Buồn vui đời Cascadeur

Buồn vui đời Cascadeur
TP - Là người đóng thế nhiều bậc nhất VN, từ chục năm nay cái tên Quốc Thịnh đã trở nên quen thuộc với thương hiệu “nhóm cascadeur Quốc Thịnh”.
Buồn vui đời Cascadeur ảnh 1
Cascadeur Văn Long trong một pha hành động

Hẹn gặp Thịnh để tìm hiểu nghề diễn viên đóng thế - mà tôi ngỡ đầy chất lãng mạn - không ngờ lại được nghe nhiều chuyện buồn.

Cascadeur không phải sắt thép

Lê Quang xuất hiện với khuôn mặt ướt nhẹp vì mưa. Nhìn Quang gầy mảnh không ai nghĩ là cascadeur, nhưng anh vừa hoàn thành vai phó tướng Kha trong bộ phim đình đám Dòng máu anh hùng (còn có tên Anh hùng khởi nghĩa) của Johnny Trí Nguyễn.

Với bộ phim này anh vừa làm một việc cực chẳng đã: Gửi đơn kiện lên tòa án đòi bên sản xuất phim là Cty TNHH Chánh Phương (do ông Nguyễn Chánh Tín làm giám đốc) phải bồi thường.

Quang buồn rầu: “Mắt phải của tôi bác sĩ vừa bảo bây giờ thị lực chỉ còn 1/10”. Đơn của Quang gửi tóm lược thế này: Ngày 29/3/2006, khi đóng vai Kha bắn giải vây cho nghĩa quân chạy, theo kế hoạch tôi ngắm súng bắn còn chuyên viên về khói lửa người Thái Lan phụ trách phần khai hỏa kíp nổ, nhưng khi tôi vừa ngắm chưa kịp bóp cò thì chuyên viên kia đã bấm kíp nổ, do gắn kíp nổ ngược nên đạn nổ, thay vì khạc lửa ra đằng trước lửa lại phụt về sau thẳng vào mắt phải của tôi”.

Ngày 17/4, Quang đến trung tâm y tế ở Việt Bắc (TP Thái Nguyên), bác sĩ chẩn đoán mắt phải hư hoàn toàn, đề nghị mổ laser hầu cứu vãn thị lực. Ngày 22/5, Quang vào Viện mắt Điện Biên Phủ (TPHCM) được bác sĩ kết luận “Thị lực mắt phải 2/10, thị lực mắt trái 10/10”.

Lê Quang học Taekwondo, bạn bè hay gọi vui là “Bin Laden”, tốt nghiệp quay phim, làm nhiều nghề: diễn viên, cascadeur, phó đạo diễn chương trình ca nhạc...

Anh than: “Ngay từ đầu người ta không tận tình đưa tôi đi khám, sau đó họ dẫn tôi gặp một bác sĩ, ông này lại bảo mắt tôi hư từ trước. Hợp đồng đóng vai này là 10 triệu đồng thôi, quay hơn 2 tháng”..

Quang lo sau này mất nghề mà “tôi đang cảnh gà trống nuôi con gái mới hơn 3 tuổi”. Bác sĩ bảo có 2 giải pháp: Một là đeo kính dày như đít chai, hai là phải mổ để cứu vãn thị lực.

“Phó tướng Kha” làm cho bộ phim chưa ra mắt đã ùm xùm khởi kiện, chuyện không hiếm ở Hollywood, không khéo làm phim nổi hơn. 

Sau tai nạn  này  Quang “Không hối hận vì đã yêu nghề, trải qua 8 nghề như bảo vệ, bồi bàn, quản lý nhà hàng, khách sạn… rồi cũng quay về cascadeur, không bỏ được”. 

Chuyện nhiều lần đối mặt tử thần của cascadeur thì Quốc Thịnh không thể kể hết: Có lần tôi thế vai người đụng xe, thấy ướt trên đầu, hỏi bạn diễn: “Tét sâu không?”, “Sâu thì không sâu nhưng dài”, “Cứ để đó hay đi may?”, “Nên đi may”.

Vậy là mượn cái khăn mùi soa ấp lên đầu, đội nón rồi vào bác sĩ, câu đầu tiên bác sĩ hỏi: “Mới chém lộn xong hả?”. Trong một cảnh nổ mìn, thấy nhói đau ở vai, tôi cũng hỏi bạn diễn: “Sâu không? Nên đi may không?”, “Nên”. Chạy vào viện bác sĩ cũng hỏi: “Mới chém lộn hả?”.

Những pha nguy hiểm Thịnh làm cả rồi: Cháy người, rơi tự do từ núi xuống vực, phi thân đấu võ trên ngọn cây, bay xe mô tô qua xe hơi, té thác, chạy trong mìn và biển lửa…

Thành viên trong nhóm của Thịnh mỗi khi thực hiện xong một hợp đồng đóng thế thường nộp lại 10%, cộng tác viên 20%, học viên 30- 50% để gây quỹ nhóm.

Quỹ này dùng giúp đỡ nhau khi có sự cố, hoặc sắm sửa dụng cụ dùng chung. Nhà Thịnh bây giờ như cái kho với nệm, dây, ròng rọc, đao kiếm, áo bay, đồ bảo hiểm… tốn cả trăm triệu.

