Buôn bán trẻ ở chùa Bồ Đề: Chúng sinh dương thế

TP - “Buôn bán trẻ em từ nhà chùa, trời không dung đất không tha”. Một bạn đọc của Tiền Phong – TS Cung Khắc Lược đã bức xúc gọi điện chia sẻ như thế. Theo ông, xã hội có ba hạng người được gọi là “thày”: thày giáo, thày thuốc và thày chùa. Họ lo cho xã hội ở những rường cột quan trọng nhất: giáo dục, y tế và tâm linh. Khi những vị thày này suy đồi, xã hội cũng suy đồi theo.

Trở lại câu chuyện ở chùa Bồ Đề, thông tin mới nhất từ cơ quan chức năng, trong tuần tới sẽ có những kết luận đầu tiên về vụ buôn bán trẻ em gây nhức nhối dư luận xuất phát từ nơi lẽ ra phải là chốn đại từ đại bi. Điều mà dư luận quan tâm nhất, đó là làm rõ các hành vi và trách nhiệm của vị nữ trụ trì ngôi chùa này. Không thể đổ tội cho những kẻ thừa sai, trong khi chính bà này đã ký tên rành rành trong một văn bản “chuyển nhượng” một đứa trẻ. 


Và theo nhiều nhân chứng, cũng chính là người lệnh cho các bảo mẫu ở đây cho các cháu ăn chỉ với mức 1.000 đồng một bữa. Thế nên, mới có bức ảnh làm nhói đau những trái tim thiện nguyện, trong đó một cháu bé mới chỉ 3-4 tuổi – ngụ tại chùa này - đang cố công vét những gì còn sót lại ở một vỏ đồ hộp. Hiện cũng chưa rõ cháu bé tên gì, giữa hàng loạt những cái tên được những kẻ ác tâm nơi đây cố tình đặt trùng lắp cho các cháu, hòng che mắt nhân gian. 

Ngoài luật pháp nhà nước, còn đó những luật đời, luật nhân - quả của nhà Phật… Nhưng đầu tiên, mong rằng luật pháp sẽ công minh, xét xử đúng người đúng tội, không trừ một ai, dù họ đang khoác áo nào; tìm ra được những cháu bé đang bị lưu tán từ đây một cách khuất tất. Cũng phải lật mặt những kẻ lợi dụng lòng nhân của thập phương bách tính, lợi dụng bóng mát bồ đề cửa Phật để thu tiền hưởng lợi. 

Rằm tháng bảy cũng là lúc xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày cúng cô hồn cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không còn thân nhân trên dương thế thờ cúng. 

Chợt nghĩ, đối với những đứa trẻ vừa mới sinh ra đã phải mang phận bơ vơ, những người nghèo khổ, khuyết tật không gia đình - nhà nước và xã hội đã có sự quan tâm, nhưng rõ ràng là chưa đủ. Đó là chưa kể vẫn còn kẻ ác tâm lợi dụng những người ấy. Thường nghe, trần sao âm vậy. Thế nhưng, tại sao đã có ngày cả nước lo cho âm phần, mà lại chưa có ngày cả nước cùng nhau lo cho những chúng sinh khốn khổ đang sống ngay nơi dương thế?

Một ngày. Hãy bắt đầu với một ngày như thế. 

MỚI - NÓNG