Ca sĩ teen thất thế trên... "sân nhà”

Ca sĩ teen thất thế trên... "sân nhà”
Chỉ trong tháng 3/2008 mà có đến... hai cô bé 13 tuổi (Xuân Mai và Lê Vân Lee) tung ra album cá nhân. Đã từ lâu nay 98% album nhạc teen trên thị trường là do những ca sĩ U-30 hát.
Ca sĩ teen thất thế trên... "sân nhà” ảnh 1

Giọng ca tuổi teen Xuân Mai

Và chính các ca sĩ thuộc hàng U-30 lại là những "ngôi sao tuổi teen" đương thời. Lạ lắm không khi lớp trẻ yếu thế ngay trên sân chơi âm nhạc dành cho lứa tuổi của mình?

Chuyện bắt đầu từ việc một vài ngôi sao như Lam Trường, Cẩm Ly, Thanh Thảo, Hồ Quỳnh Hương... thỉnh thoảng "trẻ hóa" trong vài show nhạc để phục vụ các bạn HS-SV và lập tức tạo épphê.

Từ đó, không ít ca khúc pop nhẹ nhàng, được nhìn nhận là phù hợp với tuổi học trò, nổi lên từ những giọng ca "đã qua đi rồi mộng mơ”.

Còn tuổi nào cho... teen?

Chính hiệu ứng ấy đã khiến không ít ca sĩ trẻ đang đà "lớn" phải suy nghĩ lại: sao không giữ hình tượng teen thêm vài năm nữa thay vì phải thích nghi và "chín" dần với thời gian?

Nổi trội nhất là các ca sĩ trưởng thành từ những "lò dạy hát" thiếu nhi hoặc những cô gái thuộc nhóm hát như: HAT, Mây Trắng, Mắt Ngọc...

Những "teen lâu năm" này vẫn ngày ngày mặc váy áo xanh đỏ, nhún nhảy hát vang những ca khúc mang nội dung và giai điệu của teen pop. Rồi rủ nhau ra những album với tên gọi "teen thật là teen" như Giấc mơ tuyết trắng, Candy, Mickey, Tùng teen...

Kèm chủ đề album là những hình ảnh trẻ trung (Nguyên Vũ áo trắng tinh tươm, ôm bó hồng nhung đỏ thắm và cười toe trong Ngôi nhà hạnh phúc, Phan Đinh Tùng lí lắc cười đùa cùng một bé gái trong Tùng teen)...

Một loạt ca sĩ mới vào nghề (dù tuổi không còn teen) như nhóm WeBoys, Tim, Minh Hằng... cũng quyết chọn dòng teen pop để khởi nghiệp.

Thậm chí những ca sĩ trẻ từng theo đuổi các dòng nhạc khác trong một, hai album đầu cũng chuyển sang hát nhạc học trò. Như Thủy Tiên sau hai album mang màu sắc rock cùng những ca khúc tuy khác biệt nhưng vẫn không thành công, đã chuyển sang teen pop ở vol.3 Giấc mơ tuyết trắng. Album "ăn thị trường" và Thủy Tiên từ một "ca sĩ trong bóng đêm" trở thành nàng "công chúa tuyết" được teen yêu mến.

Gần đây nhất là Hải Anh sau album đầu tay mang hơi hướm "tình cảm Đài Loan" cũng đã thực hiện vol.2 với hình ảnh và chủ đề teen - Bảo hiểm tình yêu. Hai chàng trai Huyền Thoại cũng từ hình tượng "giang hồ Hong Kong" chuyển sang "nam sinh Hàn Quốc". Còn Bằng Cường cũng tự tin để trên album vol.2 Wow! Em đã về dòng chữ "album nhạc teen".

Ca sĩ teen thất thế trên... "sân nhà” ảnh 2
Wanbi Nguyễn Tuấn Anh và Tóc Tiên

Chỉ nhộn nhịp ở... thế giới ảo?

