Tác giả Lửa Đắng, tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên bàn về nhất thể hóa:

Cái gì đúng quy luật tất phải đến

Cái gì đúng quy luật tất phải đến
TP - Nguyễn Bắc Sơn vốn là thầy giáo dạy văn, cán bộ quản lý báo chí xuất bản. Bộ tiểu thuyết hai tập Luật đời&Cha con và, mới đây nhất, Lửa Đắng của ông được đánh giá là tiểu thuyết luận đề chính trị đầu tiên đề cập trực tiếp, trực diện về thể chế, cơ chế chính trị.

Về Lửa Đắng (phát hành năm 2008), PGS.TS. Nhà thơ Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tư tưởng Văn hóa TƯ, nhận xét: “Bằng trực cảm tiên tri, nhà văn dự báo những gì chưa tới nhưng sẽ tới”.

Cái gì đúng quy luật tất phải đến ảnh 1
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn

Được biết, ông đến với văn chương rất muộn. Thế mà, với hai bộ tiểu thuyết đầu tay, ông lao vào lĩnh vực hóc búa nhất, tiểu thuyết luận đề chính trị mà cụ thể là vấn đề nhất thể hóa. Có phải chủ yếu vì ông muốn chơi trội hay bởi ông có cảm hứng thực sự?

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (NBS): Bất kỳ công chức nào làm việc trong bộ máy hành chính, nếu chịu suy nghĩ về công việc của mình đều nhận ra vấn đề này. Ở mỗi cơ quan, giữa thủ trưởng và bí thư rất hay có vấn đề. Ai chả thấy.

Chỉ có điều nói ra hay không mà thôi. Cái làm tôi và, tin chắc, nhiều người khác, day dứt nhất chính là cái khó nói ấy. Nó đặc biệt ám ảnh tôi từ khi không khí dân chủ cởi mở hơn, thông tin nhiều chiều hơn. Trở thành nhà văn, tôi quyết định phải thể hiện nó trong tác phẩm của mình.

Ở mấy cơ quan tôi từng làm việc, bên giáo dục cũng như văn hóa thông tin trước kia, không ai là người không nhận ra sự không đồng thuận giữa giám đốc và bí thư đảng ủy, giữa hiệu trưởng và bí thư chi bộ, không ít thì nhiều, không việc to thì việc nhỏ.

Họ vẫn làm việc với nhau đấy, nhưng nhiều khi chỉ là công tác chứ không phải cộng tác, chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng. Có thể có những lý do rất cá nhân, nhưng cũng có lý do thuộc về cơ chế bởi bí thư lãnh đạo nhưng giám đốc lại quản lý mà ông bí thư lại chỉ là phó giám đốc. Về mặt đảng, ông này to hơn ông kia. Về mặt chính quyền thì ngược lại.

Cái tham (tham, sân, si) của con người là vô cùng phổ biến. Trong cái tham, chắc người xưa đã hàm ý cả danh và quyền (hám danh, chết vì danh; hám lợi, chết vì lợi; hám sắc, chết vì sắc).

Đời nào cũng vậy, nhiều người nghiện quyền lực cũng như nghiện ma túy. Hai người nắm quyền ở hai ngạch khác nhau, mà lại cùng điều hành một tổ chức, mà nếu không ai chịu ai, thế nào cũng sinh mâu thuẫn.

Người ta nhận ra qua Lửa Đắng những hạn chế, bảo thủ của thể chế hành chính hiện nay. Đó là tình trạng tất cả quy cho trách nhiệm tập thể, cho cơ chế, cho người tiền nhiệm…, nghĩa là tất cả đều có trách nhiệm trước sai lầm khuyết điểm, mình chỉ là một bộ phận trong đó, không là người chịu trách nhiệm chính”

Chúng ta chưa được biết hiệu quả của nhất thể hoá như thế nào trong công việc cụ thể hằng ngày của Trần Kiên (nhân vật chính trong Lửa Đắng). Nhưng với sự tín nhiệm ngày càng cao mà anh giành được, việc nhất thể hoá chắc chắn mang lại nhiều thành công

PGS.TS. Nhà thơ Vũ Duy Thông,

nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư

Lửa Đắng là tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam đề cập đến nhất thể hóa?

NBS: Lửa Đắng là tiểu thuyết luận đề chính trị đầu tiên dám, đúng hơn là, liều lĩnh xông thẳng vào vấn đề ai cũng biết, ai cũng bàn thảo, cũng bình luận, cũng đưa ra chính kiến.

Các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo bàn về việc ấy đã đi một nhẽ. Nhà văn bàn về nó bằng tiểu thuyết là chuyện hoàn toàn khác.

Nó phải được giấu kín trong những câu chuyện, những chi tiết như thật, nhân vật như thật và số phận như thật, đến nỗi độc giả không biết mình đang đồng hành với tác giả can dự vào một chuyện chính trị phức tạp thuộc tầm đất nước.

Khi đưa nội dung nhất thể hóa vào tiểu thuyết, ông có tham khảo ý kiến  ai không?

