Ca trù lên đường

Ca trù lên đường
TP - Năm ngày sau khi hồ sơ ca trù lên đường tới UNESCO đề nghị công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, chiều 20/4, Bộ VHTT&DL lịch họp báo quanh vấn đề này. 

Công ước về Di sản Phi vật thể của UNESCO ra đời năm 2003, đến 2007 có sửa đổi, đưa vào hai danh sách. Theo đó, các kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (nước ta có Nhã nhạc Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên) từng được công nhận sẽ tự động chuyển vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ca trù thì đăng ký đề cử Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Hồ sơ gồm bản đăng ký, đĩa hình, đĩa tiếng, album ảnh, bản đồ điện tử, sách và báo cáo kiểm kê di sản.

Ca trù rơi vào tình trạng nguy cấp, theo ông Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc- đơn vị được giao làm hồ sơ: Chủ yếu do quãng thời gian (1945- 1975) bị lãng quên (vì nhận thức xã hội), cùng chiến tranh kéo dài. Dù hồ sơ hoàn tất nhưng Viện Âm nhạc vẫn còn 4.000 trang tư liệu Hán Nôm chưa khai thác, cần dịch.

Ông Toàn khẳng định: “Lớp công chúng ca trù đang mỏng đi”. Ông Đặng Hoành Loan- người trực tiếp chỉ đạo xây dựng hồ sơ ca trù cảnh báo: “Sau 60 năm vắng bóng, lớp kế cận không còn, cần tổ chức truyền dạy gấp. Nếu không ca trù sẽ biến mất”.

Trước nay, ca trù thường được xếp vào hình thức dân ca (chẳng hạn liên hoan dân ca toàn quốc gần đây). Thực ra “ca trù là một nghệ thuật chuyên nghiệp, được tổ chức đào tạo hết sức cẩn trọng. Một đào nương được đào tạo 4-5 năm, trình diễn một năm, rồi mới làm lễ tốt nghiệp (lễ mở xiêm áo).”

Kiểm kê 14 tỉnh thành có ca trù, các nhà làm hồ sơ tìm ra 21 nghệ nhân- những người cuối cùng hát ca trù từ 1945 về trước. Nhưng chỉ còn 12 cụ đủ sức truyền dạy. Và cũng chỉ truyền được khoảng 30 trong số 56 thể cách của ca trù.

Một thực tế đáng báo động nữa: Không gian trình diễn không còn. “Hát thời xưa quy định nghiêm ngặt, không xô bồ như hội làng bây giờ. Trước buổi hát ca trù tại đình, người tham dự có khi còn phải trai giới,” ông Loan cho hay. “Khi tham dự phải ngồi theo thứ bậc tuổi tác, trình độ văn hóa (Viện Hán Nôm)”. Ông Loan khẳng định, ca trù ngày nay còn duy nhất không gian hát ca quán, vừa nghe vừa uống nước.

Cơ hội cứu vãn

Trong hồ sơ, UNESCO yêu cầu trình lên một “bản đồ điện tử” của ca trù. Nhờ yêu cầu này mà ta có một bản đồ chi tiết, chỉ rõ các vùng có ca trù, di tích lịch sử, văn bia liên quan, các CLB đang trình diễn ca trù... Ông Phạm Sanh Châu- Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam: “Chưa bao giờ xã hội quan tâm ca trù như hiện nay. Việc lập hồ sơ trình UNESCO cũng là cách quảng bá tốt hình ảnh Việt Nam”.

Như vậy, giai đoạn một: Hồ sơ khoa học- đã hoàn tất, chuyển sang giai đoạn hai: Vận động tuyên truyền giới thiệu để được công nhận. Hồ sơ sẽ được gửi theo xác suất cho các tổ chức liên kết phi chính phủ về âm nhạc được UNESCO công nhận. Họ đánh giá di sản và gửi bản trả lời trước 1/7. Có hai khả năng: Thứ nhất- họ thấy hồ sơ đạt tiêu chí và đề nghị UNESCO công nhận; thứ hai- không đạt, đề nghị điều chỉnh, gác lại.

Đánh giá của các tổ chức này sẽ đưa đến cách ứng phó thích hợp của Việt Nam tại phiên họp của Ủy ban Di sản Phi Vật thể ngày 28/9 tại Abu Dhabi (các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất) với hội đồng xét duyệt gồm 21 quốc gia.

Để thực hiện mục tiêu 4 của chương trình quốc gia về sưu tầm nghiên cứu quảng bá di sản, GS Tô Ngọc Thanh khẳng định phải đi theo hai kênh: Nhà nước và xã hội hóa. Trong khi Viện Âm nhạc ráo riết nghiên cứu lập hồ sơ, Hội VNDG cũng tích cực hành động.

Không chỉ đầu tư cho CLB Ca trù Thăng Long, gần đây Hội về làng Tranh Thôn ở Phú Xuyên, Hà Nội khảo sát và tìm ra ba nghệ nhân ca trù ở tuổi 80. Được Hội đầu tư 60 triệu, hiện Tranh Thôn đã có hai thế hệ (30-40 tuổi và 15-20 tuổi) hát ca trù. Nhiều học sinh (lớp 11-12) ở Tranh Thôn xin học ca trù. Lượng học trò muốn học gấp 3-4 lần khả năng các cụ có thể truyền dạy.

GS Thanh kết luận: “Giới trẻ xa lạ với ca trù là tại không được truyền dạy”.

Hành trình vận động

2005: Bộ VHTT&DL cử GS Trần Văn Khê làm cố vấn khoa học cho công tác lập hồ sơ. Một số nhà khoa học xuất bản các bài nghiên cứu.

2005-2008: Viện Âm nhạc tổ chức điền dã, khảo sát, sưu tầm tài liệu... bao gồm ca, múa, nhạc và các cách thức trình diễn trong các không gian văn hóa khác nhau.

Tổng thời gian điền dã 16 tháng tại 15 tỉnh thành: Phú Thọ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và TPHCM.

6/2006: Liên hoan ca trù lần I và Hội thảo Khoa học Quốc tế Hát ca trù người Việt tại Hà Nội

2008: Hội nghị kiểm kê ca trù, Hội nghị bàn về múa trong ca trù.

8/2008: Viện Âm nhạc chính thức lập hồ sơ.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".