Cà phê đắng và hẳn trời không mưa

Cà phê đắng và hẳn trời không mưa
TP - Quán cà phê Z nằm ngay góc phần tư của hai con đường giao nhau lúc nào cũng đông nghìn nghịt khách.

> Chiếc bánh rán trong đám cưới
> Đường mưa

Bất chấp những đối thủ sang trọng mọc lên như nấm, trang hoàng đèn điện, cây cảnh, lỉnh kỉnh phụ kiện; Z vẫn tỏ ra là một nhân vật được săn đón tầm cỡ như Lady Gaga (trong âm nhạc) và Cristiano 9 (trong bóng đá). Trong cùng khu phố, quán I, K, L, M… buồn héo. Người Việt mà, thấy ở đâu xôm tụ thì ghé, chứ chắc gì cà phê đã thơm ngon, đậm đặc.

Ngoài lợi thế hai mặt tiền trung tâm và phân lô nở hậu, người ta truyền miệng nhau ông chủ cùng tên Z là một tay trùm bất động sản có tiếng ở thành phố. Trong tình thế bong bóng bất động sản đang xì hơi nhanh chóng và sự đổ xô chuyển dịch cơ cấu ngành, Z vẫn đứng vững như tượng nữ thần Tự do.

Thỉnh thoảng, Z hứng chịu những lời ong tiếng ve từ miệng người đời rằng thua lỗ cờ bạc, phải trả nợ bằng cách quy đổi tiền mặt sang lô này lô kia. Ở đời, chuyện lên voi xuống chó mấy hồi. Người ta nhắc đến ông không vì thói xấu mà bởi vì ông biết ăn chơi và biết làm ăn.

Thầy còn lấy ông ra làm ví dụ cho chúng tôi: “Càng tiêu tiền thì chúng ta càng có động lực làm ra tiền”. Tiếng tăm Z vang xa nhưng ít người được diện kiến ông ngoài đời thực. Ông cũng không trực tiếp quản lí quán cà phê Z mà giao hẳn lại cho bọn tay sai và tùy tùng của mình.

Nếu xét về mặt kinh tế học, ông chủ Z chắc chẳng đời nào biết phân khúc thị trường là gì và khách hàng mục tiêu gồm những đối tượng nào với quy mô thị trường dự đoán là bao nhiêu.

Vì khách của quán đủ mọi thành phần: học sinh, sinh viên, cử nhân vừa ra trường thất nghiệp, kẻ có việc cắt xén giờ làm, công tử lười biếng, đại gia không cần làm nhưng mỗi tháng tiền từ phụ mẫu vẫn chảy đều đặn vào tài khoản, nhân viên thị trường, lao động phổ thông, vân vân và vân vân.

Chỉ một điều mà Z biết rõ: khách vào quán 100% là đàn ông (kể cả phục vụ, pha chế, giữ xe, tạp vụ). Không phải là đang xét về mặt sinh học hay giới tính học để soi mói khách đó straight hay không. Nghiêm túc mà nói, cà phê sáng xưa nay chỉ dành cho đàn ông.

Phụ nữ ngày nay dù đã ngồi trên xe Lexus sang trọng, quý phái của Toyota nhưng tay vẫn giữ khư khư nhành ô-liu già cỗi bên bờ sông Jordan. Thành thử ra, họ ngại đến những nơi xô bồ như thế. Quản lí quán Z tìm đỏ con mắt mà không tìm được cô nhân viên phục vụ chân dài nào chịu nhận việc.

***

Quán Z nhìn từ ngoài vào như một cái ổ chứa đầy các con ấu trùng đang ngúng nguẩn ngoi lên. Kiến trúc, nội thất chẳng có gì ấn tượng vì người ta hoặc sẽ tập trung vào việc tìm cái ghế nào trống để ngồi hoặc để dành thời gian hỏi thăm bạn bè, người quen.

Để tiết kiệm tối đa khung diện tích, quán Z không trưng bày bất kì một chậu hoa, cây cảnh nào; chỉ thấy rải rác vài khung tranh trừu tượng treo xiêu vẹo trên vách tường. Hai chục hơn các cái bàn màu gỗ mun xếp thành hàng thẳng, khoảng cách giữa chúng là bằng nhau.

Những cái ghế đẩu thấp lè tè trùng tông màu được xếp xung quanh, được phủ kín bởi đầu người nếu quy chiếu theo mặt chiếu đứng và đầy chân người nếu quy chiếu theo mặt chiếu cạnh. Nếu một bàn ngồi đủ bốn người thì những ai bị kẹt ở trong đừng mong đi WC khi cái rumine kêu cầu đòi xả.

