Bức tranh cao giá nhất xưa nay: 135 triệu USD

Bức tranh cao giá nhất xưa nay: 135 triệu USD
TPCN - Được vẽ năm 1907, gần như cùng thời với "Chàng trai với chiếc tẩu" của Picasso (1905), "Adèle giầu sang" vừa được mua với giá khó tưởng tượng nổi: 135 triệu USD.
Bức tranh cao giá nhất xưa nay: 135 triệu USD ảnh 1
Bức "Adèle giàu sang" của họa sỹ Áo Gustav Klimt (1862 - 1918) vừa được mua với giá kỷ lục: 135 triệu USD.

Trung tuần tháng sáu vừa rồi, giới mỹ thuật rung động vì một sự kiện phi thường. Những tưởng bức tranh Chàng trai với chiếc tẩu của Picasso còn ngự  lâu trên ngôi vị cao giá nhất thế giới với 104,1 triệu USD (từ 2004).

Nó vừa bị truất ngôi bởi một tác phẩm của một họa sỹ ít được nói đến hơn. Đó là chân dung Aidèle Bloch-Bauer I, thường gọi là Adèle giàu sang, của họa sỹ Áo Gustav Klimt (1862 - 1918). 

Có điều, khác năm 2004, lần này người ta bàn tán không nhiều về giá trị bức tranh mà tập trung vào cuộc chiến pháp lý và cuộc đời chìm nổi của nó trước khi về đúng chỗ của mình.

Adèle là ai? Bà là con gái một ông chủ nhà băng ở Vienne, một phụ nữ đi trước thời đại, am tường nghệ thuật, mở một phòng văn lừng danh ở thủ đô Áo, cùng chồng trợ giúp hào hiệp các văn nghệ sỹ đương thời.

Chồng bà, Ferdinand Bloch-Bauer, thuộc dòng dõi một gia tộc Do Thái giầu có ở Vienne. Ông là một đại gia về công nghiệp đường, một Mạnh Thường Quân nghệ thuật và  một nhà sưu tầm sành điệu.

Trong những nghệ sĩ hay lui tới Phòng văn của bà Adèle Bloch-Bauer, họa sĩ Gustav Klimt hết sức ngưỡng mộ bà, đã vẽ cho bà hai bức chân dung nổi tiếng, mà một đang được đề cập ở đây. Ông còn vẽ tặng bà ba bức phong cảnh.

Năm 1923, biết mình sắp qua đời (1925), bà viết thư cho chồng, đề nghị ông tặng năm bức tranh trên cho Bảo tàng Belvedere ở Vienne. Chồng bà không theo ý vợ.

Khi đại chiến II nổ ra, ông phải trốn tránh, phá sản và chết thê thảm 1946 ở Thụy Sĩ. Trong di chúc, ông để lại bộ sưu tập nghệ thuật của vợ chồng ông cho con cháu.

Con cháu ông li tán hết trong chiến tranh. Một vài cháu vượt đại dương sang Hoa kỳ. Trong số đó, hiện chỉ còn sống người cháu gái gọi ông là chú ruột. Đó là Maria Altmann, năm nay đã 90 tuổi, ở California.

Mãi đầu những năm 1990, bà mới biết đến di chúc nói trên và hiểu rằng mình là chủ nhân đích thực của năm bức tranh Klimt vẫn được trưng bày ở Bảo tàng Belvedere ở thủ đô tổ quốc quê hương.

Khi phát xít Đức hoành hành ở Áo, chúng đã cướp đi số tranh đó. Chiến tranh kết thúc, chính phủ áo tịch thu và cho bày ở Belvedere suốt 60 năm. Cần ghi nhận một chi tiết cảm động.

Mấy chục năm qua, bức Adèle Bloch-Bauer I càng ngày càng được hâm mộ ở Áo, được coi như một báu vật quốc gia. Nó được ngợi ca là La Jonconde của CH Áo, được in hình lên áo phông hay tách trà.

Bà Maria Altmann chính thức nhờ pháp luật can thiệp để đòi quyền sở hữu năm bức tranh từ 1999, sau khi thương lượng mãi với chính phủ Áo không thành.