Ít ai sống được bằng nghề

14 năm theo nghề cascadeur, nhưng ra đường chẳng ai biết mặt Quốc Thịnh thế nào.  Nhóm của Quốc Thịnh khoảng 30 người (tính cả cộng tác viên thì khoảng 50), người đa năng, người chuyên đu dây, người chuyên nhào lộn…, cũng chỉ 1/3 số ấy sống được bằng nghề.

Theo Quốc Thịnh, đoàn phim nước ngoài có cách tổ chức, làm việc với cascadeur chuyên nghiệp hơn, muốn là bằng mọi cách làm được, còn ta đôi lúc đạo diễn hoặc chủ nhiệm phim ông chẳng bà chuộc.

Ví dụ: cảnh người băng qua đường bị văng lên vì ô tô đâm, ra hiện trường đạo diễn và cascadeur “ok” nhưng chủ nhiệm ngăn lại “hư xe ai đền?”. Mấy cascadeur Việt sang Ấn Độ tâm đắc với cách làm phim hành động ở đây:

Một ngày chỉ quay 2 cảnh, đặt hơn 100 camera trong khi phim mình chỉ 2-3 máy quay là nhiều. Quốc Thịnh ấp ủ làm một phim truyền hình về Kung-fu khoảng 10 tập, đang cùng một nhà văn viết kịch bản.

Mức thù lao cho cascadeur phim truyền hình hiện nay cảnh thông thường là 300.000 đ/ngày, quay video- clip ca nhạc 500.000 đ/ngày; phim điện ảnh của tư nhân 500.000 đ/ngày.

Thù lao còn tùy theo pha hành động mà tính, té từ lầu một thế nào, đụng xe ra sao… Phim Người Mỹ trầm lặng Quốc Thịnh được trả 300 USD/ngày, thêm tiền tập 50 USD/ngày.

Năm 1997 Thịnh tham gia phim Người thừa của Pháp thù lao trả 250 USD/ngày. Nhưng khổ cái bao nhiêu năm mới có một phim nước ngoài như thế.

Lục Vân Tiên hay... cướp?

Những người đến xin học nghề cascadeur cũng nhiều loại, trong đó bằng con mắt nghề nghiệp Thịnh nhận ra không ít dân giang hồ tứ chiếng: Cướp giật, xì ke ma túy, ưa lạng lách đua xe…

Nhưng cứ cần mẫn dạy, dần dần yêu cầu họ  tập võ không được hút thuốc lá, càng có võ càng phải sống điềm đạm không phá phách. Yêu thích nghề cascadeur rồi thì thay đổi tâm tính, sống tốt hơn.

Chuyện bắt cướp thì trong giới cascadeur có không ít giai thoại. Như anh Lê Công Thế, đang chạy xe ngoài đường nghe có tiếng la bị giật đồ. Đường đông anh không vội tiếp cận tên cướp e gây tai nạn cho người khác, cứ thế rong ruổi bám cho đến lúc tên cướp mệt mỏi hoa mắt tự đâm xe vô cột điện ngã chỏng chơ.

Nhưng lòng tốt đôi khi phải trả giá quá đắt, anh em cascadeur kể rằng: Có 2 thiếu niên mới vào học nghề cascadeur một ngày đi qua bệnh viện, chợt thấy một tên trộm đang lúi húi bên xe máy của người vừa vào viện, hai cậu bèn chia nhau một người chạy vào tìm chủ xe báo, một canh chừng.

Tên cướp dắt  xe ra, cậu cascadeur nôn nóng đuổi theo giằng được xe cùng lúc mọi người hô hoán cướp cướp, nhóm đuổi theo không phân biệt được đâu là cướp, cứ nhè người đang dắt xe mà đập. Không tài nào thanh minh nổi, cậu bị giải lên phường rồi lên quận, sau này mới được minh oan.

Cay đắng nhiều nhưng vinh quang cũng không phải ít, bằng chứng là có những thiếu niên coi cascadeur như anh hùng, hâm mộ ước ao, có cậu trong túi vỏn vẹn 700.000 đồng trốn nhà quyết tâm nhảy tàu từ Bắc vào Nam tìm nhóm cascadeur để học.

Biết chuyện, mọi người dạy cậu học vài buổi, cho diện bộ đồ cascadeur lên sàn biểu diễn,  tạm thỏa lòng, rồi đưa cậu ra xe về nhà kẻo không gia đình đang đau khổ chẳng biết con đi đâu.

Ở nhóm cascadeur của Quốc Thịnh còn có một chú lùn tên gọi Võ Mini. Mini năm nay khoảng 22 tuổi, chỉ cao khoảng 1,27m, muốn đi học cascadeur nhưng không tự đi xe được, ngày ngày đi xe ôm hoặc nhờ chở.

Thấy Mini có chí, đầu óc tiếp thu tốt, Quốc Thịnh nhận vào nhóm đào tạo, thế là Mini có dịp trổ tài năng, trong Festival Hoa Đà Lạt, cậu đảm nhận màn đu dây 250m băng qua hồ Xuân Hương.

Chuyện tình yêu của cascadeur cũng khá thú vị, có bà vợ khuyến khích chồng theo nghề cascadeur, sau này cứ ngồi nhà hối hận, lo chồng gặp tai nạn rồi lo anh gặp cô diễn viên chân dài biết đâu mê mẩn mà bỏ vợ bỏ con; có anh thì bị người yêu cho lựa chọn “hoặc em hoặc nghề”, mấy hôm sau thấy chàng đi lại một mình lẻ bóng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.