Có khi, nhân viên xếp thêm vài cái bàn dự phòng làm dòng người nối dài ra đến tận vỉa hè, như muốn rớt xuống lòng đường. Mồi ngon cho công an giao thông. Biên bản được lập, thằng nhân viên đại diện kí và nộp phạt. Nó không quên đe lại một câu vu vơ nhưng là cố tình cho gã công an nghe thấy: “Nộp rồi ông chủ lên lấy lại”. Một thằng khác xầm xì: “Hình như hắn mới chuyển công tác đến. Không biết ông chủ mình là ai cơ đấy”.

Hôm sau, những cái bàn gỗ đen mun ngang nhiên tràn ra vỉa hè như muốn tham gia giao thông.

***

Thứ hai…

Nhân Viên 1 chở con đi học xong liền ghé vào Z, quần Tây áo Âu còn lịch sự, nước hoa ngàn ngạt. Hắn từng nghĩ, thà bỏ con ở nhà chứ không chịu lỡ buổi cà phê nào ở đây. Thường, hắn ta ngồi được ba mươi phút và đến công ty lúc bảy giờ ba mươi. Nhân Viên 1 là một trong những khách hàng thân thiết nhất của quán. Nếu Z tổ chức tiệc tri ân khách hàng hay kỉ niệm ngày thành lập thì chắc chắn hắn ta không sót lọt tấm vé mời. Gặp được Nhân Viên 2 làm cùng ngành nghề, hắn ta mừng phải biết. Chưa kịp ngồi, hắn tuôn lời để giải tỏa cơn ấm ức:

- Mới sáng sớm ra ngõ đã vấp ngay cái ổ gà trước nhà. Xém nữa là lên chầu Thượng đế với ông bà. Bực cái mình!

- Sân nhà mà sao để thảm vậy. Kẻo mà chết oan.

- Cái ổ đó lấp đi lấp lại mấy lần rồi mà vẫn bong lên. Ít bữa thành ổ voi cho mà xem.

- Rút ruột công trình ăn cho đầy cái bụng thì đường sá lõm xuống là phải. Quy luật bù trừ mà.

- Bữa trước vợ tao đem một cành cây khô chắn trên miệng, để người ta thấy mà tránh. Tao chạy ra, lôi cành cây vào rồi xả cho một trận nên thân. Làm vậy, lỡ như người ta vướng phải, có chuyện gì thì mình gánh tội à! - Giọng Nhân Viên 1 sôi lên như nước 100 độ.

- Đúng, đúng. Hơi đâu mà lo xa thế. Bảo vợ đừng đi vào cái ổ gà đó là mừng lắm rồi.

- À kể nghe! Cũng tại cái ổ gà mà nhà tao lượm được đủ thứ chiến lợi phẩm. Hôm trước nhặt được cả thùng mì gói, ăn ớn mà chưa hết. Hôm qua nhặt được cái nón bảo hiểm. Còn mới hẳn hoi, để sơ-cua. Không biết vài bữa tới, nhặt gì nữa đây.

Hắn nói xong, cười ha hả như phú ông được mùa. Thằng bạn ngồi đối diện cũng cười như để chứng minh sự hiện diện của mình là không vô nghĩa. Buổi sáng đầu tuần, chuyện bàn tán chỉ quanh quẩn về cái ổ gà, thế mà nói hoài không hết chuyện. Cũng vậy mà Nhân Viên 1 trễ giờ làm hơn hai mươi phút, kéo theo Nhân Viên 2 bị sếp phạt làm thêm giờ trưa. Tội tình gì đâu!

***

Thứ ba…

Trời đã dần về trưa mà quán vẫn chưa ngớt khách. Như để cổ vũ và đón chào khách, chiếc loa thùng treo trên góc tường dội những bảng DJ lời Tây Tàu lẫn lộn tức cả ngực. Đây không phải là phong cách âm nhạc của Z, nhưng lâu lâu, phá lệ một bữa cho nó lạ. Sự thay đổi báo hại Tri Thức hành hạ cuống họng của mình không thương tiếc. Để thằng bạn đối diện thu nhận được thông tin, anh phải hét toáng lên. Ai nhìn vào cũng hiểu lầm anh đang cố tình gây sự.

- Mới gây một trận tơi bời với vợ xong nè! – lẫn trong cái giọng hùng hồn đó là một nét buồn rất mảnh.

- Ái chà! Dạo này gan quá. Cớ sự là gì?