Thủ tục pháp lý rắc rối phiền hà, bà vẫn không nản. Thậm chí, bà còn nhận ra người ta cố ý kéo dài vụ kiện, hy vọng bà qua đời trước phán quyết cuối cùng.

Song do suốt đời sống như một người lao động thực thụ, với nghề bán quần áo, bà cứ kiên nhẫn chờ đợi và tìm đường, chứ không bỏ cuộc. Nghe theo nhiều lời khuyên, bà đề nghị Toàn án tối cao Hoa kỳ giúp đỡ.

Toà này đã cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình xem xét. Thoạt đầu, lập luận được lưu tâm nhất là dù sao, Áo cũng là đồng minh của Mỹ trong Đại chiến II.

Thế nhưng, Áo lại cũng là nạn nhân của chủ nghĩa phát xít Đức, rồi một số lãnh tụ phát xít, bắt đầu từ Hitler, sinh ra ở Áo. Cho nên, việc trao lại năm bức tranh cho Maria Altmann là phải lẽ, hợp lòng.

Cuối cùng, Toà tối cao Hoa Kỳ ủy thác cho một tòa trọng tài ở Vienne phân xử. Toà trọng tài đề nghị bên bị và bên nguyên tự dàn xếp theo kiểu thỏa thuận.

Tòa tối cao Hoa Kỳ bèn gây sức ép, buộc bà Maria chấp thuận cách này. Các chuyên gia vào cuộc. Bà Maria đồng ý nhượng lại năm bức tranh cho chính phủ Áo với giá 300 triệu USD, riêng bức Adèle Bloch-Bauer I chừng 100 triệu euros, tức gần 150 triệu USD.

Bức tranh cao giá nhất xưa nay: 135 triệu USD ảnh 2 
Danh họa Áo Gustav Klimt (1862 - 1918)

Chính phủ Áo không trả được món tiền ấy. 5 bức tranh được chuyển sang Hoa Kỳ đầu tháng Hai năm nay. Từ ngày 4/4, chúng được triển lãm ở Bảo tàng Lacma, Los Angeles.

Đây là cách bà Maria Altmann bày tỏ lòng biết ơn xứ sở đã đón nhận và cưu mang bà khi bà chạy trốn họa phát xít mấy chục năm xưa, giờ đây lại giúp bà lấy lại được tài sản của gia đình.

Dĩ nhiên, con cái bà để ngỏ khả năng các tổ chức và cá nhân ở CH áo mua lại các họa phẩm Klimt. Maria mong muốn ít ra bức chân dung Adèle Bloch-Bauer cũng được hiện diện mãi mãi ở một bảo tàng, bảo tàng là cầu nối  châu Âu với châu Mỹ thì càng hay.

Thế là diễn ra cuộc bán đấu giá ở New York vào giữa tháng 6. Người mua bức tranh được đánh giá là “tư liệu gốc của nghệ thuật thế kỷ XX” là tỷ phú Ronald Lauder (tài sản trị giá 2,7 tỷ USD tính đến tháng ba vừa rồi).

Nhà tỷ phú rất đỗi tự hào về việc bà Maria Altmann thắng kiện: “Ấy là  kỳ tích của cả một đời”. Ông còn tự hào hơn về kiệt tác Adèle Bloch - Bauer I của Gustav Klimt: “Bức tranh này là cốt tử với bảo tàng của chúng tôi, chẳng khác gì Mona Lisa đối với Bảo tàng Louvre”.

Niềm vui của nhà tỷ phú càng làm chạnh lòng rất nhiều người dân Los Angeles chưa kịp chiêm ngưỡng bức tranh, cũng như nhiều nhà sưu tập, chuyên gia và người mê hội họa ở áo đang tiếc nuối bức tranh đáng lẽ ở lại với họ nếu chính phủ ứng xử nhanh nhạy và rộng lòng.

Ronald Lauder từng là đại sứ Hoa Kỳ ở CH Áo hai năm 1986, 1987. Ông hiện là một tay trùm mỹ phẩm. Cách đây năm năm, ông cùng bà René Price xây dựng ở New York Phòng trưng bầy Neue Galerie, quy mô bảo tàng. Từ ngày 13 tháng bảy, bức Adèle giầu sang được trưng bày trang trọng ở đây...

Hà Thu Trang
Tổng hợp

MỚI - NÓNG