một trong 2 tác phẩm đem lại cho Văn Sắc giải thưởng Nhà nước 2007.

Trở lại cuộc giao lưu, phần cuối, khi cựu nữ TNXP Nguyễn Thị Minh Phiên giới thiệu 11 đồng đội cùng ăn, cùng ở, cùng làm trong một trang trại bò sữa ở Thanh Hóa, các cô gái năm xưa đứng lên, vẫn bên nhau trong bộ quân phục bạc màu, vẫn cười bẽn lẽn.

Một cái kết có hậu khác cho một “tiểu đội” khác. Còn biết bao người đã ngã xuống ở ngã ba này và biết bao “ngã ba” khác trên tuyến đường lịch sử?

Bao nhiêu nữ TNXP đang sống độc thân, gia cảnh nghèo khổ như những gì đã được thấy trên màn hình trong buổi giao lưu. Người ra đi đã thành huyền thoại, còn người ở lại?

MỚI - NÓNG