- Chuyện bên nội, bên ngoại ấy mà. Nhắc đến là ngứa lá gan.

Không cho phép thằng bạn hỏi nữa, Tri Thức tiếp tục lấn lướt:

- Tao mới góp tiền với mấy chú mấy bác mua cái tivi cho ông nội tụi nhỏ. Thế mà về nhà, vợ tao cứ giãy đành đạch lên đòi sắm cái bếp ga cho bà ngoại. Thử hỏi có điên được không chứ.

- Thì đúng rồi, mày phải cân bằng cả hai, chứ không có chuyện như chơi.

- Có phải là không quan tâm đâu. Nhưng phải thong thong cho người ta nhờ. Đủ thứ khoản phải lo chứ phải một đâu. Tiền điện mấy tháng chưa đóng. Học phí của sắp nhỏ nữa.

- Bộ làm dữ lắm hả?

- Không nói lời nặng nào. Nhưng chủ yếu là cái thái độ. Thà là nói thẳng, cứ xỉa bên này, thọt bên nọ. Nghe khó chịu và tức tối quá chừng.

- May mà tao thoát được cái cảnh này rồi. Không thì cực dài dài. Mà thấy vợ mày chu toàn bên nội lắm mà. Mày cũng nhân nhượng, chiều chuộng vợ chút đi. Thương chồng mới nghĩ đến bà già. Mày thương vợ thì nên nghĩ đến mẹ vợ. Vui vầy cả đôi bên. Thái bình thịnh trị.

Nghe thằng bạn khuyên, mặt Tri Thức dịu xuống như một đợt triều lắng. Sức lực cũng không còn để gào lên như lúc nãy. Đến đoạn tính tiền, cả hai giằng co một hồi rồi mới chịu nhường nhau trả. Giá như rắc rối nào, đau khổ nào cũng bị giành giật như thế thì hay biết mấy.

***

Thứ tư…

Thằng hay mặt áo ba lỗ, khoe hình xăm tổ chảng sau lưng tên thường gọi là Bôn, sinh thứ ba trong nhà nên được gọi là Bôn Ba. Hắn hay ngồi với “đồng bọn” ở bàn số 12 gần cánh cửa sắt. Học xong cấp ba, không thi đại học, Bôn Ba trở thành vệ sĩ không lương không thường trực của quán Z nhờ vào thân hình tập gym hai năm, cơ ngực nở nang, bắp tay cuộn cơ, tóc gọt sáu li, trán chi chít sẹo, dáng người dữ tợn. Đồng phục hằng ngày của hắn luôn là áo lót ba lỗ, quần lửng kaki xệ lưng để lộ dây thắt lưng màu da bò cộng thêm đôi dép kẹp xỏ ngón. Nếu nhớ, hắn sẽ móc theo thêm cặp kính Rayban đen xì vào cổ áo, chính giữa ngực cho thêm phần xã hội đen. Phải nói thêm, hắn đã có người yêu. Môt chiến công làm bao đứa ăn học tử tế phải ngó nghiêng nể phục. Bố mẹ hắn biết tin, xém ngất. Người trong nhà ai cũng mong hắn có vợ, biết đâu được vợ tu tâm dưỡng tánh, chăm lo làm ăn, xây dựng gia đình. Đó là chuyện của mong muốn.

Ngoài mục đích đảm bảo trật tự, an ninh cho quán Z, hắn rất hào hứng tham gia câu lạc bộ nuôi chim tự phát. Hằng ngày, hắn cỡi SH của ông già đến Z khoảng vào lúc tám giờ sáng bằng một tay. Tay kia hắn xách cái lồng chim, dáng đi xe ngất nghểu, mất thăng bằng. Theo thói quen, hắn treo lồng chim của mình gần mấy cái lồng chim có sẵn của đám bạn trong nhóm rồi lại ghế bắt chân ngắm nghía. Con chim chích mào từ ngày hắn dẫn đi uống cà phê dạn lên thấy rõ và đã bập bẹ vài tiếng hót rất trong. Công lao nhờ vào mấy con chim bạn lồng kế bên và tiếng người cười nói râm ran, tiếng nhạc, tiếng xe cộ. Hắn mừng thầm trong bụng.

- Mày có cào cào không? Để lại ta một ít. Lục tung khắp thành phố rồi mà tìm không ra. Chán vê lờ! - Bôn Ba hỏi đứa bạn.

- Có! Hai chục ngàn một con. Hôm trước về quê đứa bạn, nhờ nó mua giúp.

