Ca nhạc LIVE 8 tại Luân Đôn

Ca nhạc LIVE 8 tại Luân Đôn
Trước 200.000 người tại Hyde Park cùng khoảng 3 tỷ người xem tường thuật trực tiếp qua TV tại 164 nước, Sir Paul McCartney mở đầu Live 8 London bằng một bản nổi tiếng của Beatles.

Live 8 London là buổi biểu diễn lớn nhất trong 10 chương trình biểu diễn cùng ngày tại khắp nơi trên thế giới.

Live 8 London lần này có sự tham gia của 36 ca sĩ và ban nhạc nổi tiếng trong đó có Coldplay, Dido, UB40, Elton John, Madonna, Joss Stone và Robbie Williams.

Quy mô buổi hòa nhạc lần này cũng lớn gấp 2 lần buổi biểu diễn từ thiện Live Aid đầu tiên năm 1985 với 200.000 người có mặt tại Hyde Park và khoảng 5 tỉ người theo dõi qua truyền hình.

Nhưng khác với sự kiện năm 1985, Live 8 lần này không nhằm mục đích gây quỹ, mà chủ yếu kêu gọi ủng hộ của công chúng đối với 3 mục tiêu chính là tăng viện trợ, công bằng thương mại và xóa nợ cho những nước nghèo nhất thế giới.

Bono, ca sĩ chính của ban nhạc Ireland U2 đã nhấn mạnh mục tiêu này trước khi biểu diễn,"Chúng ta không tìm kiếm từ thiện. Chúng ta muốn tìm đến công lý, chúng ta không thể giải quyết mọi vấn đề nhưng chúng ta có thể làm một điều lịch sử là biến đói nghèo thành chuyện của quá khứ."

Buổi biểu diễn tại London cũng nhận được ủng hộ của những nhân vật khá nặng ký. Tỷ phú Bill Gates cũng đã lên sân khấu Hyde Park để thể hiện niềm tin của mình đối với nỗ lực Live 8.

"Tôi tin rằng nếu chúng ta chỉ ra vấn đề và rồi vạch ra hướng giải quyết, mọi người sẽ hành động. Việc có rất nhiều người có mặt tại Live 8 đã chứng tỏ điều đó".

Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Kofi Annan cũng lên sân khấu chỉ để nói lời cảm ơn.

Một số tổ chức từ thiện chống đói nghèo cho rằng Live 8 khá ngây thơ, và không nhắc tới những vấn đề lớn hơn như vấn đề quản lý và nạn tham nhũng tại châu Phi.

Nhưng người tổ chức chiến dịch này là nhạc sĩ người Ireland Bob Geldof đã phủ định điều này: "Phi châu đâu có ngập chìm trong tham nhũng, nó chỉ ngập chìm trong đói nghèo. Tham nhũng là sản phẩm của đói nghèo, và những cái chết vì đói, vì AIDS hay quá khổ cực cũng đều bắt nguồn từ đói nghèo".

Ca nhạc LIVE 8 tại Luân Đôn ảnh 1
Có khoảng 200 ngàn người tham dự buổi ca nhạc ở Hyde Park

Đối với nhiều người tại Hyde Park, đại nhạc hội này không thực sự có ảnh hưởng lớn như buổi trình diễn cách đây 20 năm. Nhưng các nhà tổ chức thì nói rằng năng lượng chính trị mà Live 8 tạo ra chứng tỏ nó là một thành công lớn.

Tại các nơi khác

Buổi diễn đầu tiên là ở Nhật, nơi công chúng chỉ quan tâm chuyện nội địa. Nhiều khán giả muốn thấy được tổ chức thường xuyên hơn để có thêm người biết về tình trạng nghèo đói ở Phi châu.

Tại Pháp người ta thấy thiếu vắng các nghệ sĩ da đen. Nhìn chung công chúng Pháp không tha thiết lắm.

Ông Jacques Long, một chính trị gia xã hội đối lập và thành viên của Hội đồng châu Phi than: "Họ không có lương tâm khi hàng triệu trẻ em đang chết dần chết mòn, trong khi nước Pháp đã từng khai thác châu Phi trong bao nhiêu năm trước đây".

Tại Moscow, chừng 10 ngàn người đến xem buổi diễn ở Quảng trường Đỏ. Nga là nước nghèo nhất trong nhóm G8, và hồi còn Liên Xô, buổi diễn Live Aid đã không được chiếu.

Nhưng ngày nay Tổng thống Putin đã xóa nợ nhiều tỷ đôla cho một số nước châu Phi. Năm tới Nga làm Chủ tịch G8 và ông Putin không muốn người ta chỉ quan tâm tới châu Phi.

Xuất hiện trên sân khấu ở Johannesburg, cựu Tổng thống Nelson Mandela nói: "Chúng ta yêu cầu giới lãnh đạo G8 khi họ nhóm họp ở Scotland, họ cần phải chứng tỏ quyết tâm bằng hành động chứ không phải những lời hứa suông."

Các buổi diễn cũng đã diễn ra ở Berlin (Đức), Philadelphia (Hoa Kỳ), Park Place Barrie (Canada).

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.