Các phu nhân Đại sứ và ấn tượng Việt Nam

Các phu nhân Đại sứ và ấn tượng Việt Nam
TPO - Cảnh sắc, văn hóa và con người Việt Nam đã hút hồn các phu nhân đại sứ đến từ khắp năm châu. Họ đã thể hiện tình yêu đó bằng những tác phẩm nghệ thuật.

Lần đầu tiên một triển lãm với sự tham gia của các "nhà ngoại giao" này được tổ chức tại Maison de Art, 31A Văn Miếu, Hà Nội từ 23/10.

Nghệ thuật tranh sơn mài, nét độc đáo của Việt Nam đã được các phu nhân Đại sứ tìm đến học hỏi với một niềm thích thú và đam mê. Dù cùng được hướng dẫn từ một người, cô Lê Kim Mỹ, nguyên giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhưng cách thể hiện của họ lại hết sức độc đáo, theo cách riêng của mỗi người.

Yêu tất cả những gì thuộc về Việt Nam

Các phu nhân Đại sứ và ấn tượng Việt Nam ảnh 1
Phu nhân Đại sứ  Chi-lê và tác phẩm của mình.Ảnh: L.A

Vốn là nhà ngoại giao, bà Lia Cristina de Canelas, phu nhân Đại sứ Chi-lê tại Việt Nam đã tình nguyện trở thành “nhân vật phụ” để theo chồng “đi sứ” tới nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới.

Bà cũng đã từng học tại trường nghệ thuật tại Santiago, Chi-lê và Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia New South Wales, Australia.

Mỗi mảnh đất bà đặt chân tới, bà đều muốn khám phá nét độc đáo. Tranh sơn mài của Việt Nam là một trong số đó.

Khi mới bắt đầu, bà Lia thấy rất khó, vậy mà sau 4 tháng miệt mài học tập, bà đã có thể tạo nên những bức tranh sơn mài theo ý mình. Bốn bức tranh được trưng bày trong triển lãm là kết quả của 4 tháng miệt mài sáng tạo.

Bà cho biết: “Đến giờ tôi có thể nói rằng tôi rất yêu Việt Nam, yêu một cách trọn vẹn, yêu hơn trước và càng ngày càng yêu. Tôi đến Việt Nam 2 năm rưỡi. Con người VN rất tuyệt vời. Con trai tôi cũng đi theo cha mẹ và học tập ở đây. Nó có một số người bạn Việt Nam và có thể nói được một chút tiếng Việt”

Cảnh sắc VN sẽ trở thành một phần nghệ thuật của tôi

Các phu nhân Đại sứ và ấn tượng Việt Nam ảnh 2
Phu nhân Đại sứ Hàn Quốc và hai bức tự hoạ.Ảnh: L.A

Chỉ cách đây một tháng, bà Cho Onn Young, phu nhân Đại sứ Hàn Quốc đã có một triển lãm cá nhân khá độc đáo ngay tại đây về tranh khắc và tranh in giấy.

Gặp lại bà trong cuộc triển lãm chung lần này, bà vui vẻ khoe: “Một phần chất liệu cho tác phẩm của tôi trong triển lãm này được lấy từ Việt Nam. Đó là con ốc trên bờ biển vịnh Hạ Long, hay viên đá nhặt được trên vỉa hè Nam Định”

Vốn sinh ra trong gia đình nghệ thuật và là một họa sỹ chuyên nghiệp, bà Cho luôn sẵn trong mình trái tim nghệ sỹ. Mỗi tác phẩm nghệ thuật của bà giống như một câu chuyện tình lãng mạn mà ta đã từng gặp trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.

Trong phần giới thiệu triển lãm, bà viết: “Một vài hình ảnh được tôi giới thiệu ngay với mọi người, ví như vỏ sò biển có dây cót tạo nhạc là một trong những kỷ vật gợi nhớ tới những kỷ niệm giữa tôi và chồng tôi khi chúng tôi còn trẻ.

Vào một ngày mùa đông giá buốt, khi chúng tôi đang trở về nhà sau một ngày làm việc, mùi thơm của món trai nóng hổi từ các nhà hàng cạnh trạm xe điện ngầm bay qua. Tối đó, tôi đã được thưởng thức một trong những bữa tối ngon nhất trong cuộc đời, và để giữ mãi khoảnh khắc này, tôi đã bí mật mang về những vỏ sò biển đó. Tôi vẫn còn nhớ mùi than đá đang cháy và mùi trai mặn trong buổi tối hôm ấy. ”

Bà khẳng định, Việt Nam với vẻ đẹp tự nhiên, nhiều bí ẩn tiềm tàng và những con phố hối hả ẩn chứa rất nhiều điều thú vị mà một ngày nào sẽ trở thành một phần nghệ thuật của bà.

Đến Việt Nam, bà cũng rất đam mê nghệ thuật vẽ tranh sơn mài và hy vọng khi phu quân hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, bà đã có thể học được nghệ thuật làm tranh sơn mài của đất nước này.

Chụp hàng ngàn bức ảnh Việt Nam

Các phu nhân Đại sứ và ấn tượng Việt Nam ảnh 3
Phu nhân Đại sứ Mexico. Ảnh: L.A

Tới Việt Nam được 3 năm, bà Ulla Camara, phu nhân Đại sứ Mexico rất thích đi du lịch. Bà bảo, ở Việt Nam đâu đâu cũng đẹp từ vùng núi, rừng rồi đến miền biển.

Bà có thể kể vách vách những địa danh của Việt Nam mà bà đã từng đi như Nha Trang, Hội An, Đồng Hới, Sa Pa.

