Cách Nguyễn Duy yêu nước

Tiết mục “Thơ tặng người xa xứ” với nghệ sĩ Thanh Bình và Xuân Hoạch hát ca trù còn Nguyễn Duy đọc thơ. Ảnh: Việt Dũng.
Tiết mục “Thơ tặng người xa xứ” với nghệ sĩ Thanh Bình và Xuân Hoạch hát ca trù còn Nguyễn Duy đọc thơ. Ảnh: Việt Dũng.
TP - Một đêm thơ nhạc tên gọi Xẩm Đình vừa diễn ra tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, Hà Nội. Trừ phần mở màn, toàn bộ lời hát của chương trình đều dùng thơ của một tác giả: Nguyễn Duy.

Trời tuy mưa nhưng thính khách vẫn tề tựu kín cả gian ngoài đình Kim Ngân, non nửa là khách nước ngoài. Một không gian lắng đọng quý giá giữa phố cổ tấp nập.

Đưa thơ hiện đại vào âm nhạc truyền thống là cách làm lợi cả đôi đường. Trước hết là thơ Nguyễn Duy được tái sinh vào những thể thức âm nhạc mới, mang tính đột phá tỷ như ca trù hay tuồng. Đây cũng là sự tiếp nối cho những sáng tạo không ngừng của nhà thơ quanh việc “hình thức hóa” ngôn từ những năm gần đây: Chép thơ lên vật dụng dân dã như thúng, mủng, giần, sàng, rổ, rá; triển lãm ảnh nghệ thuật đề thơ in trên giấy dó; xuất bản lịch thơ.

Đã có rất nhiều nhà thơ cổ điển làm thơ theo thể hát nói của ca trù. Riêng thơ Nguyễn Duy không phải từ đầu làm cho ca trù. Những câu chữ nôm na bỗng bất chợt một hôm song hành với thể nhạc quý phái vốn chuộng từ Hán Việt: “Một thời xa vắng chia hai/ Dấu chân mãi mãi chụm ngoài bờ đê/ Cũng từ độ ấy xa quê/ Hương bồ kết cứ đi về đêm đêm” (Thơ tặng người xa xứ). Mới nghe cũng thấy hơi lạ tai. Nếu thêm nhiều nhà thơ noi gương Nguyễn Duy làm mới ca trù kiểu này thì sao… Nhưng nếu xét trên bình diện thể nghiệm, tạo ra một cái lạ mà không bị phản cảm, cũng hay.

Một điều mà chắc chắn chưa nhà thơ nào làm trước đó, là đưa thơ vào tuồng. NSND Minh Gái dồn rất nhiều kịch tính vào diễn xuất trích đoạn bài thơ Nhìn từ xa tổ quốc - đệm bằng trống và nhị. Phần kết nhắc lại dồn dập: “Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?/ Những người tốt đang cần liên hiệp lại!”. Đúng là diễn thơ chứ không còn là ngâm thơ hay hát thơ. Khi tính trình diễn được làm hơi quá lên (diễn xuất, động tác của nghệ sĩ gợi nhớ tới trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo), phần nội dung thơ chắc chắn sẽ xoáy sâu vào người xem hơn. NSND Xuân Hoạch dùng hai chữ “độc đáo” và “mạnh khỏe” cho tiết mục này. “Lời thơ mới nghe có vẻ căng căng một tí nhưng cũng rất hợp, nó mạnh mẽ mà”, ông nói. Còn những Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa hay Cơm bụi ca đã trở thành những tiết mục quen thuộc được nhiều thính giả ưa thích. Vì thể thơ sáu tám lặn vào chầu văn và xẩm như cá vào nước.

Về phía âm nhạc truyền thống- vốn ít có thị phần trong đời sống hôm nay - cũng có cái lợi khi kết hợp với thơ đã có thương hiệu của Nguyễn Duy. Việc phổ lời mới vào chèo, xẩm, chầu văn… bấy lâu thường được làm một cách không chuyên nghiệp bởi những người không phải nhà thơ. Nay có thơ xịn và hợp để hát lên, các nghệ sĩ chả vui sao?! Người trình diễn Cơm bụi ca với nhị, NSND Xuân Hoạch cho hay: “Tôi gặp gỡ ông Duy không nhiều, nhưng thơ ông bản thân đã rất dân gian nên hợp với hát văn, xẩm, chèo… Nội dung lại gần gũi với đời sống hôm nay, dễ được khán giả đón nhận”. Xe duyên Nguyễn Duy với nhóm Đông Kinh cổ nhạc của Xuân Hoạch là Đàm Quang Minh. Minh từ Pháp về, say cổ nhạc thường cầm chầu trong các tiết mục ca trù. Xuân Hoạch gặp Nguyễn Duy lần đầu tại chiếu xẩm ngoài trời ở chợ Đồng Xuân năm ngoái, được nhà thơ tặng thơ. “Tôi về xem, xúc cảm quá, nghiên cứu tự làm”, Xuân Hoạch kể. “Đem cho tác giả duyệt qua xem ý tứ thế nào thì ông đều chấp nhận cả. Còn nói mình may mắn được các nghệ sĩ đưa thơ vào cuộc sống bây giờ”.

Tới nay Xuân Hoạch cùng các thành viên của nhóm Đông Kinh cổ nhạc như NSND Thanh Hoài, NSƯT Đoàn Thanh Bình… đã thu thanh 3 đĩa thơ Nguyễn Duy, đã mang thơ Nguyễn Duy trình diễn qua một số trường đại học và trung học ở Hà Nội. Và hiện diễn định kỳ vào tối thứ sáu của tuần thứ hai hằng tháng tại 50 Đào Duy Từ Hà Nội. Khán giả không mất phí vào cửa nhưng có thể tán dương nhạc và thơ bằng hình thức thưởng thẻ tre - đúng kiểu các cụ ngày xưa.

Bản thân Nguyễn Duy từng khẳng định những đêm thơ nhạc Xẩm đình, Ta hát lời ta, Khúc dân ca… không chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”. Ông gọi đây là việc làm để cổ vũ cái đẹp, cổ vũ tình người, cổ vũ yêu nước: “Yêu nước, không chỉ yêu phần xác, hết lòng yêu hồn nước mới trọn tình!”.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.