Điểm qua album nhạc teen do chính teen thể hiện chỉ thấy lèo tèo vài ba đĩa: Kim (phát hành năm 2006 khi Kim mới 15 tuổi), Nụ cười nắng mai (2007 khi Tóc Tiên 17 tuổi), Bay đến ước mơ (Lê Vân Lee - 13 tuổi), Tin nhắn (Xuân Mai - 13 tuổi)... đều là những album chất lượng, hình ảnh đẹp nhưng tất cả đều không "hot".

Ngược lại, trên mạng Internet, "thị trường" nhạc teen do những ca sĩ teen thể hiện lại vô cùng nhộn nhịp. Đó là lý do vì sao các hãng cũng như cá nhân ca sĩ teen ngán ngại sản xuất album teen.

Họ thẳng thắn: "Sở dĩ những ca sĩ "U già già” mạnh tay ra album teen vì tài chính đã vững, lại có fan riêng, bán album không được thì cũng có nhạc để hát ở các tụ điểm, chương trình...

Ca sĩ teen thất thế trên... "sân nhà” ảnh 3
Lê Vân Lee  

Thiệt thòi lớn nhất của ca sĩ teen là khi ra album không có thời gian quảng bá hay "thu hồi vốn" ở các tụ điểm, sân khấu... (vì bận học văn hóa ở trường)".

Thế là các ca sĩ tuổi teen đành quay lại hình thức quảng bá đơn giản mà hiệu quả: tung lên mạng. Chỉ cần một cái click sẽ thấy vô vàn ca khúc teen xinh tươi qua những giọng ca "teen già” như Quang Vinh, Lương Bích Hữu, Wanbi Nguyễn Tuấn Anh, Bảo Thi, rapper LK... và cả những "teen chính hiệu" như Tóc Tiên, Thùy Chi, Kim...

Ca khúc khi "bắn" lên diễn đàn (forum), nhật ký điện tử (blog) hay trang web âm nhạc (website) mà "trúng tim đen" các teen là lập tức lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, chỉ sống một "đời sống ảo" nên phần lớn ca sĩ teen online bị khớp khi có dịp xuất hiện ở các sân khấu thực và hoàn toàn không đủ kinh nghiệm chinh phục bạn bè đồng trang lứa.

Làm thế nào để các teen có thể phát triển tài năng của mình nhưng vẫn tránh được những hệ lụy mà một "ngôi sao tuổi teen" phải gánh chịu? Hướng các teen có năng khiếu đến những dự án kinh doanh âm nhạc, biểu diễn chuyên nghiệp vẫn là việc đáng suy nghĩ.  

Theo Quỳnh Nguyễn
Tuổi trẻ

"Không đầu tư cho giọng ca tuổi teen"

Nhạc sĩ Nguyễn Hà - giám đốc Nguyễn Production, đơn vị từng rất thành công với các dự án nhạc teen cho nhóm HAT, Lương Bích Hữu, Sỹ Luân, nhóm Ngũ Long Công Chúa... - đúc kết: "Không khó để nắm bắt thị hiếu nghe nhìn của tuổi teen trong một thời điểm nhất định.

Chỉ là một thời điểm nhất định thôi vì tuổi "nắng mưa" rất hay thay đổi. Vì thế chúng tôi thường chỉ ký hợp đồng với các ca sĩ trẻ trong hai năm để xây dựng hình tượng teen.

Thành công hay thất bại cũng chỉ hai năm đó thôi. Sau đó có thể lại phải tìm kiếm một hình tượng mới. Chúng tôi cũng không chọn đầu tư cho các giọng ca tuổi teen đúng nghĩa vì các em không thể toàn tâm, toàn ý cho âm nhạc.

Dồn sức cho âm nhạc và các hoạt động biểu diễn đồng nghĩa với việc học văn hóa bị ảnh hưởng. Dù ủng hộ con ca hát cũng không phụ huynh nào muốn thế. Biết rằng teen hát nhạc teen sẽ có chất hơn nhiều nhưng đành... tạm gác một bên vậy". 

MỚI - NÓNG