Đi tới đâu, bà cũng không quên mang theo chiếc máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ về con người và cảnh sắc Việt Nam. Cho tới giờ, bà đã sở hữu hàng ngàn bức ảnh về Việt Nam.

Không ngờ, hai đất nước cách nhau nửa vòng trái đất lại có nhiều điểm tương đồng. Những họa tiết và màu sắc trên tấm vải thổ cẩm mà bà nhìn thấy ở Sa Pa rất giống với họa tiết của người dân tộc Mexico.

Lần đầu tiên đến Việt Nam, khi vào những cửa hàng lưu niệm ở Hà Nội, bà đã rất ấn tượng với những bức tranh sơn mài. Bây giờ, bà có thể tự hào vì có thể làm được những bức tranh... giống ở shop.

Đấy là nói vui vậy thôi, chứ thực ra, bà bắt đầu quan tâm đến thể loại tranh sơn mài và đăng ký học tại lớp học của bà Lê Kim Mỹ. Bà không học như một họa sĩ. Bà không xem bản thân là một nghệ sĩ mà là một người yêu nghệ thuật không ngừng học hỏi.

Bà Ulla Camara sinh tại Đan Mạch. Sau  khi tốt nghiệp Trường Kinh doanh Copenhagen, bà làm việc cho Bộ Ngoại giao Đan Mạch. Năm 1974, bà được bổ nhiệm làm việc cho Đại sứ quán Đan Mạch tại Mexico.

Tại đây, bà đã gặp chồng của bà bây giờ, một nhà ngoại giao Mexico. Từ năm 1978, bà đã theo ông đi khắp thế giới với các nhiệm vụ ngoại giao khác nhau của Mexico: Paris (Pháp), Lima (Peru), Washington D.C (Mỹ), Albuquerque (New Mexico Mỹ), London (Anh).

Học sơn dầu trước, sơn mài sau

Các phu nhân Đại sứ và ấn tượng Việt Nam ảnh 4
Phu nhân Đại sứ Ấn Độ. Ảnh: L.A

Trước khi ra Hà Nội tháng 12/2006, bà Malsawmi Muana, phu nhân Đại sứ Ấn Độ đã cùng chồng sống tại TP HCM 9 tháng khi ông là tổng lãnh sự Ấn Độ tại đây.

Vốn đam mê tranh sơn mài từ trước, nhưng ở TP HCM không có điều kiện học tranh sơn mài, bà đã học vẽ tranh sơn dầu trước.

Các bức tranh giới thiệu tại triển lãm lần này của bà đều là tranh sơn dầu. Bà cho biết, trong thời gian tới, chắc chắn sẽ học tranh sơn mài.

Bà Malsawmi Muana sinh tại miền Đông Ấn Độ và đã từng theo chồng nhận nhiệm kỳ tại Luân đôn, Maldives, Trinidad & Tobacco, Sudan, Botswana và thành phố Hồ Chí Minh. Bà bắt đầu vẽ tranh năm 2000 và tham dự Triển lãm tranh năm 2001. Bà cũng tham gia sáng tác bộ lịch bằng màu nước và tranh sơn dầu với bạn bè năm 2001.

Một số bức tranh màu nước của bà đã được dùng trong thiệp mừng vì mục đích từ thiện. Bà vẽ phong cảnh, con người, đặc biệt là người phụ nữ khi đang làm việc. Bà vẽ như một sở thích trong thời gian rảnh rỗi giữa nghĩa vụ gia đình, vai trò xã hội và ràng buộc ngoại giao.

Ấn tượng Vịnh Hạ Long

Các phu nhân Đại sứ và ấn tượng Việt Nam ảnh 5
Phu nhân Đại sứ Ma- rốc. Ảnh: L.A

Ba bức tranh mà bà Naima Fardani, Phu nhân Đại sứ Ma-rốc mang tới triển lãm đều là về vịnh Hạ Long.

Bà cho biết, Vịnh Hạ Long là địa danh đầu tiên mà họ đi du lịch nên để lại trong bà những ấn tượng sâu sắc.

Phu quân của bà là vị đại sứ đầu tiên của Ma rốc tại Việt Nam khi ĐSQ được thành lập từ năm 2006.

Bà còn khoe: “ Tôi vẽ tất cả năm bức tranh về Vịnh Hạ Long, nhưng chỉ trưng bày ba bức ở đây.”

Bà Naima Fardani sinh tại Casablanca, Ma-rốc. Là vợ của một nhà ngoại giao, bà đã có cơ hội đến thăm nhiều quốc gia, gặp gỡ rất nhiều người và tìm hiểu các nền văn hoá khác nhau.

Bà đã vẽ tranh được một thời gian dài và làm quen với các chất liệu khác nhau (dầu, acrylic, màu nước, lụa, …) và tham gia nhiều cuộc triển lãm tại Canada và tại Vương quốc Anh.

Năm 2006, bà theo chồng là Đại sứ Ma-rốc tại Việt Nam đến Hà Nội. Việt Nam, đất nước với những phong cảnh thần thoại và văn hoá đa dạng là nguồn cảm hứng sáng tác của bà.

Với sự khích lệ của bà Lê Kim Mỹ, giáo viên người Việt Nam, bà bắt đầu học kỹ thuật vẽ mới, đó là tranh sơn mài. Chỉ trong vòng 1 tháng, bà đã có thể vẽ được những bức tranh. Bà cho biết: “Tôi thật hạnh phúc khi ở Việt Nam”

MỚI - NÓNG