Cải lương lay lắt ngay tại quê hương

Cải lương lay lắt ngay tại quê hương
TP - “Hỡi ơi! Con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã, mà lệ của tôi - nó cũng lai láng tuôn dòng. Có ai biết được tấm lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy. Sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai”.

>> Bài 1 - Cải lương rút về vùng sâu

Cải lương lay lắt ngay tại quê hương ảnh 1
Một con đường nhiều quán ca cổ ở TP Cà Mau. Ảnh: Tiến Hưng

Đó là đoạn kết bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của Viễn Châu cũng có thể mượn để nói về nỗi niềm nghệ sỹ cải lương với môn nghệ thuật này hiện nay.

Bài 2: Nỗi niềm nghệ sỹ

Nghệ sỹ Trần Văn Thiện-Phó đoàn Tây Đô đưa chúng tôi thăm cơ ngơi của đoàn ở nơi rất ít người biết tại phường Trà Nóc (Bình Thủy, Cần Thơ).

Hai dãy nhà vốn là “khu gia binh” xây dựng trước năm 1975, mái tôn xi măng rất nóng và mưa là dột tứ tung.

Anh Thiện luôn miệng: “Ở thế này là khá hơn nhiều tỉnh khác. Tết nhất lễ lạt, lãnh đạo thành phố có đến thăm”. Nhưng rồi anh ao ước có mươi triệu đồng làm cổng, hàng rào để ngăn kẻ trộm và thanh niên càn quấy vào phá phách.

Đoàn cải lương Cao Văn Lầu ở phía sau khu dân cư Cầu Xáng, phường 3 (TX Bạc Liêu). Trưởng đoàn Minh Chiến giới thiệu: “Chỗ này, anh chị em chỉ ở mùa mưa thôi, để tập vở mới, còn chủ yếu đi diễn”.

Theo luồng tư duy của anh Minh Chiến, anh Minh Đương- Trưởng đoàn cải lương Hương Tràm, cười: “Sân khấu là nhà nghệ sĩ mà. Ngày trước đậu ghe một chỗ hát cả nửa tháng, bây giờ ít khán giả nên đậu vài ngày lại đi, đi hoài thành quen, ở một chỗ thấy buồn!”. Chỗ ở tạm bợ dường như là một đặc điểm của các đoàn cải lương hiện nay.

Lưu diễn và xa con cái triền miên, nhất là cải lương có nhiều đôi vợ chồng cùng nghề nên rất hoàn cảnh. Phó đoàn Tây Đô-Trần Văn Thiện có vợ là Kiều Mỹ Dung cùng đoàn nên 2 con phải gửi bên nội. Tây Đô có 5 đôi vợ chồng cùng đoàn.

Nghèo túng, long đong, vất vả nhưng các đoàn hiện có nhiều nghệ sỹ trẻ. Đoàn cải lương Cao Văn Lầu hầu hết diễn viên tuổi 16-26. Đào chính Tuyết Mơ mới 26 tuổi.

Kép chính Phạm Anh mới 21 tuổi, vừa đoạt giải nhất ca cổ Cao Văn Lầu. Rồi Tiểu Nhi, 17 tuổi, Huy chương vàng Văn nghệ quần chúng Bạc Liêu. Ở Đoàn cải lương Tây Đô: Ngọc Trắng, Ngọc Nhung đều dưới 30 tuổi đã đoạt Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 2003.

Diễm Kiều, Hoàng Khanh trên dưới 30 tuổi đã đoạt giải nhất và nhì Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền. Đoàn cải lương Hương Tràm có đào chính Hoa Phượng chưa đến 30 tuổi, nổi danh từ tuổi trăng tròn với giải thưởng Trần Hữu Trang, được Trung ương Đoàn tặng giải Gương mặt trẻ tiêu biểu.

Trên con đò chạy rì rì giữa rừng đước đêm khuya, Hoa Phượng cuốn mình trong chiếc võng, bộc bạch: “Ca cải lương ăn quán ngủ đình, lưu diễn rất vui nhưng mỗi khi nghĩ đến tuổi tác lại giật mình”.