NBS: Tôi không trao đổi với bất kỳ ai. Không tham khảo bởi tôi tin mình nghĩ đúng. Trách nhiệm công dân của một nhà văn xui tôi làm một nghĩa sĩ Cần Giuộc đạp cửa xông vào, liều mình như chẳng có. Thời gian đầu còn bí mật với cả bạn bè, sợ gặp tai nạn nghề nghiệp khi có nhiều người biết nội dung truyện của mình.

Ông không sợ các tác dụng phụ hay, nói cách khác, mặt trái của vấn đề à?

NBS: Hiệu ứng phụ, như người ta vẫn nói, là dễ dẫn đến chuyên quyền, độc đoán. Tôi nghĩ không phải thế. Ta vẫn có các thường vụ, giám đốc kiêm bí thư. Không thể qua mặt các cấp ấy nếu các cấp ấy làm đúng chức trách của mình. Giữa độc đoán và quyết đoán, ranh giới mỏng manh nhưng chế độ trách nhiệm thì cực kỳ rõ ràng.

Khoa học quản lý đã chỉ ra, càng nhiều người chịu trách nhiệm thì càng vô trách nhiệm. Các cụ ta chả nói “cha chung không ai khóc”. Khi anh là bí thư, tiếng nói của anh có trọng lượng hơn những người khác.

Anh cứ quyết định đi nhưng anh sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn vì anh là người quyết định cuối cùng. Anh là bí thư, nếu có sai lầm, khuyết điểm, anh sẽ chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng.

Còn trước dư luận và pháp luật, coi như anh vô can. Tình trạng ấy nếu cứ kéo dài mãi sẽ cản trở ghê gớm sự nghiệp đổi mới.

Luật đời&Cha con, tập một của Lửa Đắng, nhận giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, được dựng thành phim truyền hình 26 tập và khán giả bình chọn là phim truyền hình nhiều tập hay nhất năm 2007 (đang chiếu lại trên VTV6).

Ông đánh giá thế nào về sự chín muồi của chủ trương này?

NBS: Tôi là loại công chức đầu binh cuối cán nên không có khả năng đánh giá vấn đề trên phạm vi toàn quốc. Nhưng tôi có đủ thông tin để nhận ra điều này. Ở một cơ quan, khi ông giám đốc kiêm bí thư thì thường công việc rất trôi chảy.

Chắc chắn, các nhà lãnh đạo đất nước phải biết điều mà một người bình thường như tôi biết. Từ lâu, ở rất nhiều cơ quan tổ chức kinh tế đã thực hiện chế độ giám đốc và bí thư đảng ủy là một. Ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, nhiều nơi cũng vậy.

Riêng bên chính quyền, gần đây mới thí điểm ở một số địa phương bí thư kiêm chủ tịch cấp phường, xã và, hạn chế hơn, ở cấp cao hơn như huyện, tỉnh. Huyện Mê Linh, Hà Nội, từ nhiều năm trước đã làm.

Tôi nghĩ đã đến lúc nên thực hiện và có lẽ ý kiến của nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư, Nguyễn Văn An, trên Báo Tiền Phong vừa qua là hay hơn cả, thực hiện từ trên xuống. Đầu xuôi thì đuôi lọt, trên thông thì dưới thoát. Muốn đi nhanh thì đừng giẫm chân lên nhau mới được.

Trong bối cảnh khủng khoảng tài chính toàn cầu hiện nay, sớm giải phóng nguồn năng lượng tiềm ẩn, hy vọng, chúng ta sẽ có thêm lợi thế để bứt phá.

Nhất thể hóa được thể hiện trong Lửa Đắng như thế nào, thưa ông?

NBS: Nhất thể hóa đã được đặt ra từ Luật đời&Cha con thông qua cuộc đấu tranh giữa bí thư đảng ủy và giám đốc nhà máy Thắng Lợi. Sau đó, khi làm bí thư quận ủy, nhân vật Trần Kiên thấy sự bất hợp lý trong cơ chế lãnh đạo và điều hành.

Cả việc chung lẫn quan hệ riêng với Thanh Diệu, anh đều thấy mình phải kiêm chủ tịch huyện để chính mình phải chịu trách nhiệm cuối cùng và cao nhất thì mình mới không xấu hổ, lương tâm không cắn rứt, mới xứng đáng là một người bạn tốt, xứng đáng là một con người. Chỉ ý định thử nghiệm thôi mà Kiên bị kỷ luật.

Đến Lửa Đắng, coi như tập hai của Luật đời&Cha con, anh được phép chính thức thí điểm. Công việc tiến triển rất tốt tuy cũng phải trả giá vì đòn phản công của những người mất quyền, tức là mất lợi. Quãng đời Kiên cho đến lúc kết thúc Lửa Đắng là có hậu.

Anh được bầu làm ủy viên dự khuyết ban chấp hành T.Ư, được đề bạt làm phó chủ tịch, rồi chủ tịch UBND thành phố. Trong tương lai, như ông tân bí thư thành ủy dự kiến, anh sẽ kiêm luôn cả chức bí thư thành ủy của mình.

