Các cây bút trẻ đã tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực

Các cây bút trẻ đã tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực
TPCN - 5 năm qua, kể từ Hội nghị những người viết văn Trẻ lần thứ VI (2001) đến nay, cuộc sống đã có biết bao thay đổi. Đời sống văn học ngày càng cởi mở và dân chủ hơn.
Các cây bút trẻ đã tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực ảnh 1
Những hình ảnh Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc tại Hội An

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Hữu Thỉnh đã phát biểu tại lễ  khai mạc Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VII.

Bên cạnh những nhà văn lớp trước, nhiều cây bút trẻ tự vượt lên, đồng thời nhiều tên tuổi mới xuất hiện.

Nhiều cây bút trẻ đã đạt vinh dự cao trong các cuộc thi, các giải thưởng văn học của trung ương và địa phương.

Đã có gần 50 cây bút trẻ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều cây bút trẻ vững vàng đảm nhận các cương vị lãnh đạo chủ chốt của các hội sáng tạo trung ương, địa phương và ngay trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá VII.

Rõ ràng là các cây bút trẻ của chúng ta tham gia vào đời sống văn học ngày càng đông đảo hơn, tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực, kể cả những hiệu ứng văn học đáng mừng.

Các cây bút trẻ đã tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực ảnh 2

Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm được xem như thuộc tính của thế hệ mới, tác phẩm của các cây bút trẻ còn có nhược điểm chung là tình trạng sàn sàn, trung bình, khát vọng không cao, tính chất công dân còn mờ nhạt.

Nhiều bạn muốn đổi cách viết nhưng còn nặng về đổi mới hình thức, chưa quan tâm đầy đủ đến chiều sâu của nội dung - tư tưởng.Đã thấy có hiện tượng tiếp thu vội vã những trào lưu ăn khách của văn học nước ngoài, thiếu một sự chọn lọc, chưng cất công phu.

Đội ngũ sáng tác của lớp trẻ rất đông đảo, nhưng còn hiếm những cây bút chuyên nghiệp về lý luận - phê bình.

Trong Hội nghị này, với tinh thần thân ái và thực sự cởi mở, chúng tôi mong muốn các bạn trẻ thẳng thắn bàn bạc, thảo luận, tranh luận về những vấn đề đang đặt ra cho sự phát triển đội ngũ viết văn trẻ hiện nay, để giúp nhau tự điều chỉnh, tự bổ sung, phấn đấu cho cuộc bứt phá mới, vững vàng, tự tin nhận lấy trách nhiệm là đội quân chủ lực của văn học nước nhà trong những năm sắp tới.

Đây là sự kế tục tất yếu, không gì cưỡng lại được, chỉ có điều chúng ta ý thức được điều đó như thế nào, chuẩn bị cho sứ mệnh của thế hệ mình như thế nào để tránh những hẫng hụt không đáng có.

Trước những chuyển động to lớn của đất nước và trước biết bao vấn đề xã hội bức xúc hiện nay có lẽ chưa bao giờ bạn đọc đòi hỏi, trông đợi nhà văn như bây giờ.

Các cây bút trẻ đã tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực ảnh 3

Do vậy, nâng cao chất lượng sáng tác, phấn đấu cho sự ra đời những tác phẩm hay, tầm cỡ không chỉ là yêu cầu đối với lớp trẻ mà là nhiệm vụ hàng đầu của toàn bộ đội ngũ nhà văn chúng ta.

Tâm trạng chung của những người viết văn trẻ hiện nay là muốn đi tìm cái mới, cố gắng vượt qua những cái lỗi thời, mòn cũ. Đó là một mong muốn rất chính đáng.

Tuy vậy, quan niệm thế nào là cái mới đích thực trong văn học thì không phải ai cũng đã tìm được câu trả lời thoả đáng. Cái mới trong văn học dù xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp đều có nguồn mạch từ đời sống.

Mọi kiếm tìm cái mới đều trở nên vô vọng nếu tách rời đời sống, quay lưng lại với đời sống. Mặt khác, rất quan trọng, cái mới ở ngay trong trí tuệ, tâm hồn của nhà văn.

Dù cuộc sống có sôi động bao nhiêu, nếu tâm hồn nhà văn nguội lạnh và dửng dưng, rút cuộc tác phẩm cũng sẽ trở nên xa lạ và lạc lõng với người đọc.

Một vấn đề khác, cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm, đó là mở rộng đường biên văn học. Cuộc sống hiện nay cung cấp cho chúng ta biết bao nhiêu chất liệu quý giá.

Viết cái gì là quyền lựa chọn của mỗi người. Điều quyết định là ở cái nhìn của nhà văn. Cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt, thiện và ác, ánh sáng và bóng tối có khi phân tuyến rạch ròi, nhiều khi ngấm ngầm lẩn khuất, một mà là hai, hai mà là một, nhận chân cho rõ, soi tỏ đến mọi căn nguyên thật không phải dễ.

Vấn đề không đơn giản là ca ngợi hay phê phán. Ca ngợi mà hời hợt, giản đơn thì cũng không rung động một ai. Phê phán mà trùm lấp, áp đặt có khi sẽ bị nhấn chìm trong bóng tối.

Vấn đề là, cuối cùng thì nhà văn muốn đem đến cái gì đến cho người đọc. Và văn học, dù thế nào cũng không thể từ chối chức năng vun đắp cho con người và kiến tạo các giá trị đạo đức.

Trước yêu cầu mới của sự phát triển văn học, trong nhiệm kỳ này, Ban chấp hành Hội Nhà văn chủ trương đổi mới công tác nhà văn trẻ theo hướng vừa nâng cao vừa mở rộng tầm hoạt động để phát hiện và bồi dưỡng kịp thời các tài năng trẻ.

Hội sẽ khôi phục lại Trung tâm bồi dưỡng những người viết văn trẻ mang tên Nguyễn Du và chính thức khai mạc vào cuối năm nay.

Ngoài các cuộc Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc tổ chức 5 năm một lần, Hội sẽ tổ chức các cuộc gặp mặt hàng năm tại các khu vực với quy mô thích hợp.

Bắt đầu từ năm 2006 sẽ có giải thưởng hàng năm dành riêng cho lớp trẻ. Đặc biệt việc kết nạp hội viên mới từ đội ngũ những người viết văn trẻ cần được tiến hành một cách mạnh mẽ hơn, bắt đầu từ các chi hội, các hội đồng, các ban văn học của Hội.

Thưa Hội nghị!

Trường học của nhà văn thật là rộng lớn. Sách vở là những người thầy không gì thay thế được. Cuộc sống là những người thầy càng không thay thế được.

Được gặp mặt tại đất Quảng Nam anh hùng, đất trung dũng kiên cường đi đầu dựng xây là một hạnh phúc lớn.Chắc chắn trong những ngày được sống, được quan sát, tiếp nhận và nghĩ suy trên đất Quảng anh hùng, mỗi chúng ta sẽ thu nhận được nhiều điều.

Xin cảm ơn Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam giang tay rộng mở đón nhận những đại biểu của đội ngũ những người viết văn trẻ cả nước và xin tuyên bố khai mạc Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VII.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.