Bút tích nhà văn - liệt sĩ Xuân Quý tại ngôi trường 100 tuổi

Bút tích nhà văn - liệt sĩ Xuân Quý tại ngôi trường 100 tuổi
TPO - Ngã xuống ở tuổi 28 phơi phới thanh xuân, nhà văn Dương Thị Xuân Quý đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị cùng tấm gương...

Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19/4/1941 tại Hà Nội trong một gia đình dòng tộc trí thức nghệ sĩ yêu nước gốc Văn Giang, Hưng Yên. Ông nội nhà văn là cụ Dương Trọng Phổ,  một nhà chí sĩ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Phụ thân là ông Dương Tự Quán là một nhà giáo sau chuyển sang làm báo. Hai người bác ruột là ông Dương Bá Trạc, và Dương Quảng Hàm đều là những danh sĩ nổi tiếng. Trong các anh chị em họ của nhà văn cũng có rất nhiều người thành danh trong lĩnh vực báo chí như giáo sư Dương Trọng Bái,  Dương Thị Thoa, Dương Thị Cương, nhà báo Dương Linh, các họa sĩ Dương Bích Liên, Dương Cẩm Chương.

Chính môi trường giáo dục của gia đình và nền tảng tư tưởng, kiến thức của những người thân đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng khí chất nhà văn - nhà báo của Dương Thị Xuân Quý ngay từ thuở hoa niên.

Có năng khiếu và say mê văn chương, cô bé Dương Thị Xuân Quý đã thích ghi nhật kí từ năm 7 tuổi khi sống cùng gia đình tại Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc. Sau ngày giải phóng thủ đô, Dương Thị Xuân Quý trở về học tại trường Phổ thông cấp 2 Trưng Vương.

Có thể nói, từ giây phút bước chân vào cổng trường Trưng Vương thì dường như những khí chất và vẻ đẹp tiềm tàng trong người nghệ sĩ này đã được thăng hoa. Dương Thị Xuân Quý trở thành một chân dung sáng ngời bên cạnh những tấm gương anh thư trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống của nhà trường cũng như cả dân tộc. Những năm tháng học tập, rèn luyện tại trường đã trở  thành khoảng thời gian hoa mộng, chắp cánh cho những ước mơ và khát vọng cống hiến trong tâm hồn cô. Những tấm giấy khen thuở cô nữ sinh là học sinh lớp 5A, 6C, 7C Trưng Vương với những dòng nhận xét đầy yêu thương và cảm mến của người thầy về cô trò nhỏ . Và đặc biệt hơn nữa là những dòng tâm thư tràn đầy nhiệt huyết kính dâng chi bộ Đảng năm 1958 còn lưu lại trong kho tư liệu của nhà trường đã cho ta hiểu phần nào lí do tại sao sau này khi con gái bà mới 16 tháng tuổi bà vẫn gửi đi những dòng tâm nguyện thiết tha xung phong vào miền Nam chiến đấu. Khi bà đang là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mĩ của cả dân tộc đang ở vào thời kì khó khăn nhất, “Đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu” của bà có đoạn: “Tôi là Dương Thị Xuân Quý … Trong suốt 8 năm kháng chiến (từ 1946 đến 1954) tôi đã quen với bom đạn và những trận càn quét tấn công của thực dân Pháp. Dạo đó, tôi hoạt động thiếu nhi. Hòa bình lập lại, tôi đi học và đã từng làm Bí thư chi đoàn trường Trưng Vương...Như vậy, nếu được vào Nam chiến đấu, tôi có thể dạy học, làm công tác Đoàn, làm báo, phụ trách thiếu nhi... Nhưng nếu miền Nam cần đến tôi ở bất cứ một việc nào, bất cứ một nơi nào, tôi xin sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ. Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán. Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ không xứng đáng để được chọn làm những nhiệm vụ vinh quang là hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam...”

Tháng 4 năm 1968, bà lên đường vào Nam chiến đấu gửi lại cô con gái nhỏ vừa cai sữa cho bà ngoại. Bao nhiêu gian nan, nguy hiểm nữ  nhà văn đều vượt qua, chỉ nỗi nhớ con là trĩu nặng hằng đêm. Nhà thơ Bùi Minh Quốc – chồng bà cũng đang có mặt tại chiến trường B đã viết: “ Anh hiểu lắm em ơi; Một người mẹ lên đường ra trận; Vượt đỉnh Trường Sơn; Còn dễ hơn; Vượt qua nỗi nhớ con thăm thẳm.”

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá đã có nhiều ý kiến đánh giá về những thành tựu mà bà đã cống hiến cho nền báo chí và văn học nước nhà:

“Với tư cách là một nhà báo - nhà văn chiến trường, bà tiêu biểu cho một kiểu người viết của Việt Nam những năm chiến tranh trong  ý nghĩa dấn thân, tác nghiệp và sáng tạo”.

Quả đúng như vậy, trong nhật kí Trường Sơn, nhà văn Dương Thị Xuân Quý cho biết, bà vào chiến trường Quảng Nam tham gia gùi gạo, đào hầm, chống  những đợt càn quét của địch và ghi lại những năm tháng ác liệt nhất, hào hùng nhất của nhân dân Quảng Đà. Bà luôn ý thức về sứ mệnh của người cầm bút, luôn tranh thủ từng giờ, từng phút say sưa sáng tác. Truyện ngắn  “Hoa rừng” và các bút kí như: “Tiếng hát trong hang đá”, “ Gương mặt thách thức”, “Niềm vui thầm lặng” là những sáng tác được bà viết trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Đọc tác phẩm và những trang nhật kí của bà, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Dương Thị Xuân Quý viết nhật kí chiến trường với tận đáy của sự thành thực. Bằng sự “tận đáy” ấy, người đọc hiểu được con người thực của nữ nhà văn liệt sĩ này, ở đúng một đoạn đời bỏng cháy nhất, chói sáng nhất, cùng với sự hợp nhất giữa tài năng, lý tưởng và sự nghĩ ngợi đa đoan rất con người của bà, ngay đằng sau trang viết... Cuộc khám phá sáng tạo này thật nhọc nhằn khổ ải, nhưng chưa bao giờ bà chùn bước vì bà đã gọi tên nó là: Hạnh phúc”.

Những dòng nhật kí cuối cùng dừng ở ngày 3/3/1969. Và những dự định viết về Xuyên Phú, Xuyên Hòa, Xuyên Châu... bà không thể nào thực hiện được, bởi 5 ngày sau đó bà đã hi sinh... Khi hay tin người bạn đời, cũng là người bạn văn của mình đã hi sinh, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã ghìm nỗi đau mất mát viết “Bài thơ về hạnh phúc”:  "Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...”

Như bao liệt sĩ nhà văn, Dương Thị Xuân Quý đã hi sinh nhưng linh hồn bà đã hòa vào đất nước, hòa vào truyền thống Trưng Vương với những nét tinh anh của mẹ Trưng Vương và bao thế hệ nữ lưu đi trước.

MỚI - NÓNG