Bản quyền tác giả văn học:

Các nhà văn sẽ đàm phán với Google

Các nhà văn sẽ đàm phán với Google
TP - Sáng qua, trong cuộc tọa đàm về bản quyền diễn ra tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà văn Việt Nam (VN) đồng ý thỏa thuận với Google, bên cạnh đó một số tác giả còn ngần ngại.

>> Bản quyền giữa Google và các nhà văn Việt Nam

Các nhà văn sẽ đàm phán với Google ảnh 1
Bà Đoàn Thị Lam Luyến: “Các nhà văn có tác phẩm đưa lên Lạc Việt sẽ tham gia thỏa thuận với Google” - Ảnh: Đ.T.T

Từ năm 2004, Công ty Google tiến hành số hóa sách của nhiều quốc gia. Hành động này bị các nhà văn và nhà xuất bản Mỹ phản ứng mạnh mẽ, khởi xướng một vụ kiện tập thể tại Mỹ.

Qua nhiều lần đàm phán, đối chất, điều trần, hội thảo, Google và các tác giả, nhà xuất bản Mỹ đi đến thống nhất về một thỏa thuận đền bù trong phiên toà tại New York ngày 7/10 tới.

Lường trước hậu quả tương tự ngoài nước Mỹ, Google phát đi thông báo trên trang web và qua e-mail tới nhiều nhà văn VN về việc có thỏa thuận để Google đưa lên trang web tìm kiếm hữu hiệu này hay không.

Thông tin từ Trung tâm Quyền Tác giả Văn học Việt Nam (VLCC), 4.000 cuốn sách của tác giả VN, do các nhà xuất bản VN ấn hành đã được Google số hóa, và hàng chục ngàn cuốn khác đang chuẩn bị số hóa.

Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến- Giám đốc VLCC, với tư cách là đơn vị tập hợp đông đảo tác giả trên lĩnh vực văn học tại VN, VLCC đã nhận được sự liên hệ trực tiếp từ luật sư của Google đề nghị đàm phán để đạt một thỏa thuận liên quan hoạt động số hóa sách này, trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật VN và quốc tế.

Các nhà văn sẽ đàm phán với Google ảnh 2
Luật sư Đỗ Khắc Chiến: “Vụ thỏa thuận là quyền lợi, không phải nhà văn VN đi kiện”

Tại cuộc tọa đàm sáng qua, luật sư Đỗ Khắc Chiến nói, ông rất ngạc nhiên khi có tờ báo Việt Nam khẳng định Google sẽ trả cho văn giới VN 400 triệu USD.

“Họ chỉ trả 45 triệu USD cho tất cả tác giả trong vụ kiện này. Mức trả có thể dao động 5- 15- 60- 75 USD/cuốn sách được số hóa”, ông Chiến cho biết.

Google nói, số tiền họ trả cho tác giả sách chiếm 63 phần trăm doanh thu từ hoạt động khai thác sách trên mạng Internet.

Theo luật sư Chiến, những tác phẩm được pháp luật VN bảo hộ thì cũng được pháp luật Hoa Kỳ bảo hộ vì VN và Mỹ có nhiều hiệp định song phương về bản quyền. Nhà văn VN có quyền tham gia vụ kiện mà giới xuất bản Mỹ đã khơi mào, chứ không phải nhà văn VN đi kiện.

Đồng ý thỏa thuận có nghĩa các nhà văn VN không thể kiện tụng sau phiên tòa 7/10. Vụ thỏa thuận sẽ khiến nhà văn VN có thêm nhiều lợi ích như xuất bản rộng rãi hơn, nhưng cũng mất đi một số quyền lợi, chẳng hạn sách giấy sẽ bán chậm hơn.

Trung tâm Quyền Tác giả Văn học VN đưa quan điểm, Google là một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, nhưng mục tiêu của VLCC là đạt được thỏa thuận công bằng và hợp lý nhất nhằm bảo vệ quyền lợi của tác giả nói riêng và cả ngành xuất bản tại VN nói chung.

Chúng tôi mong sau dự án này, dư luận VN sẽ quan tâm hơn nữa để quyền lợi của các tác giả không tiếp tục bị xâm phạm.

Tuy nhiên, ông Hà Thân- Giám đốc Cty CP Tin học Lạc Việt nói, sách điện tử không làm giảm số người đọc sách giấy. “Đọc sách giấy vẫn là cái thú tuyệt vời khó thay đổi”.

Cũng sáng qua, Cty Lạc Việt ký kết hợp đồng sử dụng sách điện tử với VLCC.

Theo đó, 200 đầu sách sẽ được đưa lên web của Lạc Việt trong năm nay. Trước mắt, độc giả có thể đọc 20 đầu sách cổ điển như Chinh phụ ngâm, Kim Vân Kiều (bằng tiếng Việt và chữ Nôm).

Ông Hà Thân cho biết, dự án sẽ đưa tất cả tác giả văn học VN lên web tìm kiếm, khung thời gian của dự án là không thời hạn. Những tác giả ngại in sách có thể đưa tác phẩm lên mạng. “Khâu phổ biến tác phẩm chưa bao giờ thuận lợi như thế”- lời ông Hà Thân.

Trả lời Tiền Phong về sự liên quan giữa vụ thỏa thuận với Google và lễ ký kết với Lạc Việt, bà Đoàn Thị Lam Luyến nói, các nhà văn đồng ý đưa tác phẩm lên Lạc Việt cũng sẽ tham gia vụ thỏa thuận với Google. Nhà văn có nhiều sách nhất đưa lên Lạc Việt đợt này là Ngô Văn Phú với 40 cuốn.

Trong buổi tọa đàm, một số nhà văn chưa hình dung ra vụ thỏa thuận, thậm chí “coi chừng bị Google lừa”, “làm ăn với Mỹ phải cẩn thận, làm ăn với Pháp phải kỹ”.

Tiến trình thỏa thuận với Google

Ngày 4/9/2009: Tuyên bố tham gia vụ thỏa thuận hay không.

Ngày 7/10/2009: Phiên tòa phán quyết, nhà văn VN có thể dự nếu muốn và kịp đăng ký.

Ngày 5/1/2010: VLCC gửi danh mục tác phẩm định đòi tiền khai thác tác phẩm.

Ngày 5/4/2011: Yêu cầu gỡ tác phẩm hoặc duy trì tác phẩm trên Google.

MỚI - NÓNG