- Để lại tao vài chục con, “boa” cho mày thêm mười ngàn một con. Sướng mày chưa! Ăn cào cào, chim tao lớn thấy rõ.

- Chim mày công nhận lớn. Nhưng vẫn không bằng chim tao. Kakaka!

- To nhỏ không quan trọng, quan trọng là làm được gì nên chuyện. Kakaka!

Như hiểu được ý nhau, cả đám cười nghiêng ngả, hất đổ mấy cái ly trên bàn, nước tràn xuống bàn, rơi tỏn tẻn. Câu “cười đĩ đếm tiền” nghe hơi dữ, nhưng là hợp nhất.

***

Thứ năm…

Nhiều lời đồn rằng, du khách đến thành phố này mà chưa ghé qua Z uống cà phê là coi như chưa đặt chân đến. Hôm nay, anh bạn nhà báo được dịp vào đây công tác, cứ nằng nặc đòi tôi chở đến Z. Phần tôi, tôi ngại những nơi đông người, chỉ đi khi nào rơi vào thế ép. Mặc dù đã gợi ý rất nhiều quán lạ và đẹp nhưng anh phát một không chịu.

Chúng tôi chọn một góc khuất, lặng lẽ nhâm nhi li trà gừng thơm lựng, đặc chát.

- Ngồi ở đây có không khí quá! - Anh nhà báo khơi chuyện.

- Ờ!

- Cái quán chắc góp một phần GDP không nhỏ cho thành phố.

- Ờ!

- Ờ một cái nữa là về nhà nghe!

- Ờ! Ấy nhầm. Đùa cho vui ấy mà. - Tôi cười xuề xòa. Anh nhấp môi li cà phê đen đá vừa được đem ra.

- Vị được ghê chú mày ơi!

Ngược lại, tôi chẳng có một mảy may cảm xúc nào với cái vị cà phê đắng như ngải đó. Không phải là tôi không thích cà phê mà thực sự cà phê ở đây không ngon bằng những nơi khác. Đôi khi, giá cả và thương hiệu làm nên giá trị của một sản phẩm chứ không hẳn là chất lượng của nó. Không muốn để vị khách phương xa phải buồn lòng, tôi gật đầu tới tấp, biểu thị ý đồng thuận.

- Có khi viết một bài về những quán cà phê hút khách ở đây cũng nên. - Anh bạn nói vu vơ, nhưng bên trong lời lẽ đó đầy dự toán.

- Thế là quán Z sắp nổi tiếng?

- Nếu em muốn. Anh cũng nghe tiếng tăm về ông chủ Z. Lợi dụng nó một chút là bài lên ngay. - Ngắt một hơi, anh lại tiếp tục: Em không biết quan hệ truyền thông bây giờ có sức mạnh ghê gớm đến dường nào đâu.

- Em biết chứ. Đầu thế kỉ 19, nó mang nhiều màu sắc chính trị và lãnh đạo. Đến thời Hít-le, đó là một dạng của tẩy não mà. Có lẽ vậy mà sức mạnh và uy quyền chưa phai đi bao nhiêu ở thế kỉ 21 này.

- Nhắc mới nhớ, vụ tác giả H hư cấu một cuốn nhật kí để in sách đình đám mấy ngày nay trên mạng xã hội làm anh đau đầu quá. Mỗi ngày lại thêm một núi tin mới về ả, chẳng biết tổ hợp sao để viết bài.

- Em cũng bội thực. Cô ta có thai từ 13 tuổi với một người ngoại quốc hay bị bắt qua biên giới làm gái, em chẳng quan tâm. Thế mà thầy giáo môn PR của em lấy đó làm ví dụ xuyên suốt cho cả môn học. Rõ chán!

- Anh đang tập trung tìm hiểu kĩ hơn về nhóm gây sức ép cho nhà xuất bản đình bản cuốn sách. Quyền lực thứ tư ghê gớm chẳng vừa. Anh đang nói đến công luận. Trách là trách cho nhà xuất bản, quản trị khủng hoảng tồi thì chẳng còn cách nào vớt vát.

Nói xong, anh nhà báo xách máy ảnh có gắn cái ống kính dài thượt đi ra giữa đường, chĩa chính diện vào quán Z. Quán Z e ấp đứng yên tạo dáng, làm mẫu chính cho khung hình của anh.

