Ca sĩ Cao Minh thiền và… cuốc đất

Ca sĩ Cao Minh thiền và… cuốc đất
TP - Bảy năm nay, con đường đất đỏ nắng bụi, mưa lầy ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai đã quen thuộc bước chân ca sĩ Cao Minh.
Ca sĩ Cao Minh thiền và… cuốc đất ảnh 1
Cao Minh đang “phiêu” với cảm xúc của mình vào buổi trưa oi ả  Ảnh: Thanh Huy

Cứ tờ mờ sáng, anh tự lái chiếc xe hơi cổ xuống chăm sóc khu sinh thái của mình. Sau đó lại chạy ngược về thành phố để đi dạy hoặc hát tại phòng trà. Hôm nào không có lịch, Cao Minh ngủ luôn tại trang trại để sáng sớm dậy lại cuốc đất, trồng cây và thiền.

Robinson…giữa rừng

Đoạt giải nhất đơn ca tiếng hát truyền hình, giải người hát dân ca hay nhất, đồng thời đoạt luôn giải người hát về Bác Hồ hay nhất năm 1988 khi đang là sinh viên nhạc viện TPHCM, Cao Minh đã dễ dàng tìm được một chỗ đứng trong lòng người yêu âm nhạc với những tình khúc như: “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Hòn vọng phu”, “Không thể và có thể”... Ngoài ra, anh còn là ca sĩ hát nhạc đỏ và opera có chất giọng đặc biệt.

Sướng như thế nhưng rồi một ngày anh lại thực hiện ý tưởng trở thành nông dân của mình. Ý tưởng ấy khiến những người thân của anh nghe phải phì cười vì tưởng là… khùng. Nhưng anh đã làm thật.

Cao Minh tìm về Vĩnh Cửu, cách thành phố hơn 50 cây số, trút hầu bao mua 25 ha đất và tự tay phát quang, nhổ cổ. Thời gian đầu hầu như anh ở đây liên tục, anh bám đất sáng thì cuốc đất trồng cây, tối về nằm ngủ một mình trong căn lều chơ vơ một cõi với ngọn đèn dầu leo lét.

Ngủ trên nệm lá, quờ tay có thể gặp rắn, một mình cô độc giữa vùng đất khô cằn, hoang vu, thật khó tưởng tượng điều gì khiến Cao Minh gắn kết với nỗi cô đơn đến thế.

Nhưng giữa cảnh cô tịch, anh thấy hạnh phúc. Xung quanh không có một bóng người, chỉ toàn tiếng gió và côn trùng kêu rỉ rả. Thức ăn của anh chủ yếu là nguồn trái cây, chủ yếu là dưa hấu. Anh mua và dự trữ nó bằng cách chôn xuống đất, đói thì đào lên ăn.

Cứ thế, một năm ròng rã qua đi, một mình Cao Minh tự bứng toàn bộ cây gai rừng cũ, thay vào đó là một loạt cây trồng mới do anh mua và vận chuyển về từ núi Vinh. Mảnh đất khô cằn trước đây được anh phủ xanh bằng những thảm cỏ và vô số các loại cây khác nhau.

Căn lều tạm bợ trước đây cũng được anh thay căn nhà với kiến trúc tự anh sáng tạo. Mua nhiều loại gạch cháy mà người ta bỏ đi để xây nên ngôi nhà, Cao Minh miệt mài xây dựng từ ngày này sang ngày khác như một con ong chăm chỉ.

Lúc cảm thấy không ưng ý là anh lại đập bỏ và xây lại toàn bộ. Nhiều người bạn khi lên đấy thấy Minh khổ ngày đêm phơi mình giữa sương gió rừng và hành động như con dã tràng, bảo: Thằng gàn, khỏe thân không muốn lại tìm về rừng tự đày đọa, sống kiếp khổ ải.

Nghe bạn bảo, Cao Minh cười khoe nếp nhăn của thời gian trên khóe miệng một cách lạc quan: “Không gàn thì không phải Cao Minh”. Và cứ thế ngày ngày anh lại quần quật bên công trình và cứ đập đi và xây lại. Mệt nghỉ, khỏe làm. Bất kể giờ nào, có hôm nửa đêm tỉnh dậy vác cuốc ra đào xới dưới ánh trăng.

Lao động bằng tay sau một thời gian, tay chân chịu hết nổi. Da sạm vì nắng, bàn tay chai sần. Cao Minh chuyển hướng từ thủ công sang lao động công nghiệp. Anh tậu xe cần cẩu, máy xúc đất để tạo hồ. Dẫn nước sông vào, đắp đá làm bờ kè. Phần đất dư anh đắp thành đồi xây lâu đài với cối xay gió và trồng các loại hoa. Anh mua gỗ tre lá lợp những ngôi nhà sàn nằm bên cạnh bờ hồ để cho bạn bè người thân có chỗ nghỉ ngơi khi có dịp lên đây thăm anh.

Để không đơn côi, Cao Minh nuôi chim,  gà, ngựa, khỉ để bầu bạn. Có nhìn thấy hình ảnh những chú khỉ ngoan ngoãn khi được anh vuốt ve mới hiểu được một Cao Minh giờ đây đã gắn chặt cuộc đời với mảnh đất này như thế nào.

