Ca sĩ Mạnh Quỳnh: Duyên kiếp với fan quê nhà

Ca sĩ Mạnh Quỳnh: Duyên kiếp với fan quê nhà
TP - Về hát trong đại nhạc hội Ca nhạc- Nụ cười- Thời trang (20- 21/3, NH Hòa Bình, TP HCM), mỗi ngày Mạnh Quỳnh, được người hâm mộ gọi điện và nhắn cả trăm tin.
Ca sĩ Mạnh Quỳnh: Duyên kiếp với fan quê nhà ảnh 1
Mạnh Quỳnh hát tại Nhà hát Hòa Bình  Ảnh: Hoài Sơn

Có giấy phép biểu diễn khá lâu nhưng lần đầu Mạnh Quỳnh hát sau hơn 20 năm xa xứ. Hai đêm vừa qua bài Duyên kiếp được khán giả đón nhận thế nào?

Khoảng 22h30 mới tới lượt tôi ra sân khấu, xúc động lắm. Hơi tiếc là thay đổi thời tiết nên giọng tôi không được tốt.Tôi lấy vợ được sáu năm, con trai đầu hơn ba tuổi, vợ lại sắp sinh bé trai thứ hai nên phải dành thời gian cho gia đình. Bây giờ mới về biểu diễn được.

Khán giả trong nước chưa quen cung cách làm chương trình đại nhạc hội để thu DVD kiểu này, dài ba- bốn tiếng rất mệt mỏi? Đại nhạc hội trong nước lần này công phu có sánh được hải ngoại?

Để làm một đại nhạc hội người ta phải chuẩn bị cả năm, đến tuần công diễn thì ghi hình từ thứ Hai cho tới thứ Tư. Cuối tuần mới quay chính thức với khán giả.

Mỗi chương trình tốn kém khoảng một triệu USD, mời chuyên gia Mỹ hợp tác. Riêng đại nhạc hội tại NH Hòa Bình lần này, về tài chính, có lẽ chưa bằng hải ngoại nhưng, theo tôi, tương đối hoàn hảo với điều kiện trong nước.

Vì sao anh thu được nhiều đĩa đến vậy?

Tôi khởi nghiệp tại một trung tâm chuyên về CD và băng karaoke. Họ muốn đẩy giọng hát của mình lên thì chỉ có cách làm nhiều băng, đĩa thôi. CD đầu tiên của tôi là Hai đứa giận nhau hát với Hương Lan.

Đỉnh cao của Mạnh Quỳnh là thời hát chung với Phi Nhung?

Đó là 2001- 2004, khán giả rất thích cổ nhạc, cải lương. Giờ đây, tôi cũng phải tìm cách đổi món. Nhưng chọn được bài mới và hay bây giờ rất khó trong khi bài cũ hát quá nhiều rồi.

May mắn tôi có biết chút ít nhạc lý nên tự sáng tác cho mình và tìm cách điều hòa với gu khán giả. Đến nay tôi sáng tác hơn 20 ca khúc như Vợ tôi, Hạnh phúc đơn sơ, Tâm sự người hát nhạc buồn, Người giàu cũng khổ…

Mạnh Quỳnh  37 tuổi, cha người Mỹ, mẹ người Việt nhưng có nguồn gốc Pháp. Anh khởi nghiệp ca hát tại Mỹ năm 1995, thu khoảng hơn 50 đĩa nhạc-  kỷ lục trong làng nhạc Việt tại hải ngoại.

Anh hát nhạc buồn và cải lương trong khi khán giả dòng nhạc này ở hải ngoại đang giảm. Anh có lo khi phải chinh phục các thế hệ người Việt mới ở hải ngoại. Ngay vợ anh cũng chỉ thích nhạc Mỹ, ăn hamburger chứ không nghe nhạc sến?

Đúng là khán giả của tôi đang ít đi. Thế hệ con tôi chắc chẳng tính nữa rồi (cười). Tuy nhiên, không có nghĩa nhạc quê hương không còn được người Việt xa xứ nghe.

Khán giả nhỏ tuổi gốc Việt ở nước ngoài tiếp tục được ba mẹ bật cho nghe những băng, đĩa nhạc quê hương và họ vẫn nghe, cảm được cho dù không hiểu hết lời.

Cũng cần có nhiều bài, đa dạng hình thức thể hiện qua băng, đĩa để nuôi dưỡng âm nhạc quê hương trong lòng họ, ví dụ tôi và Phi Nhung từng làm những DVD cải lương ăn khách như Lan và Điệp, Nửa đời hương phấn…

Anh  có dự định cho những lần về nước tiếp theo?

Có lẽ tôi không về định cư vì cả gia đình đều ở Mỹ. Về diễn thì chắc chắn tiếp tục. Hy vọng tới đây được ra miền Trung, miền Bắc hát. Đợt này vừa hát ở đại nhạc hội tôi vừa hợp tác với Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông biểu diễn ở sân khấu 126.

Mấy hôm nay tôi nhận hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi của người hâm mộ và cảm thấy rất có lỗi vì không đủ thời gian hồi âm.

MỚI - NÓNG