Lương tháng của Hoa Phượng 1,3 triệu đồng, lưu diễn được bồi dưỡng 30.000 đồng/đêm, nhà thì ở tập thể với đồng nghiệp. Danh hài Giang Danh, diễn viên Đoàn cải lương Hương Tràm, tâm sự: “Nghiệp ca hát hiện không có gì đảm bảo cuộc sống”.

Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Kiên Giang–nghệ sỹ Nguyễn Trung Thành năm nay 59 tuổi, gắn bó với nghiệp cải lương gần 40 năm, băn khoăn: “Chúng tôi đang lo đoàn cải lương có tồn tại lâu dài được không?”.

Đoàn cải lương Chuông Vàng (Sóc Trăng) từ Đoàn cải lương Sông Hậu 1 ra đời năm 1961, cách đây 3 năm đã giải thể. Sóc Trăng hiện là 1 trong 5 tỉnh ở ĐBSCL không còn đoàn cải lương chuyên nghiệp.

Chúng tôi tìm thăm kép độc một thời của Chuông Vàng là ông Lý Minh Căn nay ở căn nhà nhỏ, rách nát gần cầu Đen, Quốc lộ 1A (TP Sóc Trăng) cùng vợ trông rất hoàn cảnh.

Vợ chồng già, không con, thanh sắc tàn rồi, bây giờ có ai mướn gì làm nấy: Giặt đồ, làm cỏ, giữ trẻ. Cũng từ Chuông Vàng, vợ chồng nghệ sĩ Linh Tuấn- Thanh Kim Hiền vay mượn mở được quán ca cổ gần chợ Chó (TP Sóc Trăng), dãy nhà lắp ráp nằm sâu trong con đường khó đi, chỉ dân nhậu còn nhớ ca cổ mới tìm đến, tạm lo được cơm áo hàng ngày và hát để đỡ day dứt.

Nhiều nghệ sỹ rời Đoàn cải lương Cao Văn Lầu cũng mở quán ca cổ: Công Tràng, Ngân Trinh- Mạnh Tường, Lệ Mỹ, Hoài Cổ… Chủ quán Hoài Cổ là Loan Phụng vì gia đình 3 đời theo nghiệp cải lương mà đặt tên quán như vậy.

Chúng tôi gặp ca sỹ Ngọc Diễm quê tỉnh Hậu Giang tại một phòng trọ nhỏ trên đường Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá, Kiên Giang). Nghiệp cải lương từ nhỏ của Ngọc Diễm thể hiện ở nhiều bằng khen, giấy khen tại các cuộc thi ở nhiều tỉnh ĐBSCL.

Năm 2006, Ngọc Diễm cho ra mắt một đĩa cải lương của riêng mình. Bây giờ, phương tiện hành nghề của Ngọc Diễm là xe hon da và điện thoại di động. Ngọc Diễm kể: “Tôi hát ở những quán quen, mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng, nói chung tạm ổn”. Nhiều nghệ cải lương cũng đang “bám nghề” như Ngọc Diễm.

Quán nhậu ca cổ và ca cổ phục vụ quán nhậu là một lối thoát về kinh tế của các nghệ sỹ cải lương hiện nay để có thể theo đuổi niềm đam mê. Các nghệ sĩ ở Đoàn cải lương Hương Tràm đã biến con đường Nguyễn Du ở phường 5 (TP Cà Mau) thành đường Quán Nghệ sĩ với các quán của Tuấn Liêm- Hồng Chi, Minh Sang …

Dĩ nhiên, mở quán ca cổ hoặc ca cổ trong quán nhậu là một hoạt động nhiều lúc “chẳng đặng đừng” của các nghệ sỹ. Bức bách cuộc sống mà phải làm. Chưa kể những dị nghị “tươi mát” nọ kia, mở quán đàng hoàng nhưng nghệ sỹ Hồng Chi ở Cà Mau tâm sự: “Có người làm mình tủi thân lắm.

Ngày trước lộng lẫy, kiêu sa trên sân khấu, nay bưng rượu bia, thức ăn cho khách, có khi bị khách la mắng vô lối. Vì miếng cơm manh áo gia đình mà chịu đựng, nếu cải lương nuôi sống được nghệ sĩ thì chắc không mấy người mở quán”.

MỚI - NÓNG