“Lao động cho tôi nguồn sống”

Ca sĩ Cao Minh thiền và… cuốc đất ảnh 2Những năm tháng một mình, tôi luyện yoga và xét lại mình. Chỉ trong tĩnh lặng, mình mới có thể hiểu nhiều điều. Có người nói, đã đi tu rồi mà còn mê âm nhạc là không nên. Riêng tôi, tôi cho đó là sai, vì trong câu kinh đã có nhạc rồiCa sĩ Cao Minh thiền và… cuốc đất ảnh 3

Cao Minh

Giờ đây, thành quả lao động sau bảy năm miệt mài của Robinson Cao Minh giờ đã thành hiện thực. Khu đất của anh khi mọi người đến thăm đều có chung nhận định: Khu sinh thái có hạng trong khu vực. Cao Minh là cái tên của khu sinh thái ấy.

Khách đến thăm có thể sáng chiều ngồi thiền dưới những bóng cây. Dạo quanh bờ hồ yên tĩnh, nghe tiếng chim hót líu lo mỗi sáng. Sau đó, cưỡi ngựa thăm thú khắp nơi. Còn Cao Minh thì lại tiếp tục xắn tay áo cầm cuốc đào bới, tu bổ và xây dựng thêm những ý tưởng mới.

Khi tận mắt trông thấy những gì Cao Minh đã làm được, ai cũng đều phải bỏ ý nghĩ trước đây trách Minh là gàn. Họ khen ngợi, cảm phục không phải vì những cảnh quan nơi này mà chính là ý chí dám chơi dám chịu của bạn với sức mạnh tinh thần gan lì vì lòng đam mê lao động không mệt mỏi của anh.

Hỏi anh vì sao dám làm vậy, Cao Minh thẳng thắn rằng,  ca sĩ vốn không phải là cái nghề từ 100 năm trở lại đây. Người xưa cho đó là nghề xướng ca vô loài. Còn đến giờ, thời thế đã khác, nhưng dân Việt Nam mình mới chỉ đang học làm ca sĩ. Anh vẫn thẹn gọi mình là ca sĩ. Vì nghĩ như vậy, anh quay trở lại cái gốc của mình. Đó là lý do vì sao anh đi học làm nông dân, vì ông bà, cha mẹ đều từ nông dân mà ra.

“Từ khi lên đây tôi cảm thấy mình khỏe hơn, làm việc hăng say và đạt hiệu quả. Điển hình là tôi vẫn hoàn tất những thước phim: Ngọn nến hoàng cung, Cao su mùa lá… Đồng thời, tôi vẫn tham gia công việc giảng dạy cho sinh viên khoa thanh nhạc và hát vào mỗi tối thứ ba tại phòng trà của mình. Ngoài ra tôi còn tham gia những chương trình ca nhạc lớn do nhà đài tổ chức”- Cao Minh tự tin nói thế.

Có một điều cũng đã được thừa nhận khi xem anh biểu diễn gần đây. Giọng Cao Minh trong trẻo và hay hơn. Anh rất khỏe và tự nhiên không cần bất cứ sự hỗ trợ nào cho thanh quản.

Anh nói, có thể hát khi mới thức dậy, khi đói và thậm chí trong khi khát. Anh có thể vừa hít đất và hát mà đảm bảo chất giọng vẫn không thay đổi. Giọng hát của anh trở nên mạnh mẽ, truyền cảm và phiêu hơn bất cứ lúc nào.

"Nợ" người nghèo

Một ngày cuối tuần, chúng tôi đến thăm trang trại của anh. Có dịp ngồi trò chuyện mới thấy Cao Minh bây giờ không phải Cao Minh quý phái với bộ veston cổ điển đuôi tôm từng đứng trên sân khấu cũng những đêm nhạc opera ngày xưa.

Anh ngồi giữa núi rừng bạt ngàn, không có đèn điện. Chỉ với cây đàn ghi ta, từng câu hát vang xa, tưởng như từ đâu vọng lại mang đến cho mỗi người những khoảng lặng và cảm xúc đặc biệt với người ca sĩ tuổi đã chớm nửa đời người này.

“Tôi đã làm tròn bổn phận của mình ở mỗi vai trò và không nợ ai trong cuộc đời này nữa. Tôi chỉ cảm thấy mình nợ những con người có số phận nghèo khó và muốn mình làm điều gì đó cho họ. Để họ có thể làm việc sinh sống bằng chính sức lao động của mình” - Cao Minh nói.

Giờ đây, những người có hoàn cảnh mà anh đề cập đã và đang cùng anh lao động trên mảnh đất rừng cằn cỗi và đã biến nó thành khu sinh thái như cánh đồng đến mùa thu hoạch.

Anh tâm sự: Ai đến chơi thì cứ việc, gặp tôi thì tôi phục vụ, không thì cứ tự nhiên. Người ta khuyên: Phải cho thuê không thì xuống cấp. Trồng cây ăn trái gỡ lại vốn mua đất. Đang suy nghĩ thì may mà Cty du lịch Lửa Việt đề nghị đưa khu trang trại của tôi vào tour du lịch.

Đối với anh hát chính là “đạo” và lao động là “tu tâm”. Anh đã tìm đến đây để cảm nhận được những khoảng lặng bên trong tâm hồn mình. Mặc cho cuộc sống ngoài kia có bộn bề thế nào đi chăng nữa.

MỚI - NÓNG