Nhân vật ấy là hiện thực hóa tư tưởng, chính kiến của nhà văn trước một nền hành chính công, cồng kềnh, trì trệ, kém hiệu lực. Có nhiều lý do từ trong nội tạng bộ máy ấy. Nhưng cũng có lý do bởi cơ chế, bởi hệ điều hành cơ chế ấy.

Nhất thể hóa là một mô hình điều hành xã hội thay cho mô hình đảng lãnh đạo nhà nước quản lý. Bác Hồ khẳng định Đảng ta là đảng cầm quyền. Nhất thể hóa chính là thực hiện đúng điều khẳng định ấy. Tôi nghĩ nó cũng là nội dung cải cách hành chính lớn nhất trong công cuộc cải cách hành chính của nhà nước hiện nay.

Nhưng xung quanh mô hình nhất thể hóa còn có nhiều vấn đề liên quan máu thịt như vấn đề dân chủ hóa, thể hiện trong việc lựa chọn cán bộ cho bộ máy công quyền (bầu cử ở các cấp), vấn đề vai trò của nhân dân như thế nào trong việc chung.

Lửa Đắng mới chỉ là quanh việc phá dỡ một cái chợ cũ xây chợ mới. Nghĩ rộng ra còn phải là những vấn đề thuộc tầm cỡ quốc gia, khi nào, việc gì thì phải trưng cầu dân ý.

Trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từng có ý kiến cần sớm xây dựng luật trưng cầu dân ý. Rồi còn vấn đề công khai minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, để đảm bảo tính công bằng xã hội trong công tác xét xử.

Tôi rất tin sẽ được độc giả chia sẻ bởi thật ra đâu phải là suy nghĩ của mình tôi. Tôi chỉ là người nói hộ suy nghĩ của nhiều người, chỉ là tiểu thuyết hóa cuộc sống hiện thực để mua vui cho nhiều người, cũng là thể hiện trách nhiệm công dân nhà văn đảng viên.

Ông có gặp trở ngại gì trong quá trình xuất bản Lửa Đắng không?

NBS: Trở ngại lớn đấy. Bạn bè cứ ngại tôi cầm đèn chạy trước ô tô, cứ sợ tôi mắc tội dạy khôn Đảng. Vì thế cũng phải qua bảy nhà xuất bản từ Bắc vào Nam mới được Nhà xuất bản Lao Động chấp thuận. Sách ra rồi. Đến nay, có 15 đơn vị báo chí phỏng vấn, viết bài như VTV1, gần như báo Hà Nội Mới, xa như Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao động…

Người đầu tiên tôi mang tặng sách là nhà báo Hữu Thọ. Trong Luật đời&Cha con, nhân vật Hòe chỉ là một cán bộ tuyên huấn cao cấp. Trong Lửa Đắng, nhân vật Hòe lùi lại phía sau, có một nhân vật mới mang chức danh Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư hẳn hoi.

Vậy mà, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư Hữu Thọ đồng ý là mừng rồi. Tôi có tặng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Hôm sau ông gọi điện cho tôi nói, hôm trước vội quá chỉ nhận sách mà chưa trò chuyện được. Ông hẹn tôi dịp khác.

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bí thư chi bộ của một địa chỉ văn hóa có tên tuổi ở Hà Nội - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, ông có làm gì để thúc đẩy việc xin được thử nghiệm nhất thể hoá ở những nơi ấy không?

NBS: Ă n thua gì. Đã bảo như bắn súng chỉ thiên, chọc gậy xuống nước thôi mà. Nhưng nếu làm từ trên xuống như ý ông Nguyễn Văn An thì hay hơn nhiều. Tôi vẫn nói với nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây rằng, ông nhanh nhanh nhận lấy chức bí thư chi bộ nhé.

Báo Tiền Phong có bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn An về nhất thể hóa. Nội dung nào trong ý kiến đó ông cho là hiện thực nhất?

NBS: Tôi nghĩ, lập luận nào của ông Nguyễn Văn An để bảo vệ những ý kiến của mình cũng đều xác đáng cả. Đảng ta là đảng cầm quyền thì luật pháp cũng có thể thay đổi, cơ chế mình đặt ra cũng có thể đổi thay, miễn là làm cho sự nghiệp đổi mới đất nước phát triển với tốc độ nhanh hơn nữa.

So với thiên hạ ta chậm quá, cách xa họ quá. Vấn đề là ở chỗ phải đổi mới nhận thức. Trung ương từng có nghị quyết. Còn trên thực tế, lại mới  làm thí điểm. Chắc sẽ phải sớm khôi phục tính hiệu lực của nghị quyết khoa học đúng đắn ấy. Tôi tin vào sự sáng suốt của đại hội đảng toàn quốc sắp tới.

Cảm ơn ông.

Hoàng Quốc Dũng

(thực hiện)

MỚI - NÓNG