***

Chủ nhật…

Ngày cuối tuần là thời gian cao điểm. Quán Z tấp nập kẻ ngược người xuôi, kẻ bưng người bê, hết đứng lại rồi, hết vào lại ra. Gã bán vé số lăng xăng chạy từng bàn mời mọc xấp vé đã vơi đi phân nửa. Có chiếc Air Blade mới mua ngã nhào xuống lòng đường, nhiều người xúm lại săm soi vết trầy dài ở thân xe, vỗ đùi tét tét xuýt xoa. Một số người trong quán nhìn ra với ánh mắt vô lo pha khinh khỉnh, như thầm nghĩ: “Đáng đời”.

Anh Kĩ Sư công nghệ thông tin hết thời ngồi thu lu một góc đọc tờ báo từ trang nhất đến trang cuối không sót một chữ. Nhiều người hỏi anh sao dạo này thấy ở nhà hoài, anh trả lời rằng nghỉ vì vợ đang trong giai đoạn sinh. Thời gian dư dả nên đọc lâu một chút cũng không ảnh hưởng đến kinh tế nhà ai. Một số người sốt ruột đợi đến lượt cầm tờ báo, vẻ khó chịu. Còn anh hoàn toàn không biết điều đó.

Bản tin anh quan tâm nhất là an toàn giao thông, đánh ghen, cướp tiệm vàng, cháy chợ, động đất... Anh cũng có hứng với bản tin tài chính, đặc biệt là về thị trường vàng. Không chỉ theo dõi trên báo, ngày nào đi ngang tiệm vàng gần nhà, anh đều ghé mắt nhìn tấm đèn led chớp chớp đỏ đỏ và tập trung tìm hàng chữ “giá mua vào” và “giá bán ra”. Phải như vậy thì suốt ngày đó anh Kĩ Sư mới thấy yên lòng mà lái xe đi tiếp.

Đoạn giở đến trang báo gần cuối, anh bất ngờ reo lên kinh ngạc, làm mấy anh mấy chú ngồi cùng bàn giật nẩy mình.

- Quán Z lên báo nè bà con ơi. Khen nứt mũi.

Để thu hút sự chú ý của mọi người ngồi bên, anh lặp lại câu nói một lần nữa. Vài người gần đó xúm lại hòng chiếm đoạt tờ báo nhưng bị giữ lại. Họ châu vào để kiểm chứng cái hình có phải nơi mình đang ngồi hay không. Khi đã biết đó là sự thật, họ ung dung ngồi xuống đổi đề tài trò chuyện sang chuyện quán Z và ông chủ Z. Mặt người nào người nấy hiện lên một vẻ hãnh diện và hớn hở như con ruột của mình được vinh danh vì một giải thưởng cao quý.

***

Ở bàn kế, những gã đạp xích lô đang bàn chuyện Nam - Bắc Triều. Đằng này, mấy thanh niên trẻ bàn chuyện con gái thời nay và gu ăn mặc hở hang. Những câu chuyện cứ thế nối dài bất tận như một bộ phim không có tập cuối. Chỉ một số gã trung niên im lặng, mắt dán cứng vào bàn cờ tướng giữa quang cảnh hỗn tạp nhiều loại máy nói, máy chém đa dạng về loại hình và tần số âm thanh. Trong sự im lặng đó là những mưu mô, tính toán đường đi nước bước để đánh bại đối thủ. Có khi đó là những chiến lược kinh doanh dự trù đang chờ thời cơ chín mùi để thi hành. Chỉ tiếc một điều, các anh không tiết lộ cho một ai. Các anh trầm ngâm như thế suốt buổi, thi thoảng với tay cầm ly cà phê loãng hớp một ngụm trong vô thức.

Vài ngày sau, quán Z thay bảng hiệu mới nổi bần bật câu slogan to oành: “Quán Z - nơi thăng hoa câu chuyện của bạn”.

Truyện ngắn của
Nguyễn Quốc Việt

Truyện ngắn dưới đây miên man như chính cuộc sống, và như chính cái tên truyện. Nhân vật chính của truyện, thực ra không phải những Nhân Viên, những Tri Thức, mà là một… quán cà phê mang cái tên Z. Ở đây, qua quan sát tinh tế và hài hước, Nguyễn Quốc Việt đã thành công khi “bê” nguyên một mảnh đời sống hôm nay vào văn chương. Một ghi nhận nữa, là việc sử dụng từ ngữ địa phương và ngôn ngữ “bụi” có tiết chế, rất phù hợp với không khí truyện.

Nguyễn Quốc Việt sinh năm 1992. Anh là sinh viên của hai trường - ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng và ĐH Duy Tân. Anh so sánh thú vị “Viết cũng như tập thể hình vậy. Các thớ cơ sẽ ngày một săn chắc theo thời gian luyện tập”. L.A.H

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG