Ca sĩ Trọng Tấn 'đắm đuối' vì con

Ca sĩ Trọng Tấn 'đắm đuối' vì con
TP - Hẹn gặp Trọng Tấn đúng vào ngày anh nghỉ làm để đưa hai cô cậu Tấn Đạt và Hoa Thảo Nguyên đi mẫu giáo. Tấn có thể nói hàng giờ và hết sức say sưa về các “cục cưng”.
Ca sĩ Trọng Tấn 'đắm đuối' vì con ảnh 1

Chủ đề thứ hai yêu thích của anh chính là ngôi nhà được xây nên từ hai bàn tay trắng. Có phóng viên đề nghị kết nạp anh vào hội những người đàn ông của gia đình cũng có lý. 

Có rung rinh chứ!

Những người đàn ông nổi tiếng hay than phiền (hoặc giả vờ than phiền rằng) đôi lúc họ thấy mỏi vì sự hâm mộ của fan nữ. Trọng Tấn có bị những tình cảm ấy “làm khó” không?

Cũng có chứ. Làm nghề này, nếu nói tôi không hề cảm thấy rung động vì tình cảm của fan nữ thì rất giả dối. Hoặc giả nói tôi không biết có những tình cảm ấy cũng là không thật.

Làm nghệ thuật ai chả có sự nhạy cảm. Có những lá thư viết tay rất cảm động, người viết bày tỏ sự hâm mộ và không đề địa chỉ, tiếc là lúc chuyển nhà tôi không giữ lại được. Nhưng dù thế nào thì tôi vẫn là người có chừng mực, luôn biết dừng lại đúng lúc và chưa bao giờ làm gì quá giới hạn.

Cái sự dừng lại đúng lúc đó hình như quá khó với một người đàn ông, nhất là khi những thử thách cứ đến liên tục?

Cái quan trọng nhất tôi biết là mình cần gì. Có lẽ cũng chẳng có ai cứ mãi đem tình cảm đơn phương cho một người mà họ biết là không có hy vọng.

Chị nhà anh hẳn là phải có ảnh hưởng rất đặc biệt đối với chồng?

Chúng tôi yêu nhau khá lâu trước khi cưới. Cùng quê. Đã đồng cam cộng khổ theo đúng nghĩa của từ này nên chẳng dễ để mình có thể thay lòng đổi dạ.

Tức là tự kiềm chế mình vì nghĩ đến cái ơn của vợ lúc mình khó khăn?

Ý tôi không phải vậy. Vợ tôi cũng là người phụ nữ đáng cho nhiều người mơ ước. Cô ấy đẹp, có hai bằng đại học, hơn nữa lại hết lòng vì chồng con.

Một người đàn ông còn cần gì hơn nữa. Cũng có thể nói vợ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cách sống của tôi.

Theo như tôi biết, vợ anh không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, vậy cái mà anh gọi là ảnh hưởng đến công việc cụ thể ở đây là gì?

Cô ấy rành về thời trang. Hình ảnh của tôi ngày càng tốt hơn lên là nhờ công cô ấy.

Cô ấy cũng rất chịu khó xem những chương trình tôi diễn, xem lại trên vô tuyến. Và góp ý với tôi: Vì sao anh lên hình chưa đẹp, vì sao động tác của anh cứng.

Lúc đầu tôi không nghe, cô ấy đã cẩn thận ghi lại tất cả các chương trình có tôi, để tôi xem lại. Và tôi quả thật đã phải thay đổi mình.

Để thuyết phục một người phụ nữ có hai bằng đại học ở nhà làm nội tướng cho ba bố con, anh dùng “chiêu” nào?

Lôi con ra thôi. Cu lớn khi bé rất khó nuôi, cho ăn khó, ăn xong giữ cho cậu không trớ còn khó hơn. Chúng tôi mang cháu đến bác sĩ, bác sĩ bảo con bác sĩ cũng vậy, chờ nó lớn thì hết thôi.

Về nhà, trông cảnh con hàng xóm được ôsin bế đi dặt dẹo khắp nơi mới ăn được vài thìa bột. Xót con, thế là nịnh vợ ở nhà. Cũng phải mất một năm ròng rã, cộng với sự xuất hiện của cô út bà xã mới đồng ý.

“Nhốt” vợ ở nhà làm nội trợ trong khi khả năng của cô ấy có thể cống hiến cho xã hội nhiều hơn, có ích kỷ quá không? Anh là đàn ông, anh rất khó thông cảm được với sự ức chế của phụ nữ khi bị nhốt trong bốn bức tường?

Tôi nghĩ cống hiến cho xã hội hay cho gia đình thì cũng vậy. Tôi cũng hiểu yêu cầu như vậy là thiệt thòi cho vợ nhưng đó chỉ là thời gian tạm thời, khi nào con vào lớp 1 tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho cô ấy đi làm.

Và trong thời gian này, có bà nội bà ngoại hỗ trợ, cô ấy cũng được rảnh rang ra ngoài mua sắm, chọn đồ cho cả nhà. Thỉnh thoảng, khi tôi đi tỉnh diễn xa vợ có đi theo làm “quản lý”. Đó cũng là một cách tôi giúp vợ thay đổi không khí.

Thực ra, trong nhà Trọng Tấn có gia trưởng không? Tôi nghĩ cứ bo bo ý tưởng: đàn ông là trụ cột kinh tế cũng… cũ rồi?

Tôi thì không phân biệt ai là người cầm trịch về kinh tế, ai làm được cũng tốt. Nhưng tôi cũng không thích phụ nữ bươn chải quá.

Nếu phụ nữ phải trở thành trụ cột gia đình tôi cho rằng gia đình ấy sẽ mất đi một mảng màu xanh. Cuộc sống sẽ khô khan và mất cân bằng.

Nhiều ông chồng nghệ sĩ ra ngoài rất hào phóng các cử chỉ đẹp với chị em, nhưng riêng với vợ thì lại rất hà tiện. Trọng Tấn thuộc loại nào?

Chắc cũng không đến nỗi. Những ngày đặc biệt của vợ ít khi tôi quên. Thường dịp đó thì hay bận đi diễn nhưng trước hoặc sau đó bao giờ cũng có một ngày dành riêng cho cô ấy. Tôi sẵn sàng tự đi chợ, nấu nướng phục vụ cả nhà.

Anh tự tin về khả năng vào bếp của mình chứ?

Tôi tự lập từ nhỏ. Nhà nghèo, bé tí đã phải ở nhà một mình, chăm mấy con lợn. Đi học thì cũng phải tự lực cánh sinh nên khá rành về bếp núc. Tôi nấu ăn chưa thấy ai chê.

Anh khá giản dị, trong khi chị nhà rất sành điệu. Anh chịu khó đầu tư những thứ phụ kiện xa xỉ cho vợ chứ?

Tính tôi không phù phiếm được nhưng tôi cũng không tiếc khi phải chi tiêu những thứ phù phiếm cho người thân.

Thứ phù phiếm nhất anh sắm cho chị là gì?

Tôi thích nước hoa, nên hay mua nước hoa cho vợ. Vợ tôi hay đùa: Thế cũng là mua cho anh còn gì, vì anh ngửi tất.

Ca sĩ Trọng Tấn 'đắm đuối' vì con ảnh 2

Con ốm thì không làm gì được

Trong nhà anh, ai là người có tiếng nói quyết định với các con?

Mẹ các cháu. Tôi ít có thời gian ở nhà nên chỉ có thể chơi với chúng thôi. Còn cần nghiêm khắc thì tiếng nói của mẹ mới có trọng lượng. Vợ tôi giỏi lắm, không biết cô ấy làm thế nào mà các con rất sợ mẹ nhưng cũng yêu mẹ nhất.

Chơi với trẻ con cũng cần cả một nghệ thuật, anh có thấy khó không?

Không, vì lũ trẻ nhà tôi rất quấn bố. Tôi biết nhiều trò để chơi lắm: đọc truyện tranh này, xếp hình này, nặn đất này, làm trâu bò này… Những trò này là nghề của tôi, tuổi thơ tôi đã trải qua rồi.

Những điều khoản không thể vi phạm ở nhà Trọng Tấn trong việc giáo dục con?

Khi mẹ dạy thì bố im và ngược lại. Không có chuyện một người dạy một người bênh. Nếu có ý kiến gì thì nói sau, lúc không có mặt con ở đấy.

Chị nhà kể rằng, anh là người đàn ông yêu con hiếm thấy?

(Cười). Chắc tại tôi hay xót xa mỗi lúc con ốm, con đau. Có lần cháu bé ngã chảy máu môi, phải khâu mấy mũi mà hai ngày liền tôi bồn chồn, đứng ngồi không yên, không tập trung được để làm việc.

Tôi thích không khí gia đình, làm việc xong là thích về nhà. Có thời gian rảnh thì thích đưa vợ con đi chơi.

Anh có định cho các con theo học âm nhạc không?

Cả hai cháu đều có những thiên hướng tốt về cảm thụ âm nhạc. Tôi sẽ cho chúng học, ít nhất là một loại nhạc cụ nào đấy. Còn sau này cháu có theo nghề bố hay không còn tùy thiên hướng.

Tôi muốn con tôi dù làm nghề nào cũng sẽ biết thưởng thức âm nhạc. Khi người ta biết hưởng thụ nghệ thuật, người ta sẽ thánh thiện hơn, và cuộc sống của họ sẽ phong phú hơn, nhiều hương vị hơn.

Các ông bố bà mẹ nổi tiếng thường kỳ vọng nhiều vào con, đã có những người con các gia đình nổi tiếng nói rằng họ bị áp lực về điều ấy. Các con anh có phải “luyện thi vào lớp một” cho bằng chúng bằng bạn?

Ồ không. Tôi đồng ý với quan điểm của một số nhà giáo dục: Bậc mẫu giáo và tiểu học đối với trẻ quan trọng nhất là giúp chúng hình thành nhân cách. Còn phát triển trí tuệ thì tốt nhất ở những năm học trung học.

Hiện nay, các con tôi vẫn học trường làng. Bố mẹ cũng thống nhất là không kỳ vọng nhiều quá để chúng bị nặng nề. Tôi có quan niệm rất khác về bằng đại học.

Nhiều gia đình hiện nay đang quá quan trọng điều đó. Tôi nghĩ, miễn là con có một nghề để kiếm sống, và nó yêu cái nghề ấy, và nó sống vui vẻ. Thế là ổn rồi. Tôi có nhiều người bạn rất thành đạt, nhưng cái bằng đại học của họ lại gần như chẳng giúp được gì.

Anh nói rằng, bậc mẫu giáo và tiểu học muốn để con thoải mái, nhưng nếu chúng không có một nền tảng tốt thì rất khó để phát triển sau này?

Tôi nghĩ ngày xưa mình học trường làng có phải học thêm học nếm gì đâu mà cũng nên người đấy thôi. Việc học trường điểm này kia không giúp con trở thành thiên tài được nếu nó không có tố chất.

Tôi nghĩ việc bố mẹ kèm cặp ở nhà và dạy các cháu ý thức học tập quan trọng hơn là nhồi nhét kiến thức vào đầu chúng.

MỚI - NÓNG